Tuesday, November 18, 2014

THĂM DÂN CHO BIẾT SỰ TÌNH

Thứ Ba, ngày 18.11.2014    
Trong một chế độ độc tài độc đảng, các viên chức cao cấp chính quyền dựa vào đảng và không cần đến dân. Họ không cần chân tài thực học, vẫn giữ được miếng đỉnh chung vì bè phái trong nội bộ đảng. Từ đó lãnh đạo yếu kém thảm thương khi so sánh với các quốc gia dân chủ. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Mưa Nguồn với tựa đề: "Thăm dân cho biết sự tình" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Trong ngôn ngữ Việt Nam: Ca dao, tục ngữ, thành ngữ mà người dân xử dụng hằng ngày đôi khi nó nói lên tất cả những cử chỉ hành động của mọi giai tầng trong xã hội rất súc tích, cụ thể bao hàm nhiều ý nghĩa chính xác đến lạ lùng.
Trong chế độ cầm quyền có những tổ chức hành chánh lẫn quân sự, người ta đặt ra những thứ bậc, chức, tước, phẩm, trật... để giữ kỷ cương cho xã hội đó.
Tuy nhiên, có những lúc mà giá trị trật tự xã hội bị đảo lộn, người dân ta thán hoặc chưa cần đến lúc người dân phải lên tiếng, thì nếu chính quyền là bởi dân, do dân và vì dân thì người ta cũng đã cử ngay những phái đoàn thanh tra đến tận nơi xem xét thực hư thế nào để có biện pháp đối phó, giúp đỡ.
Chúng ta gọi hành động này vừa thân mật, vừa khôi hài pha lẫn chút châm biếm là "Thăm dân cho biết sự tình".
Lấy ra 3 trường hợp điển hình trong rất nhiều sự việc nhiễu nhương đang xảy ra hàng ngày:
1/ Vào lúc người dân rộ lên nào là thực phẩm bị nhiễm độc, có hóa chất hoặc chất phụ gia gây tác hại lâu dài đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng tới tình trạng kinh tế trong đời sống của người dân từ thành thị đến thôn quê, thậm chí có những trường hợp đã được báo động đến giới chức có thẩm quyền cao nhất lên tiếng báo động ngăn ngừa những thực phẩm có thể gây ung thư cho con người nếu xử dụng chúng hàng ngày. Ai có thể tránh được?
2/ Những nơi ở của người dân bị ảnh hưởng bởi môi trường mình đang sinh hoạt như nguồn suối, sông, rạch, ao hồ bị ô nhiễm do các chất thải từ các nhà máy kỹ nghệ hoặc chế biến thực phẩm được thiết lập xung quanh khu vực dân cư từ năm này qua tháng nọ như: Thủy ngân, rác rến, hóa chất thải ra từ các ống cống trong nhà máy đi vào các nguồn nước thiên nhiên. Hầu hết bà con sống trong lưu vực sông Đồng Nai, châu thổ sông Hồng, sộng Cửu Long đều dùng nguồn nước đang ở trong tình trạng báo động. Người dân đã phải kêu cứu đến giới chức có trách nhiệm.
3/ Các phương tiện vận chuyển giao thông cần có các trục lộ để dân chúng đi lại, lưu thông dễ dàng hầu đi tới nơi về đến chốn trong thời gian ngắn nhất không gặp trở ngại mà vẫn giữ được trật tự đúng pháp luật. Người dân sẵn sàng đóng thuế để chính quyền có ngân sách xây dựng, bảo trì hầu có được những trục lộ giao thông an toàn tối thiểu cho người dân. Vậy mà có những đoạn đường mới rầm rộ khánh thành được vài hôm là đã nứt nẻ, lún, xe cộ qua lại, ổ gà, ổ voi lỗ chỗ mặt đường. Cầu cống nhiều nơi làm chưa xong thì đã sập. Người dân lại phải khiếu nại kêu cứu.
Để đối phó với những tình trạng mà người dân cứ ta thán hết năm này sang tháng khác, nhà cầm quyền bèn cử đại diện đến tận nơi để nắm vững tình hình. Các phái đoàn cao cấp đi tới đâu thì 'gióng trống - mở cờ' tới đó, hệ thống truyền thông đại chúng như tivi, đài phát thanh, báo chí phóng viên quay phim chụp hình loan tin rầm rộ um sùm như thể có phép lạ đến nơi.
Ta thử xem các giới chức đó có biện pháp gì cụ thể để trấn an và ứng phó với những khiếu nại của người dân như sửa chữa, thay đổi, cải tiến được cái gì không?
Trường hợp thứ 1: Trong hình chụp, bà Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Kim Tiến đang cầm một vỉ đồ ăn đưa lên mũi ngửi xem nó còn tươi, còn ăn được hay đã mốc hoặc hư thúi. Ta thấy thật là nực cười, ấu trĩ! Đó không phải là phong thái của một bậc phụ mẫu chi dân, hay của một người đã từng bỏ biết bao nhiêu năm ăn học đào tạo từ các trường học. Cử chỉ đó con nít lên ba nó cũng có thể làm được chứ không cần đến một vị bộ trưởng phải làm như vậy. Thời buổi này, máy móc phân chất, dụng cụ đo lường để đi đâu? Nhân viên thừa hành ở chỗ nào để bà Bộ Trưởng phải có hành động sơ đẳng như vậy?
Trường hợp thứ 2: Ông Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường cùng đoàn tùy tùng được phóng viên đưa vào ống kính hình ảnh quý vị đang vốc nước ở một cái nguồn nào đó đưa lên mũi ngửi hoặc nếm bằng lưỡi cũmg chưa biết chừng. Người ta tự hỏi, quý vị giới chức có thẩm quyền đó đang đóng kịch hay lo lắng cho dân thật tình? Khi quý vị đi ngang qua một con kênh con rạch nước đen ngòm bốc mùi hôi thối hẳn quý vị cũng thừa biết là bà con sống quanh đó lãnh chịu hậu quả bởi đâu chứ? Thế thì các máy móc trang thiết bị lọc nước, làm sạch môi trường có tác dụng gì mà để quý vị phải nhọc công có khác gì công dã tràng.
Trường hợp thứ ba: Hình ảnh ông Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải đang lấy tay ấn ấn xuống mặt đường nhựa để giám định độ lún hay độ bền của mặt đường chăng? Đã bao nhiêu con đường, cây cầu mà mỗi khi đi qua, người ta thấy một cái bảng to đùng đề là "đường chờ lún hoặc cầu chờ lún". Không hiểu cái bảng đó nó muốn nói cái gì? Mặt đường trải nhựa nhất là các con đường cao tốc chịu lực mỗi ngày vài chục ngàn chiếc xe, rất nhiều loại xe trọng tải nặng chở đầy hàng hóa qua lại thì thử hỏi bàn tay và sức nặng của ông Bộ Trưởng được bao nhiêu kilo gram lực? Hay đây cũng là một trong những kịch bản qua mắt người dân?
Qua ba trường hợp điển hình trong muôn vàn lãnh vực khác nhau đang diễn ra hàng ngày trong cả nước, người dân trông mong gì ở các quan phụ mẫu chi dân mà quanh năm suốt tháng cứ để xảy ra những hậu quả khó lường mà biện pháp đối phó thì cứ như là lấy vải the che mắt thánh. Nên nhớ, trình độ người dân ở thế kỷ thứ 21 này đã tiến xa về văn hóa kỹ thuật trong mọi lãnh vực.
Khi ở vào cương vị điều hành một bộ máy công quyền hay trưởng một cơ quan, người ta phải hiểu biết công việc, trách nhiệm và bổn phận của mình đến đâu và năng lực phục vụ người dân như thế nào. Việc điều hành, phân bổ và tuyển dụng nhân viên làm việc đúng phần hành chuyên môn của họ cho phù hợp với những gì họ đã được đào tạo từ trường lớp để việc làm của họ đắc dụng mà hợp lý, không bị lãng phí tiền thuế của dân. Hầu có thể cải tiến mức sinh hoạt hàng ngày của quần chúng trong mọi lãnh vực.
Chúng ta phải đau lòng kết luận rằng: Trong một chế độ độc tài độc đảng như CSVN, chúng ta không thể kỳ vọng sẽ có những lãnh đạo nhà nước cấp cao có chân tài và thực học khi so sánh với các nước dân chủ đa đảng được.
MƯA NGUỒN

No comments:

Post a Comment