Saturday, November 22, 2014

Tin Tức thứ Bảy 22.11.2014

Dân Hồng Kong biểu tình đòi chính phủ Anh bảo vệ quyền lợi

Hôm thứ Năm tuần trước, nhóm Biểu Tình cho biết đến ngày 21-11-2014, họ sẽ đến biểu tình tại khu phố chung quanh Lãnh Sự quán Anh để kêu gọi Anh Quốc ủng hộ. Họ bất mãn trước sự im lặng của chính quyền Anh trước sự thất hứa của Trung Cộng là cam kết cho dân Hồng Kông được hưởng quy chế "một quốc gia, hai chế độ" trong thởi hạn 50 năm, từ 1997 đến 2047. Đúng như lời cảnh báo đó, vào chiều hôm qua, 21-11-2014, một nhóm trên 30 nhà tranh đấu dân chủ đã biểu tình trước tòa Tổng Lãnh Sự Anh, đòi hỏi chính quyền Anh phải thực hiện đúng những cam kết đã dưa ra với dân Hồng Kong trước khi trao trả vùng đất nầy lại cho Trung Quốc. Một đại diện của nhóm nầy đã tuyên bố với báo chí rằng chính phủ Anh có trách nhiệm phải bênh vực quyền lợi cho người dân đặc khu và phải đòi Bắc Kinh tôn trọng lời cam kết mọi sinh hoạt xã hội và kinh tế sẽ không thay đổi sau khi Hồng Kong thuộc về Hoa Lục. Trong vài tuần tới sẽ có một phái đoàn dân cử Anh ghé thăm Hồng Kong, và những người biểu tình đã cho biết họ muốn gặp gỡ phái đoàn để thảo luận về những đề nghị của họ. Trước những cáo buộc do đoàn biểu tình đưa ra, một viên chức ngoại giao Anh nói rằng những cáo buộc đó không hoàn toàn đúng, vì Anh Quốc đã từng và sẽ tiếp tục thúc đẩy Bắc Kinh tôn trọng những điều đã ký kết.

Cựu Tổng Thanh tra Chính phủ CSVN bị đòi lại nhà đất

Ngày 21/11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng công sản VN đã thông cáo với giới báo chí về kết luận kiểm tra nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ là phải trả lại nhà và đất. Được biết, quyết định này được đưa ra sau khi Ủy ban này xác minh 6 căn nhà do ông Trần Văn Truyền và gia đình đứng tên có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất. Cũng theo thông cáo báo chí thì trong thời gian đương nhiệm, ông Truyền đã có nhiều khuyết điểm và vi phạm như tự mình thực hiện hoặc tác động đề nghị các cơ quan chức năng để xử lý nhiều trường hợp về nhà đất có lợi cho gia đình và bản thân. Không những thế, vài tháng trước khi nghỉ hưu, ông này còn ký khoảng 60 quyết định bổ nhiệm, cất nhắc nhiều viên chức tại các cục, vụ của Thanh tra Chính phủ Việt Nam lên những vị trí cao hơn để lấy tiền.

Europol phá vỡ một mạng lưới người Việt nhập cư lậu

Cảnh sát Châu Âu vừa ra thông báo hôm 20/11 rằng, họ đã bắt được 26 người VN tham gia vào một mạng lưới đưa người Việt nhập cư lậu vào Châu Âu. Theo đó, các nghi phạm này sẽ bị cáo buộc các tội buôn người, rửa tiền và giả mạo giấy tờ. Được biết ngoài 26 nghi phạm, cảnh sát 6 nước Châu Âu, trong đó có Pháp và Anh, còn giữ được 15 người nhập cư lậu và tịch thu 1.750 cây cần sa trị giá khoảng 1,5 triệu euro. Trước đó, vào cuối tháng 9 vừa qua, Cơ quan cảnh sát Châu Âu đã tiến hành một cuộc tấn công tội phạm lớn chưa từng có với hơn 20.000 cảnh sát thuộc toàn bộ 28 quốc gia thành viên được huy động, 30 trẻ em được giải cứu. Khoảng 1.200 nghi phạm bị bắt giữ. Mục tiêu của chiến dịch lớn này là 9 lĩnh vực chủ yếu của giới tội phạm có tổ chức, trong đó có các hoạt động buôn người, buôn ma túy, nhập cư lậu

Thụy điển quyết dẫn độ nhà sáng lập Wikileaks

Toà án phúc thẩm của Thuỵ Điển vừa tuyên bố bác đơn xin miễn dẫn độ của Julian Assange - nhà sáng lập trang WikiLeaks đã công bố nhiều tài liệu bí mật của Mỹ và các nước khác. Theo tòa án này thì hành vi phạm tội của Assange phải bị trừng trị nghiêm khắc. Điều này có nghĩa, nếu phiên toà vẫn được diễn ra, Assange cũng sẽ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc tiết lộ bí mật quốc gia, gây nguy hại đến an ninh và lợi ích Mỹ. Xin được nhắc lại, cách đây 4 năm, Thuỵ Điển đã cáo buộc Assange hiếp dâm 2 phụ nữ nước này. Năm 2012, Assange đã xin tỵ nạn tại đại sứ quán Ecuador tại London. Cách đây không lâu, Thuỵ Điển lại tiếp tục yêu cầu đại sứ quán Ecuador được phép thẩm vấn Assange tại London nhưng nhà sáng lập WikiLeaks đã cố gắng chống lại việc đó.

Hoa Kỳ ra nghị quyết về tranh chấp biển đông

Hôm 20/11, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vừa thông qua nghị quyết về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Được biết, Nghị quyết mang mã số HR-714 được ủy ban của Hạ viện Mỹ phê chuẩn với sự đồng thuận tuyệt đối và được Dân biểu Dân chủ Eni Faleomavaega đề xuất hồi tháng Chín năm nay, nghị quyết lên án các hành động cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực gây hấn, cản trở các quyền tự do tại vùng biển và không phận quốc tế ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Đồng thời nghị quyết này cũng chỉ trích việc Trung Cộng thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông, và kêu gọi nước này không có các hành động tương tự trên những vùng biển khác trong khu vực.

5 đảng thành lập liên minh tại quốc hội Ukraine

Hôm 21/11, năm đảng phái lớn tại Ukraine đã thống nhất thành lập một liên minh cầm quyền tại quốc hội. Theo đó, 5 thành viên của liên minh cầm quyền tại quốc hội Ukraine gồm có đảng Mặt trận Dân tộc Ukraine, đảng Samopomoshch, đảng Cấp tiến, khối Petro Poroshenko và đảng Batkivshchina của cựu thủ tướng Yulia Timoshenko. Trong biên bản thỏa thuận lần này, các bên tham gia liên minh cam kết điều tra vụ sát hại người biểu tình tại quảng trường Độc Lập ở thủ đô Kiev vào tháng 2. Các đảng cũng cam kết bãi bỏ quyền miễn trừ truy tố của các thành viên quốc hội. Được biết văn bản thỏa thuận nêu rõ, các nhiệm vụ chính của liên minh này là đảm bảo khả năng quốc phòng, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ quyền và tự do của người dân Ukraine.

No comments:

Post a Comment