Sunday, November 2, 2014

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật 02.11.2014    
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian.
Thưa quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Trên con đường giành quyền lực độc tài cho bản thân và cho đảng của mình Hồ Chí Minh đã có ít nhất ba lần hành động bất chấp danh dự quốc thể. Lần thứ nhất xảy ra tại Pa Ri vào ngày 14 tháng Chín năm 1946 khi Hồ Chí Minh nửa đêm đến nhà ông Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet để xin ký một bản tạm ước hòa hoãn giữa hai bên Pháp-Việt mà phần thua thiệt thuộc về phía Việt Nam. Sáng hôm sau, tức ngày 15 tháng Chín năm 1946, tất cả các báo của Pháp và phương Tây đều loan tin về việc ông Chủ tịch Việt Nam nửa đêm thân hành tới buồng ngủ của ông bộ trưởng Pháp để xin ký kết. Lần thứ hai xảy ra năm 1950 khi Hồ Chí Minh bí mật sang Liên Sô xin viện trợ, cũng với tư cách Chủ tịch Nước, trong một cuộc diện kiến Stalin, có Khrushchev chứng kiến, Hồ Chí Minh đã năn nỉ xin Stalin cho lưu bút vào một cuốn tạp chí của Liên Sô, Xít Ta Lin đã đồng ý nhưng cuối lại cho người bí mật tới khách sạn nơi Hồ Chí Minh lưu trú để lấy lại cuốn tạp chí có thủ bút đó. Và lần thứ ba xảy ra vào khoảng năm 1953 khi cho tiến hành cuộc "cải cách ruộng đất" hết sức dã man, tàn bạo, Hồ Chí Minh, vẫn ở cương vị Chủ tịch Nước, đã không ngần ngại trấn an mọi người bằng câu tâng bốc như thế này: "Ai sai chứ Stalin và Mao Trạch Đông không bao giờ sai." Nghĩa là một ông nguyên thủ quốc gia đã khuyên nhủ cả nội các và người dân của quốc gia mình cứ yên tâm đi theo con đường do lãnh đạo ngoại quốc hướng dẫn, chỉ đạo.
Thưa quí vị, quí bạn, cho đến nay chúng ta đã biết rõ con đường mà Hồ Chí Minh đã khuyến dụ dân tộc ta đi theo, làm theo Stalin và Mao Trạch Đông là đúng hay sai.
Năm 1990, hai mươi mốt năm sau khi Hồ Chí Minh qua đời, giới lãnh đạo hậu duệ của Hồ Chí Minh trong đảng cộng sản Việt Nam lại thực hiện một cuộc vọng ngoại, thần phục ngoại bang nữa. Đó là việc Nguyễn Văn Linh, đương kim Tổng bí thư, Đỗ Mười đương kim Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, và Phạm Văn Đồng cựu Thủ tướng, Cố vấn tối cao của đảng cộng sản Việt Nam, cùng rủ nhau sang Thành Đô bên Trung Hoa để cầu thân, làm hòa, tuân phục giới lãnh đạo Trung Cộng. Sự kiện nhục nhã này được dư luận gọi với cái tên ngắn gọn là Hội Nghị Thành Đô. Cho tới nay tất cả các văn kiện ký kết trong Hội Nghị Thành Đô vẫn nằm trong vòng bí mật, nhưng thực tế đã cho chúng ta thấy rõ Hội Nghị Thành Đô chính là dấu mốc khởi ra một thời kỳ Bắc thuộc mới cho Việt Nam chúng ta trong thời hiện đại, với những cách thức đô hộ, thôn tính, bán nước kiểu mới.
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm, thưa các bạn công an, bộ đội, khi chia sẻ những sự kiện nhục nhã và những nhận xét đau xót kể trên chúng tôi không còn nghĩ quí vị và các bạn là những đảng viên cộng sản nữa. Khi đó trong lòng chúng tôi chỉ nghĩ tất cả chúng ta đều cùng là người dân của một dân tộc, của một quốc gia mang tên Việt Nam. Quốc gia đó, dân tộc đó được vinh hay bị nhục thì tất cả chúng ta, dù có đang mang danh cộng sản hay không cộng sản, cũng đều cùng được hưởng niềm vinh hay cùng phải gánh chịu nỗi nhục, không thể khác được. Bởi tất cả chúng ta không phải là những kẻ lãnh đạo đã gây ra những nỗi nhục quốc gia, những mất mát cho đất nước. Những kẻ lãnh đạo đó không thấy nhục, không thấy đau xót vì tự lòng họ đã coi lợi quyền quốc gia, danh dự dân tộc không quan trọng bằng quyền lực cá nhân và vị thế riêng tư của họ. Khi Hồ Chí Minh trong tư thế của Chủ tịch Nước thân chinh vào buồng ngủ của một tay bộ trưởng ngoại quốc xin chữ ký là ông ta chỉ nghĩ đến việc phải có được điều gì để quốc dân Việt Nam không nhận ra được chính sách lật lọng, cơ hội của Việt Minh khi đó. Còn bộ sậu Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng sang Thành Đô là họ chỉ nghĩ đến việc tìm kiếm chỗ dựa mới cho quyền lực độc tài của chính họ và đảng của họ khi chỗ dựa Liên Sô đang bị sụp đổ tan tành. Họ đã coi lợi ích riêng tư, đảng phái nhất thời hệ trọng hơn lợi ích thiêng liêng, lâu dài của toàn dân tộc.
Như quí vị, các bạn đã biết hiện nay trong xã hội đang nổi lên phong trào "Chúng Tôi Muốn Biết", nhằm đòi hỏi bạch hóa thông tin về Hội Nghị Thành Đô và các thỏa thuận bí mật khác của đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng đáp lại đòi hỏi này, đảng cộng sản Việt Nam đã có những chỉ thị, hướng dẫn nhằm che giấu thông tin và răn đe trong nội bộ đảng viên, đồng thời dùng các biện pháp sách nhiễu, trấn áp những nhà hoạt động xã hội của "Chúng Tôi Muốn Biết". Phản ứng này của đảng cộng sản Việt Nam một lần nữa càng chứng tỏ tính chất phản quốc, phản bội lợi ích quốc gia của Hội Nghị Thành Đô, bởi ông cha ta đã nói: "Cây ngay không sợ chết đứng". Trong khi đó Trung Cộng vẫn không ngừng siết chặt vòng kiềm tỏa, thôn tính đối với Việt Nam chúng ta, từ việc gấp rút tôn tạo, mở rộng dải đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa của chúng ta hay cho xây miếu thờ tại Vũng Áng, Hà Tĩnh nơi đã có hàng ngàn người Hoa đang sinh sống.
Nhưng rơi vào tròng Bắc thuộc kiểu mới không phải là hệ lụy duy nhất mà chính thể Hồ Chí Minh đã di lại cho dân tộc ta. Đây sẽ là những chia sẻ của chúng ta trong kỳ tới đây.
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị.
Tiến Văn
02/11/2014

No comments:

Post a Comment