Tuesday, April 14, 2020

62 ngàn tỷ, miếng bánh quá ngon cho bọn… quan tham?

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, không tham nhũng tận răng thì không phải là đảng viên đảng CSVN chân chính. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Thu Hà với tựa đề: 62 ngàn tỷ, miếng bánh quá ngon cho bọn… quan tham? sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Ngày 8/4/2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội VN họp phiên bất thường, để xem xét, đồng ý với Chính phủ triển khai gói cứu trợ an sinh xã hội khẩn cấp.
Chiều 9/4/2020, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký nghị quyết về gói an sinh xã hội lên tới 62.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19.
Các nhóm được ưu tiên hưởng như sau:
  1. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng: Được hỗ trợ thêm 500 ngàn đồng/người/tháng.
  2. Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, do doanh nghiệp gặp khó bởi dịch COVID-19: Được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng /người/tháng.
  3. Cơ sở kinh doanh cá thể có doanh thu dưới 100 triệu đồng/ năm tạm ngừng kinh doanh: Hỗ trợ 1 triệu đồng/ hộ/ tháng.
  4. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; lao động bị mất việc: được hỗ trợ 1 triệu đồng/ người/ tháng.
  5. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019: được hỗ trợ 250 ngàn đồng/ khẩu/ tháng.
Bà Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh trong phiên họp hôm 8/4 rằng “không để gói cứu trợ bị trục lợi”.
Trả lời với báo chí, Bộ trưởng, Chánh văn phòng Phủ thủ tướng cho biết: “Quan điểm của Thủ tướng là gói hỗ trợ phải rõ ràng, minh bạch, công khai. Gói hỗ trợ đến tận tay người dân, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách, không để xảy ra tình trạng tham nhũng hay thất thoát”.
Lý thuyết là như vậy, liệu đi vào thực hiện, có trọn vẹn như thế không?
Từ nhiều năm qua, đã xảy ra hàng trăm vụ “ăn chặn” tiền hàng cứu trợ, xoá đói giảm nghèo; tiền hỗ trợ thiên tai, bão lũ… bởi các cán bộ, đảng viên có chức có quyền, lãnh đạo địa phương. Chúng ăn chặn tiền của cả những người yếu thế, rất thiệt thòi trong xã hội; những người bị bệnh tâm thần, người già yếu không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, trẻ tàn tật…
Tháng 9/2019, cả nước rùng mình, khi ngay thủ đô Hà Nội, bọn bất lương đã làm việc phi đạo đức, “ăn” cả quà tặng, thực phẩm dành cho những trẻ tật nguyền tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật ở Ba Vì.
Ngày 31/10/2019, Cơ quan An ninh điều tra, CA Thanh Hóa đã khởi tố 3 Trưởng khoa bác sĩ gồm: Vi Du Lịch, Phan Văn Giỏi và Đinh Thu Hồng, đã lợi dụng việc kê đơn thuốc vật tư, y tế để cắt bớt thuốc, vật tư y tế của các bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, sau đó cho nhân viên mang bán ra ngoài để trục lợi.
Trong đó, bà Đinh Thu Hồng là vợ của giám đốc bệnh viện Trịnh Văn Anh. Tiền kiếm được từ số thuốc “chôm” đi bán lên đến 1,5 tỉ đồng, được các đối tượng chia nhau.
Từ chính quyền Đà Nẵng, tới Quảng Nam, Quảng Ngãi… chính quyền tỉnh thì ăn chặn theo cấp tỉnh, huyện, xã thì ăn chặn theo cấp huyện, xã. Có những nơi, số tiền “nằm im” không được chi đồng nào, để rồi sau đó các quan lớn, nhỏ chia nhau.
Tiền không chi ra, đồng nghĩa với việc nạn nhân và gia đình họ sẽ “nhận cứu trợ” trên giấy, trong khi người dân oằn mình, rên xiết trước cảnh tai ương, đã phải khóc hết nước mắt với bọn “cẩu quan” này!
Giải thích việc số tiền “khủng” tồn đọng, được giữ lại, một số lãnh đạo địa phương cho rằng, “sẽ làm đường nông thôn, chuyển đổi ngành nghề, đào tạo và dạy học cho con em ngư dân…” Thật chung chung, vô thưởng vô phạt, để hợp thức hóa số tiền mà chúng cướp của dân.
Năm 2016, Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển, gây vụ khủng hoảng biển chưa từng thấy, làm cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung. Người dân cả nước phẫn nộ và giận dữ vì Formoma xả chất độc, hủy hoại môi trường biển.
Trước sự biểu tình, xuống đường rầm rộ của người dân trên cả nước, buộc Formosa phải xin lỗi và bồi thường số tiền 500 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam. Rất nhiều người dân miền Trung đã không nhận được, hoặc nhận được rất ít số tiền bồi thường, thay vào đó, tiền rơi vào túi của các quan tham địa phương.
Chính phủ không có sự giám sát số tiền được chi trả như thế nào, mà chỉ nói chung chung, rằng “Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc bồi thường cho dân“. Giao cho các bộ, ngành và các địa phương xây dựng phương án về bồi thường thiệt hại như: Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, xử lý môi trường bền vững… Và chỉ có thế!
Bất chấp lệnh Chính phủ, các ông “vua con” ở địa phương chỉ làm theo cách của mình. Trong khi chính quyền địa phương tuyên bố đã chi “hoàn tất” tiền đền bù cho dân, nhưng nhiều người dân vẫn không nhận được. Sự bất bình ngày càng gia tăng và các khiếu nại, kêu cứu của dân đều rơi vào vô vọng.
Mỗi khi quê hương rơi vào thiên tai, dịch hoạ, các quan chức lại rung đùi, sung sướng: Phen này “trúng to”, tiền “chùa” cứ thế mà vơ vét. Bởi lẽ, ăn trên máu và nước mắt, sống ký sinh trên những thân phận dân nghèo, những số phận bọt bèo, là nghề của bọn chúng.
Tiền “xà xẻo”, cướp được, chúng xây biệt thự, thu tóm đất vàng, đưa con đi du học và mua nhà ở nước ngoài. Chúng sống như đế vương, mà không sợ gì cả, bởi chúng không phải trả giá cho việc làm của chúng.
Những quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm, giải trình không hợp lý về nguồn gốc các tài sản bất minh, Quốc hội đã không thông qua trong Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, tại kỳ họp thứ 6, ngày 20/11/2018, vì… không đủ quá bán đồng ý! Trong khi Công ước của Liên Hợp Quốc thì tài sản bất minh phải bị tịch thu hoặc khởi tố hình sự.
Và số tiền 62.000 tỉ đồng chuẩn bị hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, sẽ có bao nhiêu phần trăm trong số đó đến tay người dân nghèo hay phần lớn rơi vào túi các quan tham?
Thu Hà

No comments:

Post a Comment