Sunday, November 2, 2014

Trả Lời Thư Tín

Chủ Nhật 02.11.2014   
Thùy Ngân:  Kính thưa quý vị thính giả của đài Đáp Lời Sông Núi, sau đây là tiết mục Trả Lời Thư Tín do Thùy Ngân thực hiện. Ông Tây Sơn, quản nhiệm đài Đáp Lời Sông Núi sẽ hầu chuyện với quý thính giả đã gửi thư hay gọi vào đài trong thời gian qua.
Ông Phan Hải, Bình Dương: Thưa quý Đài, ông Dương Khiết Trì đến VN để làm gì trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố VN đã giành thắng lợi trong đấu tranh về biển Đông? Như vậy ông Dương Khiết Trì đến Hà Nội để ký văn kiện đầu hàng VN hay sao?
Tây Sơn: Thưa ông Phan Hải, đây là lần thứ hai ông Dương Khiết Trì sang Hà Nội kể từ khi Tàu kéo giàn khoan đến vùng biển VN. Lần thứ nhất, ông Dương Khiết Trì đến Hà Nội vào ngày 17 và 18 tháng 6 trong lúc giàn khoan Tàu đang hoành hành trong vùng biển VN. Không biết ông Dương Khiết Trì và Hà Nội nói gì, nhưng khi ông về Tàu, báo chì Tàu gọi công tác của ông Dương Khiết Trì tại Hà Nội là "khuyến dụ đứa con hoang đàng trở về". Đến Hà Nội lần này với lý do tham gia cuộc họp lần thứ 7 của Ủy Ban chỉ đạo hợp tác song phương Tàu-Việt. Song hành với chuyến đi của ông Dương Khiết Trì, quốc hội VN cũng đang họp để chuẩn bị nhân sự cho đại hội tới của đảng CSVN. Phải chăng, công tác của Dương Khiết Trì là đưa những đứa con đã thuần hóa vào bộ máy lãnh đạo nhà nước và đảng CSVN!
TN: Ông Huỳnh Đa, Mỹ Tho: Ngày 6 tháng 10, 2014 ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố "Chúng ta đã giành thắng lợi trong đấu tranh về biển Đông" khi tiếp xúc với nhóm gọi là cử tri quận Ba Đình. Tôi suy nghĩ mãi vẫn không tìm ra thắng lợi ?
TS: Thưa ông Huỳnh Đa, thắng lợi là thắng lợi đối phương, kẻ đối nghịch của mình. Đảng CS của ông Trọng đâu có xem CS Tàu là kẻ đối nghịch nên thắng lợi ông Trọng nói đến là thắng lợi với phía đối nghịch, tức nhân dân VN. Quả tình đảng CS của ông Trọng đã thắng nhân dân VN trong vụ giàn khoan 981. Với đường lối cố hữu đàn áp nên đảng CSVN nhất thời đã khống chế và làm đẹp lòng CS Tàu. Không có phong trào phản đối và bài Tàu diễn ra ngoài vụ bạo lọan trong những ngày đầu do CSVN đạo diễn. Phát biểu của ông Trọng là phát biểu với đảng viên của ông chứ không phải với nhân dân VN.
TN: Bà Lan, Sài Gòn: Tin tức trong nhiều ngày qua nói về việc nhà cầm quyền VN tống xuất ông Điếu Cày Nguyễn văn Hải từ nhà tù đến Hoa Kỳ. Chúng tôi vui mừng, nhưng lo và nhục. Vui vì một người tù ra khỏi tù. Mừng vì cuối cùng CSVN cũng nghe lời "đế quốc". Lo vì không biết anh Điếu Cày sẽ xoay trở ra sao trong một xã hội mới mà Ông chưa hề có kinh nghiệm. Nhục vì nạn buôn người của nhà nước VN mà tôi là người VN. Mong quý Đài chuyển đến ông Điếu Cày lời chúc mừng của gia đình tôi cũng như các thân hữu của tôi. Cầu mong Ông đạt được nhiều thành công trong khung cảnh mới.
TS: Thưa bà Lan, chúng tôi sẽ tìm cơ hội chuyển lời thăm hỏi của bà đến ông Điếu Cày. Thông thường, một người đến định cư tại HK phải có khoản thời gian 2 năm để ổn định. Ông Điếu Cày cũng không ngoại lệ. Vào 2 giờ trưa thứ sáu ngày 31 tháng 10, 2014 tại Nam California, đã có một buổi hội luận truyền thông với blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, được Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do và đài truyền hình SBTN thực hiện tại thành phố Garden Grove, Nam California.
Chúng tôi gởi đến bà một vài phát biểu của ông Điếu Cày trong buổi hội luận:
Khi một độc giả ở San Jose nêu vấn đề "Liệu ông có để cho vấn đề cơm áo gạo tiền hay áp lực chính trị nào đó mà đi vào vết xe của Luật sư Trần Quang Thành, một luật sư mù đấu tranh cho tư do ở Trung Quốc nhưng sau một thời gian ngắn bị trục xuất qua Mỹ đã mất hút và chìm xuồng". Ông Điếu Cày đã trả lời một cách khẳng khái: "Trong suốt những ngày đấu tranh ở Việt Nam, mặc dù bị đàn áp chúng tôi vẫn không sợ, vẫn đấu tranh. Thứ hai khi chúng tôi biểu tình chống Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa -Trường Sa bị đàn áp dữ dội, không cuộc biểu tình nào không bị đánh, bị bóp cổ đến ngất đi rồi bị đưa vào đồn công an để làm việc, nhưng chúng tôi vẫn đấu tranh. Trong suốt 6 năm 6 tháng 2 ngày trong tù tôi cũng chưa một lần ngừng đấu tranh. Vậy tại sao khi tôi sang Hoa Kỳ, một đất nước tự do, tự do trên internet mà chúng tôi là người đấu tranh trên mạng internet, mà lại ngừng đấu tranh?"
Trả lời câu hỏi của khán giả Huy Phương là "Ông có nghĩ chính phủ CSVN đưa ông qua Mỹ để vô hiệu hóa ông hay không? Việc đấu tranh của ông ở trong nước hay ngoài nước thuận lợi hơn?", nhà báo Điếu Cày lập luận, "Trong môi trường nào cũng đấu tranh. Ở ngoài xã hội tôi đấu tranh trong vai trò một nhà báo. Vào trong tù tôi đấu tranh trong vai trò người tù. Mỗi người khi vào những môi trường khác nhau phải chuẩn bị sẵn cho mình những dự án khác nhau để hành động trong môi trường đó. Đây là môi trường thuận lợi về truyền thông và chúng tôi có lợi thế về truyền thông ở trong nước. Tôi ra ngoài này tôi sẽ thực hiện được nhiều việc lợi hơn trong nước thay vì tôi phải nằm trong tù cho đến hết ngày hết tháng mà không phục vụ được gì cho đồng bào."
TN: Ông Trần Quán Niệm, Biên Hòa: Trong chuyến đi Âu Châu vừa rồi, ông Nguyễn Tấn Dũng có trao đổi với nhóm học giả tại Đức về Dân chủ và Nhân quyền. Ông Dũng phát biểu:
"Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người. VN không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế này"
Theo quý Đài, ông Dũng có biết ông ta nói gì và nói với ai không?
TS: Thưa ông Trần Quán Niệm, trong phần trả lời các câu hỏi, ông Dũng còn đề nghị các vị học giả nên đọc Hiến Pháp 2013 của VN thì sẽ hiểu rõ hơn. Đối với ông Dũng, chúng ta chỉ nghe nói cho vui thôi, đừng tốn thì giờ tìm hiểu ý nghĩa những lời phát biểu của ông ta.
Có lẽ ý của Ông Dũng là "Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ theo định hướng XHCN là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người. VN không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế này". Nhưng sợ dùng cụm từ theo định hướng XHCN người ta sẽ cười nên ông Dũng bỏ cụm từ theo định hướng XHCN trong câu phát biểu.
TN: Mục trả lời thư tín tuần này xin tạm ngưng nơi đây, Cám ơn quý thính giả đã gửi thư hay gọi vào đài trong thời gian qua. Thùy Ngân xin hẹn gặp lại quý thính giả của đài Đáp Lời Sông Núi vào kỳ tới. Xin kính chào tạm biệt.

No comments:

Post a Comment