Sunday, November 30, 2014

Việt Nam Tuần Qua

Chủ Nhật 30.11.2014  
Kính thưa quý thính giả, để điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua xin mời các bạn thính giả theo dõi buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV Trường An.
Hoàng Ân: Cám ơn chị Mỹ Linh, HA xin kính chào quý thính giả đang theo dõi chuyên mục VNTQ, xin mến chào anh TA.
Trường An: TA xin kính chào quý thính giả đài DLSN, chào chị HA.
Hoàng Ân: Theo như tôi được biết trong mấy ngày qua, người dân tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế vô cùng phẫn nộ trước việc nhà cầm quyền tỉnh này đã thu hồi đất đai trái phép của người dân, khiến cho rất nhiều gia đình rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất". Anh có ghi nhận về sự kiện này như thế nào để gửi đến quý thính giả của đài cùng nghe?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài DLSN !
Vào sáng ngày 26/11, tại thôn Lập An thị trấn Lăng Cô, nhà cầm quyền huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế đã cưỡng chế trái phép đất và nhà của các gia đình nằm trên Quốc lộ 1A. Nạn nhân cuộc của cưỡng chế này gồm có vợ chồng ông Tôn Thất Soạn và bà Lê Thị Liên, cũng như gia đình ông Lê Đức Quốc cùng nhiều gia đình khác. Theo quy định của luật pháp hiện hành, thì 2 lô đất này có đền bù theo qui định luật pháp là: 1.650.000đ/m2 đất.
Thế nhưng, nhà cầm quyền đã không thực hiện đúng quy định pháp luật, một số cán bộ lãnh đạo huyện Phú Lộc đã ngang nhiên tìm cách ăn chặn tiền đền bù của người dân.
Cùng ngày, nhà cầm quyền huyện Phú Lộc đã huy động một lực lượng hùng hậu nhiều loại xe đã được điều động đến cưỡng chế, đông đủ các ban nghành đến để đập phá dào bới chiếm đất. Lực lượng công an đã ngăn chặn và hăm dọa những người dân tại đây khi họ yêu cầu dừng ngay việc cưỡng chế trái phép.
Hoàng Ân: Liên quan đến vấn đề cưỡng chế đất đai và dân oan. Trong tuần qua, tòa phúc thẩm Hà Nội đã tuyên án tù đối với 4 dân oan Dương Nội vì đã chống đối lại lực lượng cưỡng chế đất đai. Xin anh trình bày chi tiết hơn về sự kiện này để cho quý thính giả của đài được tường tận hơn?
Trường An: 4 dân oan Dương Nội bị kết án lần này là bà Cấn Thị Thêu bị tuyên án 15 tháng tù, ông Trần Văn Sang 20 tháng tù, ông Trịnh Bá Khiêm 15 tháng tù và ông Lê Văn Thanh 10 tháng tù. Được biết, đây là 4 dân oan đã bị bắt giam vào tháng 3 vừa qua và bị nhà cầm quyền Hà Nội cáo buộc là đã tấn công lực lượng cưỡng chế đất đai của làng Dương Nội, huyện Từ Liêm – Hà Nội.
Trước khi phiên tòa diễn ra, hàng trăm dân oan Dương Nội đã kéo đến biểu tình trước tòa án để đòi trả tự do cho những người bị bắt giam nói trên, bất chấp lực lượng công an dày đặc ở mọi con đường dẫn vào tòa án.
Xin được nhắc lại, cuộc đấu tranh giữ đất của 300 gia đình ở Dương Nội đã diễn ra từ năm 2006 đến nay. Nguyên nhân cũng chỉ vì giới đầu tư, dưới sự bảo kê của nhà cầm quyền Hà Nội, đã không đền bù xứng đáng khiến cho mấy tram gia đình này luôn phải sống trong cảnh không nhà ở.
Hoàng Ân: Trong một lá thư kêu cứu từ gia đình tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha thì anh đang trải qua nhiều đợt khủng bố tinh thần trong trại giam Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Anh có thể nhắc lại sự kiện này để quý thính giả của đài cùng nghe?
Trường An: Theo như trong thư kêu cứu của bà Kim Liên, mẹ của anh Đinh Nguyên Kha cho biết, là trong lần thăm nuôi mới nhất vào ngày 24/11 vừa qua, gia đình đã bật khóc khi thấy Kha run rẫy vì bị cảm lạnh. Lý do là do nhóm cai tù đã xếp một tù nhân ở chung với Kha và cho phép người này bật quạt suốt đêm ngày trong khi Kha bị ép buộc nằm dưới sàn nhà nên bị cảm lạnh suốt hai tuần qua. Khi Kha phản đối thì tù nhân này đe dọa đánh anh.
Như chúng ta đã biết, Đinh Nguyên Kha là một sinh viên cùng bị bắt với Nguyễn Thị Phương Uyên vào tháng 10//2012 sau khi rải truyền đơn kêu gọi chống Trung Cộng xâm lược VN. Sau hai phiên tòa tại Long An, cô Phương Uyên lãnh án 3 năm tù treo, trong khi Nguyên Kha bị phán 4 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Hoàng Ân: Trong một diễn biến khác,vào hôm 25/11, Tổ chức Phóng viên Không biên giới, có trụ sở tại Pháp, đã ra một thông báo lên án mạnh mẽ vụ công an VN đánh đập dã man nhà báo lề dân Trương Minh Đức vào ngày 2/11 vừa qua. Anh vui lòng nói rõ hơn về sự kiện này được không?
Trường An: Sau khi nhà báo Trương Minh Đức bị công an VN chặn đường hành hung thì vào hôm 25/11, Tổ chức Phóng viên Không biên giới đã bày tỏ sự xúc động về tình trạng thương tích nặng nề của ông Đức sau khi bị công an chận đường hành hung tại Thủ Dầu Một. Thông cáo nói rằng đây không phải là một trường hợp cá biệt mà là một chính sách khủng bố do đảng CSVN chủ trương để triệt hạ những tiếng nói bất đồng chính kiến. Chính vì thế, Tổ chức Phóng viên Không biên giới kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy khẩn cấp áp lực bạo quyền VN phải chấm dứt chiến dịch đàn áp những người đang hành xử quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin của họ. Tổ chức này cũng trưng dẫn một trường hợp thô bạo xảy ra vào ngày 5/11 vừa qua, khi vị tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn cũng bị công an VN hành hung khi ông đến tư gia Giáo sư Phạm Minh Hoàng, một người Pháp gốc Việt.
Hoàng Ân: Thế còn việc LHQ đã tổ chức một buổi tọa đàm tại nhà thờ Thái Hà thì sao thưa anh?
Trường An: Vào sáng 26/11, một cuộc tọa đàm có chủ đề "Cơ chế LHQ về bảo vệ nhân quyền" đã diễn ra tại nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội, do nhóm công tác UPR của LHQ phối hợp tổ chức với các tổ chức xã hội dân sự tại VN.
Rất đông thành viên của các tổ chức dân sự tại VN đã tham dự buổi tọa đàm này. Ngoài ra còn có 8 đại diện các tòa đại sứ và Tiến sĩ Nguyễn Quang A là một trong các diễn giả. Chủ đề thảo luận là biện pháp bảo vệ những người đang đấu tranh cho nhân quyền tại VN, vì trong thời gian những người này đã bị công an mật vụ sách nhiễu và kể cả hành hung, gây nguy hiểm cho tính mạng của họ.
Nhà báo lề dân Nguyễn Hữu Vinh cho biết là ban tổ chức cũng chính thức gửi giấy mời cho bộ công an nhưng không có hồi âm. Bộ này không cử người tham dự tọa đàm nhưng bên ngoài nhà thờ lại có rất đông an ninh chìm nổi chụp hình những người đến tham dự.
Hoàng Ân: Nay chuyển qua lĩnh vực kinh tế, trong tuần qua, giới báo chí lề đảng VN loan tin về việc rất nhiều các công ty ngoại quốc đã quyết định từ bỏ đầu tư ở VN do các thủ tục hành chính phức tạp, nhiêu khê. Xin anh nói rõ hơn về sự kiện này?
Trường An: Theo như tôi được biết, trong cuộc gặp gỡ với giới cầm quyền thành phố Sài Gòn, một số doanh nhân Nhật Bản cho biết là có nhiều công ty của họ đã từ bỏ ý định đầu tư ở VN vì các qui định nhiêu khê của nhà nước VN.
Mặc dù thừa nhận môi trường làm ăn ở Sài Gòn có vẻ dễ dãi hơn nhiều nơi khác, nhưng các doanh nhân Nhật vẫn phàn nàn về các vấn đề lao động, thuế má và thủ tục hải quan. Chằng hạn như những quy định mới về mức lương tối thiểu, tiền phụ trội khi làm thêm giờ và phụ cấp lương bổng đã khiến cho yếu tố nhân công rẻ của VN đã không còn có tính hấp dẫn với giới đầu tư Nhật.
Ngoài ra giới doanh nhân Nhật lại tiếp tục than phiền về tệ nạn nhũng nhiễu, vòi tiền của giới công chức VN. Đây là một vấn nạn mà giới đầu tư ngoại quốc luôn nêu lên với giới lãnh đạo VN nhưng vẫn không có cải thiện nào.
Hoàng Ân: Cám ơn anh PV Trường An đã chia sẻ các tin tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.

No comments:

Post a Comment