Thursday, April 23, 2020

Tưởng niệm 30 tháng 4 lần thứ 45

Thi Ca Yêu Nước

Ngày Quốc hận lần thứ 45
Những ngày này đúng 45 năm về trước, quân đội CS Bắc Việt được Liên Xô và Trung Cộng viện trợ vũ khí dồi dào, đã ào ạt tấn chiếm Miền Nam Việt Nam;  còn quân đội Việt Nam Cộng Hoa phải anh dũng chống trả trong tình trạng thiếu thốn, vì người bạn đồng minh Hoa Kỳ đã bỏ rơi và cắt hết viện trợ. Trong cơn binh biến ấy, người dân Miền Nam cố tìm đường trốn chạy trước khi cộng quân tràn tới, tạo nên một cảnh tượng cực kỳ bi đát.
Ngược dòng thời gian, khi đất nước chia đôi năm 1954, gần một triệu người Miền Bắc đã bỏ lại tất cả, chạy vào Miền Nam hòng tránh xa CS, tìm lấy cuộc sống tự do.  Thì nay, 21 năm sau, người dân Miền Nam hoang mang trước tai ương sóng đỏ đang tràn tới. Đồng bào từ Miền Trung lũ lượt xuôi Nam, còn người ở Miền Nam thì biết biết đi đâu bây giờ. Tất cả nhìn nhau bằng ánh mắt thất thần, hoang mang, ngơ ngác!
Đã có nhiều bài thơ bài nhạc ghi lại cảnh tượng bi thương của quê hương trong cuộc di tản đầy máu và nước mắt vào những ngày tháng Tư năm 1975. Hôm nay TCYN mời quí thinh giả cùng nghe lại bài thơ “Cuối Đường Mẹ Đi”  của ông Võ Đại Tôn, một người đã dấn thân cả đời đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do dân chủ không CS. 
Bài thơ mô tả cuộc di tản của Mẹ Việt Nam, mà cũng là hàng ngàn hàng vạn những bà mẹ tay bế tay bồng, dắt dìu những đứa con thơ nhỏ dại, bước đi dưới cái nắng chói chang, khởi hành từ Cam Lộ, Gio Linh, vùng địa đầu giới tuyến của miền đất tự do, hướng về phương nam để tìm đất sống. Đi cho đến cuối con đường, rồi kết thúc cuộc hành trình đầy bất hạnh tại Mũi Cà Mau, điểm cuối của giải đất mẹ đầy tang tóc. Mẹ gục chết bên đàn con, cũng là cái chết của một chính thể tự do dân chủ của Miền Nam Việt Nam, sau 21 năm kiên cường chiến đấu. 
CUỐI ĐƯỜNG MẸ ĐI, bài thơ ông Võ Đại Tôn viết năm 1975, mở đầu bằng những câu: 
Mẹ già đi từ Cam Lộ
Nước mắt chảy mềm Gio Linh.
Gia tài không đầy đôi rổ,
Mẹ nhìn máu lửa Thần Kinh.
Cũng như bao nhiêu người từ Miền Bắc năm xưa, quyết định ra đi với hai bàn tay trắng, hôm nay gia tài của mẹ là đôi quang gánh, một bên đặt đứa con thơ, bên kia là vài ba thứ lặt vặt vơ vội, trước khi ngọn lửa thiêu rụi cả xóm làng. Mẹ lê bước nhọc nhằn qua từng vùng lửa đạn, còn nặng mùi thuốc súng. Đó đây ngổn ngang xe cộ cháy đen cùng những xác người co quắp. Từ một lùm cây ven đường có tiếng ai đó đang rên rỉ trong cơn hấp hối. Mẹ như mê sảng, không còn cảm giác dù hai bàn chân đã sưng húp nóng ran!
Đá đổ mồ hôi: Thạch Hãn
Chạy dài đến đỉnh Hải Vân.
Leo đèo, Mẹ như mê sảng,
Chân voi: sưng đôi bàn chân.

Mẹ đi giữa trời thiêu đốt
Thây con lớp lớp trải dài
Dọc theo con đường Số Một,
Nằm bên dăm củ sắn khoai.

Tam Kỳ chạy vô Quảng Ngãi
Bầy con đói khát bên đàng.
Biển người xô nhau, quằn quại,
Ngã dần… trong tiếng khóc than. 
Con đường Mười Bốn và xa hơn về hướng nam là tỉnh lộ số Bảy, trên hai trục lộ này, đòan người di tản đông đúc, mệt mỏi đói khát tả tơi xuất phát  từ vùng cao nguyên Pleiku, Kontum, Ban Mê Thuật, Phú Bổn hướng xuống Qui Nhơn, Phú Yên  tiến ra miền duyên hải. Giờ đây hai con đường này trở thành trận địa và là mục tiêu tấn công của quân Bắc Việt. Những tiếng nổ chát chúa, những tiếng thét hãi hùng, từng mảnh thịt xương, từng dòng máu thắm tùng tóe tung lên cùng bụi mù đất đá, khi những trái đạn pháo của cộng quân rót trên đoàn người di tản. 
Mẹ vào Quy Nhơn, Phú Bổn,
Nhìn trời khói lửa Pleiku.
Đoạn đường mang tên Mười Bốn
Thành mồ hoang lạnh, thâm u.

Thây ai quàng manh chiếu rách,
Bàn tay nào vói trời cao ?
Ngập vùng tang thương Darlac,
Chân đi, Mẹ khóc nghẹn ngào.
Đoàn người sống sót từ vùng cao nguyên đổ xuống, nhập với những người đến từ Miên Trung, họ đã gạt lệ chia tay Ngũ Hành Sơn, núi Non Nước, nơi ghi dấu cuộc nam tiến của cha ông năm nào. Đoàn lữ hành nhắm hướng Nam bước tới, xa xa là dải núi Mẹ Bồng Con, hình dáng người chinh phụ đứng chờ chồng thuở nào. Họ tiếp lúc bước lê trên Quốc Lộ 1, vượt qua đèo Cù Mông, nơi đây quân Nam ta đã xẻ núi lấp sông để mở mang bở cõi xuống tận Miền đồng bằng Miền sông nước Cửu Long.
Vào đến Nha Trang miền quê hương cát trắng, thành phố an bình xinh đẹp thơ mộng, nay bỗng trở thành trại tỵ nạn khổng lồ, đầy người trên mọi ngả đường. Người mừng người tủi, ngơ ngác tìm nhau, mẹ mất con, vợ lạc chồng, những em bé nháo nhác tìm người thân trong tuyệt vọng. Kẻ đứng người ngồi quây quần quanh nhau chia xớt từng miếng bánh, củ khoai, ca nước….. thê lương.
Bà Mẹ Việt Nam còn chút hơi tàn, dù lực đã kiệt, vẫn cố tiến bước xuôi nam. Bước tới thủ đô Sài Gòn, một niềm hy vọng lóe sáng, nhưng cảnh huy hoàng thở nào nay như đang lịm tắt. Sài Gòn cũng đang trong cơn hấp hối. Xuống đến miền sông nước hiền hòa, vựa lúa đủ nuôi sống cả dân tộc, nay từng ngọn khói bốc cao. Bom đạn cầy xé ruộng vườn, gà vịt hoảng loạn chạy tứ tán. Từng đàn cò trắng lượn là tìm được nơi trú ẩn.
Máu chảy lan dần mạch đất
Nha Trang chết vạn đàn con.
Vào Nam, sức già lây lất
Về đâu ? – Nẻo sống không còn !

Cần Thơ, Hà Tiên, Rạch Giá,
Mẹ lần đến mũi Quê Hương
Cà Mau nhìn ra biển cả
Tàn hơi, Mẹ chết bên đường !

Mẹ già đi từ Cam Lộ
Cuối đường, chết mũi Cà Mau.
Trọn đời sống trong đau khổ
Chết còn trông thấy khổ đau !…
Ngày 30 tháng Tư 1975 chấm dứt một cuộc chiến, cái độc tài man rợ, phi nhân đã thắng, một chế độ dân chủ, văn minh nhân bản đã thua, một đất nước đã chìm vào tăm tối, một tương lai mù mịt phủ xuống quê hương, mở màn cho những cuôc trả thù, đấu tố, cướp phá, tù đầy. Cũng từ đó hằng hằng lớp lớp liều mình tìm đường ra khơi, dù biết chỉ một phần sống chín phần chết, nhưng thà rằng phải chết khi được hít thở không khí tự do. Cái giá phải trả cho tự do thật lớn lao. Bao giờ quê hương mới có thanh bình trở lại, để hồn mẹ được vui bên đoàn con trăm họ.
Khôi Anh
HS, MN, BC và KH hẹn gặp quí thinh giả trong TCYN lần tới.

No comments:

Post a Comment