Friday, April 3, 2020

Tin Tức: Thứ Sáu, 03.04.2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Vân Khanh Bá Cơ trình bày sau đây.
THÊM MỘT PHỤ NỮ BỊ BẮT VỚI CÁO BUỘC “HOẠT ĐỘNG LẬT ĐỔ CHẾ ĐỘ CSVIỆT NAM”
Bạo quyền tỉnh An Giang vào hôm qua đã bắt giam bà Nguyễn Thị Kim Phượng với cáo buộc “hoạt động lật đổ chế độ CS Việt Nam”.
Theo cáo buộc, vào năm 2018 bà Kim Phượng đã gia nhập một tổ chức chính trị ở hải ngoại có tên là “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời” sau đó vận động thêm người gia nhập tổ chức này. Khi lục soát tư gia của bà Phượng, công an tìm thấy cờ Việt Nam Cộng Hòa và nhiều tài liệu chỉ trích chế độ CS đang cai trị tại Việt Nam.
Như tin đã loan, gần 3 năm qua, bạo quyền CS Việt Nam đã bắt giam và tuyên án nặng nề hơn 30 thành viên của tổ chức nói trên. Bộ công an cũng liệt tên tổ chức này vào danh sách các nhóm khủng bố.
TRUNG CỘNG LẠI HÚC CHÌM MỘT TÀU CÁ VIỆT Ở BIỂN HOÀNG SA
Vào sáng thứ Tư 2/4, một chiến hạm Trung Cộng đã húc chìm một tàu cá Quảng Ngãi ở vùng biển Hoàng Sa, trên tàu có 8 ngư dân.
Tuy nhiên, khác với nhiều vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam trước đây, lần này chiến hạm Trung Cộng không bỏ đi, ngược lại đã cứu vớt 8 ngư dân nói trên và trao số người này cho hai tàu cá Việt chạy đến cứu giúp các đồng nghiệp.
Theo lời kể của các ngư dân, vụ tấn công húc chìm chiếc tàu Quảng Ngãi xảy ra vào lúc 3 giờ sáng. Nhận được tín hiệu cầu cứu, 4 tàu cá Quảng Ngãi khác đã vội vã chạy đến để cứu vớt nhưng bị chiến hạm Trung Cộng xua đuổi bằng vòi rồng khiến một tàu cá bị bể kiếng cabin và hư hỏng một số thiết bị. Hai tàu cá bị chiến hạm Trung Cộng bắt giữ đưa về đảo Phú Lâm. Đến chiều tối thứ Tư, hai tàu cá Việt Nam được phóng thích cùng với 8 ngư dân của chiếc tàu bị húc chìm.
Suốt 10 năm qua, hàng chục tàu cá Việt đã bị chiến hạm tấn công, cướp bóc và húc chìm ở vùng biển Hoàng Sa, khiến giới ngư dân phải rời bỏ ngư trường truyền thống này, cùng hàng ngàn tàu cá đã phải tiến sâu về phía nam để đánh bắt. Nhiều lần, ngư dân Việt đã bị các nước láng giềng bắt giữ về tội xâm nhập hải phận bất hợp pháp.
VIỆT NAM  GIA TĂNG KIỂM SOÁT LỆNH CÁCH LY TOÀN XÃ HỘI
Vào hôm qua, lực lượng công an đã thiết lập vài chục chốt kiểm soát ở cửa ngõ ra vào Hà Nội và Sài Gòn nhằm thực hiện lệnh cách ly toàn xã hội mà nhà nước Việt Nam đưa ra vào hôm thứ Ba 1/4.
Tại Hà Nội vào hôm qua có 30 chốt kiểm soát được thiết lập ở các cửa ngõ ra vào. Tại Sài Gòn, các tuyến đường tỏa đi các tỉnh đều có chốt kiểm soát, với 6 xe đò bị bắt giam vào hôm qua vì chở khách từ Sài Gòn về các tỉnh lân cận. Toàn bộ người ăn xin tại Sài Gòn bị đưa về các trung tâm tạm giữ trong ngày hôm nay.
Cùng ngày, có thêm 5 trường hợp nhiễm dịch Vũ Hán được công bố, nâng tổng số người nhiễm ở Việt Nam lên 227 người. Đa số các trường hợp nhiễm mới đều liên quan đến ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, và ổ dịch tại quán rượu Buddha ở Sài Gòn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị một khoản cứu trợ lên đến 60 ngàn tỷ đồng, tức khoảng 2 tỷ rưỡi Mỹ kim, nhằm trợ giúp cho khoảng 20 triệu người bị mất việc hay bị giảm lương vì đại dịch Vũ Hán.
DÂN NHA TRANG PHẢN ĐỐI VIỆC DI DỜI NHÀ GA RA KHỎI THÀNH PHỐ
Trước sự phản đối của dư luận, ông Nguyễn Tấn Tuân, chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, vào hôm qua đã lên tiếng trấn an người dân là việc di dời ga Nha Trang chỉ là một gợi ý của giới doanh gia, chưa chính thức trở thành kế hoạch của nhà cầm quyền.
Theo giải thích của ông Tuân, đề nghị di dời ga Nha Trang là đến từ tập đoàn kinh doanh Tuấn Dung, đặt trụ sở tại Hà Nội. Đề nghị này đã được soạn thảo thành văn bản và gửi đến các cơ quan hữu trách để xem xét.
Tập đoàn Tuấn Dung đưa ra hai phương án. Một là biến ga Nha Trang thành nơi chỉ đón hành khách và xây dựng nhà ga Vĩnh Trung ở ngoại ô để bốc dỡ hàng hóa, giúp các tàu hàng trống chạy vào trung tâm thành phố. Phương án 2 là di dời toàn bộ đến ga Vĩnh Trung, biến khu đất rộng 115 mẫu của ga Nha Trang thành nhà bảo tàng, xây các khu chung cư 30 tầng và thương xá. Tuy nhiên, cả hai phương án này đang bị dư luận Nha Trang phản đối.
HOA KỲ CHẤP THUẬN VIỆC DI TẢN THỦY THỦ ĐOÀN MẪU HẠM ROOSEVELT 
Hơn 1 ngàn binh sĩ Mỹ trên hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt đã được đưa lên đảo Guam để cách ly tại một căn cứ hải quân vào hôm thứ Năm, 2/2 nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan trên mẫu hạm này.
Việc di tản lên bờ diễn ra sau khi hạm trưởng Brett Crozier gửi bức tâm thư cho bộ quốc phòng Mỹ, nội dung yêu cầu di tản các binh sĩ lên bờ ngay lập tức vì dịch Vũ Hán đang lan nhanh trên tàu. Trong bức thư dài 4 trang, Đại tá Crozier mô tả tình huống tuyệt vọng trong nỗ lực dập tắt dịch trên tàu và nhấn mạnh rằng “không thể để cho các binh sĩ phải hy sinh trong thời bình”.
Mặc dù đồng ý di tản thủy thủ lên bờ, nhưng Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly không đồng ý với đề nghị của hạm trường Crozier là chỉ giữ lại 10% quân số trên tàu, tức khoảng 500 binh sĩ. Lý do mà ông Modly đưa ra là mẫu hạm nguyên tử lực này có một lượng vũ khí rất lớn nền phải có một số nhân sự nhất định để bảo đảm mức độ an toàn và an ninh cho con tàu.
TỔNG THỐNG PHI ĐE DỌA BẮN CHẾT NGƯỜI VI PHẠM LỆNH PHONG TỎA
Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte vào hôm thứ Tư 1/4 tuyên bố là sẽ cho phép cảnh sát bắn chết bất cứ ai vi phạm lệnh phong tỏa để chống dịch Vũ Hán.
Ông Duterte nhấn mạnh là tình hình ngày càng xấu đi và cần phải quyết liệt để dập tắt đại dịch này. Tuyên bố trên đài truyền hình vào tối thứ Tư, ông Duterte cho biết đã ra lệnh cho quân đội và cảnh sát sẵn sàng bắn hạ bất cứ ai chống đối lệnh phong tỏa trên toàn quốc. Ông trấn an dân chúng Phi là việc tuân thủ lệnh cách ly tại nhà sẽ giúp ích rất nhiều trong việc khống chế dịch Vũ Hán đang lây lan nhanh chóng.
Cho tới hôm nay, nước Phi đã có gần 2500 trường hợp nhiễm dịch và 100 người chết trong vòng 3 tuần qua. Ít nhất 12 bác sĩ và y tá Phi cũng thiệt mạng vì nhiễm dịch.

No comments:

Post a Comment