Saturday, November 22, 2014

Thủ Khoa Huân

Thứ Bảy 22.11.2014   
Kính thưa quý thính giả, Lịch sử VN ghi nhận một nhà giáo, một sĩ phu yêu nước đứng lên kháng Pháp ngay trước khi có hịch Cần Vương. Ông là một thủ lãnh nghĩa quân chống thực dân Pháp ở Nam Kỳ vào khoảng cuối thế kỷ 19. Ông đã chiến đấu suốt 15 năm, với 3 lần khởi nghĩa, 3 lần bị bắt, cuối cùng bị đày sang tận đảo Réunion, nhưng vẫn giữ tinh thần bất khuất cho đến khi bị hành quyết. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt", chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Thủ Khoa Huân" của Việt Thái qua sự trình bày của Tam Thanh để chấm dứt chương trình tối nay.
Hữu chí nan thân, không uổng bách niên chiêu vật nghị,
Duy công bất tựu, diệc tương nhất tử báo quân ân.
Tạm dịch:
Có chí khó giương ra, luống để trăm năm mang miệng thế,
Dầu công không đạt, cũng liều một chết báo ơn vua.
Thủ khoa Huân tên là Nguyễn Hữu Huân, sinh năm Canh Dần (1830) tại làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang).
Thuở nhỏ ông rất thông minh và học giỏi. Năm 1852, dưới triều vua Tự Đức, ông đỗ thủ khoa kỳ thi Hương nên được gọi là Thủ khoa Huân. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Đốc học huyện Kiến Hưng tỉnh Định Tường.
Khi quân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (trong đó có Định Tường), ông bỏ nghề dạy học, chiêu mộ nghĩa sĩ đứng lên chống Pháp.
Năm 1861, ông chỉ huy nghĩa quân hoạt động từ Tân An đến Mỹ Tho. Đầu năm 1862, Ông dẫn nghĩa quân gia nhập lực lượng Trương Định. Sau đó bị Pháp bắt giải về Sài Gòn, nhưng Ông vượt thoát. Đầu năm 1863, Ông cùng Võ Duy Dương chiêu mộ nghĩa binh để khởi nghĩa lần thứ hai.
Tháng 6 năm 1863, Pháp bất ngờ đem quân tấn chiếm căn cứ Thuộc Nhiêu, Ông rút quân về Thất Sơn tiếp tục chiến đấu. Bộ chỉ huy quân đội Pháp gửi tối hậu thư, buộc Tổng đốc An Giang là Phan Khắc Thận phải giao nộp Thủ Khoa Huân, viện lẽ ông không tuân theo Hòa ước Nhâm Tuất (1862). Tổng đốc An Giang không thuận, Doudart de Lagrée liền đem 500 quân cùng đại bác từ Oudong (Campuchia) xuống uy hiếp thành An Giang. Trước áp lực đó, Tổng đốc An Giang đành nhượng bộ và bắt Thủ Khoa Huân giao cho Pháp.
Nghe tin Thủ Khoa Huân bị bắt, vợ ông là Lê Thị Lộc đã đến An Giang để đưa đơn xin ân xá cho chồng nhưng không kịp. Bị giải đến Sài Gòn, mặc dù thực dân Pháp đem mọi thứ ra dụ hàng nhưng Thủ Khoa Huân vẫn kiên quyết chối từ.
Cuối cùng, vào ngày 22 tháng 8 năm 1864, ông bị kết án 10 năm tù khổ sai và bị đày đi Cayenne, một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ.
Sau 5 năm tù, ngày 4/2/1869, Pháp ra lệnh ân xá và đưa ông về quản thúc tại nhà Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, đồng thời cử ông làm thầy giáo dạy cho một số học sinh ở Chợ Lớn với hy vọng lôi kéo Ông về phía họ. Lợi dụng lúc đi dạy học, Ông liên lạc với các sĩ phu yêu nước và hội kín Hoa kiều Trường Phát, nhờ mua vũ khí để chuẩn bị khởi nghĩa.
Trong khi cuộc khởi nghĩa đang được chuẩn bị, Pháp bắt được một thuyền chở vũ khí. Trước tình hình bất lợi đó, Ông ra lệnh giải tán nghĩa quân, trốn khỏi nhà Tổng đốc Phương tìm đường về lại Mỹ Tho họp cùng Âu Dương Lân tiến hành cuộc khởi nghĩa lần thứ 3 (1872). Lần này dân chúng theo Thủ Khoa Huân rất đông... Địa bàn kháng chiến kéo dài từ Mỹ Tho đến vùng Mỹ Quý - Cai Lậy.
Cuối năm 1874, quân Pháp giao cho Trần Bá Lộc, Đỗ Hữu Phương tiến đánh căn cứ Bình Cách. Căn cứ thất thủ, Ông thoát chạy về Chợ Gạo, đến tháng 3 năm sau, Ông trở lại vùng Tân An để tập hợp lực lượng nghĩa quân thì bị bắt. Ngày 19/5/1875, người Pháp hành quyết ông tại Mỹ Tịnh An vào lúc 12 giờ trưa.
* * *
Trước năm 1975, cái tên Thủ Khoa Huân được chính quyền VNCH đặt cho nhiều tên đường và trường học ở các thành phố để tưởng nhớ tấm lòng yêu nước cao độ và tinh thần bất khuất của một sĩ phu miền Nam.
Với 15 năm can trường chiến đấu, và 3 lần chiêu mộ nghĩa quân khởi nghĩa, người anh hùng Thủ Khoa Huân đã viết lên một trang sử hào hùng cho dân tộc trong cơn quốc nạn bị người Pháp đô hộ. Cùng với nhiều người khác, Thủ khoa Huân là một minh chứng hùng hồn của tinh thần "uy vũ bất năng khuất" trong giới sĩ phu nước Việt vào những giờ phút nguy nan nhất của đất nước.
Dân tộc VN sở dĩ trường tồn được suốt mấy ngàn năm qua là nhờ các tầng lớp sĩ phu như Thủ khoa Huân mang tâm chí "đất nước hưng vong, thất phu hữu trách". Các tầng lớp sĩ phu hào hùng đó không màng đến sinh tử của cá nhân, chỉ quyết tâm mang tài sức của mình ra để giải cứu non sông khỏi gót giày của quân xâm lược.
Chính vì thế, trong tình thế dầu sôi lửa bỏng hiện nay của đất nước VN, chỉ khi nào có được nhiều kẻ sĩ dám dấn thân như Thủ Khoa Huân, dân tộc Việt mới có triển vọng thoát Trung, tức là thoát khỏi hiểm họa trở thành một khu tự trị của đế quốc Hán Cộng.
Điều may mắn là trong mấy năm qua, rất nhiều hậu duệ của Thủ Khoa Huân đã xuất hiện trên các nẻo đường đất nước. Họ cũng mang tinh thần "uy vũ bất năng khuất" của cha ông mình, chấp nhận bị bạo quyền VN đàn áp, bị bỏ tù để tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ và tự do cho dân tộc.
Họ là những Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, Tạ Phong Tần... mang tấm lòng tha thiết với vận mệnh của đất nước và tiền đồ của dân tộc. Lịch sử rồi đây sẽ ghi nhận công lao của họ, như đã từng ghi nhận tấm lòng yêu nước nồng nàn của kẻ sĩ Thủ Khoa Huân!
Việt Thái

No comments:

Post a Comment