Wednesday, April 1, 2020

Tin Tức: Thứ Tư, ngày 01/04/2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được  Hoàng Ân Miên Dương trình bày sau đây:
1)  KÝ GIẢ THẾ GIỚI KÊU GỌI PHÓNG THÍCH CÁC TÙ NHÂN ĐỂ TRÁNH DỊCH.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả vào hôm qua đã phát động chiến dịch “Phóng thích Nhà báo” qua lời kêu gọi các nước hãy phóng thích các nhà báo bị cầm tù nhằm bảo đảm sự an toàn cho họ trong đại dịch Vũ Hán.
Theo thống kê của Ủy ban này, trong 4 năm qua, trên thế giới có ít nhất 250 nhà báo bị bỏ tù. Đây là những người có nhiều nguy cơ thiệt mạng nếu nhiễm dịch Vũ Hán, theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới, vì họ không thể tự cô lập trong trại tù. Đáng sợ hơn nữa là với điều kiện khắc nghiệt trong các nhà tù của csVN, các tù nhân này thường xuyên không được chăm sóc y tế, nên dễ thiệt mạng nếu bị nhiễm dịch.
Ông Joel Simon, giám đốc Ủy ban Bảo vệ Ký giả, cho biết là dịch Vũ Hán đang xuất hiện tại nhiều nhà tù trên thế giới, khiến một số tù nhân đã thiệt mạng vì nhiễm dịch. Chính vì thế, Ủy ban này phát động chiến dịch kêu gọi các nước hãy phóng thích tù nhân, đặc biệt là các nhà báo bị bỏ tù chỉ vì bày tỏ quan điểm khác biệt với các chế độ.
2)  THỦ TƯỚNG CS VIỆT NAM  RA LỆNH CÁCH LY TOÀN XÃ HỘI.
Trong chỉ thị mới nhất đưa ra vào hôm thứ Ba 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh “cách ly toàn xã hội” trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 1 tháng 4, nhằm ngăn chặn đại dịch Vũ Hán đang hoành hành trên khắp thế giới, với hơn 800 ngàn người nhiễm dịch và 35 ngàn người thiệt mạng.
Trong chỉ thị, ông Phúc giải thích nguyên tắc “cách ly toàn xã hội” là “gia đình cách ly với gia đình”, “thôn làng cách ly với thôn làng”, “xã cách ly xã” và “tỉnh thành cách ly tỉnh thành”.
Ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ, giải thích các giải pháp về cách ly xã hội mới chỉ là dự lệnh, khuyến cáo chứ chưa phải lệnh cấm. Giải pháp này không đồng nghĩa với việc phong tỏa đất nước.
Ông Mai Tiến Dũng nói rõ Chính phủ vẫn đồng ý cho nhà máy, phân xưởng hoạt động nhưng yêu cầu cán bộ văn phòng, cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.
Ngoài chỉ thị nói trên, ông Phúc còn trấn an là nhà nước có đủ lương thực và nhu yếu phẩm cung cấp nhiều tháng, vì thế người dân không cần phải ồ ạt mua bán hàng hóa trong hai tuần cách ly toàn xã hội.
Điều đáng để chú ý là chỉ thị nói trên được đưa ra trong khi Việt Nam có 207 trường hợp nhiễm dịch mà bộ Y tế loan báo là 49 người đã lành bệnh, tức có tỷ lệ chữa lành rất cao so với một số nước đang bị dịch Vũ Hán hoành hành.
3)  XE BUÝT, TAXI VÀ GRAB Ở  SÀI GÒN ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG. 
Sở giao thông Sài Gòn vào hôm qua ra lệnh đình chỉ hoạt động đối với hệ thống chuyên chở công cộng, trong đó có cả taxi và Grab.
Theo lệnh này, việc đình chỉ hoạt động là nhằm tuân thủ chỉ thị “cách ly toàn xã hội” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành vài giờ trước đó. Lệnh ngừng hoạt động đã có hiệu lực từ sáng sớm hôm nay, thứ Tư 1/4, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt như công vụ và vận chuyển nhu yếu phẩm hay đưa đón công nhân. Tuy nhiên, các chuyến xe đặc biệt này phải đáp ứng yêu cầu khử trùng trước và sau khi đón khách, không được chở quá 20 người trên xe và mọi người phải mang khẩu trang.
Cũng vào hôm qua, tập đoàn xe hơi Toyota quyết định đóng cửa xưởng lắp ráp tại Việt Nam  nhưng không cho biết thời hạn sẽ mở cửa trở lại. Vào tuần trước, tập đoàn xe Ford cũng tuyên bố ngừng sản xuất tại Việt Nam.
4)  TỶ LỆ TĂNG TRƯỞNG CỦA VN SẼ SỤT GIẢM MẠNH TRONG NĂM NAY.
Vào hôm qua, Ngân hàng Thế giới đã hạ giảm mức dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay, từ 6.5 xuống còn 4.9%.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều thuận lợi trong ngắn hạn nhưng mức tăng trưởng sẽ bị sụt giảm mạnh vì đại dịch Vũ Hán ảnh hưởng trên toàn cầu. Ngành du lịch, một nguồn thu rất lớn của Việt Nam, đã bị thiệt hại nặng trong thời gian qua. Bên cạnh đó, mức bội chi trong ngân sách sẽ càng lớn vì thất thu tiền thuế và phải trợ cấp cho hàng triệu người thất nghiệp.
Sở du lịch thành phố Hà Nội vào hôm qua công bố báo cáo cho thấy lượng du khách đến thành phố này đã sụt giảm gần 50% trong 3 tháng qua, khiến ngành này thất thu hơn 38%.
5)  VIỆT NAM TẠM ĐÓNG CỬA BIÊN GIỚI VỚI MIÊN VÀ LÀO.
Bộ ngoại giao Việt Nam vào hôm qua đã gửi công văn cho hai nước Miên và Lào, nội dung thông báo việc tạm thời đóng cửa biên giới với hai nước nhằm ngăn chận sự lan truyền của đại dịch Vũ Hán.
Theo quyết định nói trên, tất cả các quan ải chính phụ, kể cả các lối mòn ở biên giới, đều bị phong tỏa kể từ ngày thứ Tư 1/4.
Như tin đã loan, vào ngày 20/3 trước đây, nhà cầm quyền Campuchia đã quyết định không cho công dân Việt nhập cảnh.
Một ngày trước đó, nhà cầm quyền Lào cũng có quyết định tương tự, bắt đầu từ ngày 20/3.
6)  TẬP CẬN BÌNH ĐANG BỊ ÁP LỰC PHẢI TỪ CHỨC 
Đài truyền hình Sun TV của Hồng Kông vào hôm qua cho biết là nhiều quan chức cao cấp Trung Cộng đã đề nghị thành lập một “ủy ban lãnh đạo khẩn cấp” do Phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn hoặc Uông Dương cầm đầu để điều hành đất nước, vì lãnh tụ tối cao là ông Tập Cận Bình đã vấp phải nhiều sai lầm khi giải quyết dịch viêm phổi Vũ Hán.
Thông tin quan trọng trên cho thấy là nội bộ giới chóp bu Trung Cộng đang diễn ra một cuộc đấu đá dữ dội. Họ Tập đang bị áp lực phải từ chức vì làn sóng chống đối trong nội bộ và dân chúng càng lúc càng dâng cao.
Kể từ khi xảy ra cái chết của ông Lý Văn Lượng, một trong 7 bác sĩ đầu tiên báo động về dịch Vũ Hán, người dân Hoa Lục đã tỏ ra phẫn nộ về sự giấu diếm và bưng bít thông tin của đảng cộng sản Trung Hoa mà đứng đầu là ông Tập Cận Bình. Sự vắng mặt của họ Tập hơn một tháng dịch bệnh hoành hành ở Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc càng tăng thêm sự bất mãn trong dân chúng.
Từ đầu tháng 2 đến nay, rất nhiều giới trí thức nổi tiếng ở Hoa Lục cũng lên tiếng chỉ trích lối hành xử của ông Tập Cận Bình, người mà họ mỉa mai là “Hoàng đế Đỏ”. Hầu hết những người này đều bị mất tích sau khi đưa các bài chỉ trích lên mạng xã hội. Một số bị liệt tên trong danh sách các người chết vì dịch Vũ Hán.
7)  CÁC NƯỚC ÂU CHÂU TẨY CHAY THIẾT BỊ Y TẾ DO TRUNG CỘNG SẢN XUẤT.
Trong vòng một tuần qua, một số nước Âu châu đã ra lệnh thu hồi hay ngưng sử dụng các vật dụng y tế, kể cả các khẩu trang, do Trung Cộng sản xuất vì không đạt tiêu chuẩn.
Các nước Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Hòa Lan cho biết hàng trăm ngàn bộ xét nghiệm và khẩu trang y tế của Trung Cộng không giúp ích gì được trong việc ngăn chặn dịch Vũ Hán. Vào cuối tuần qua, chính phủ Hòa Lan ra lệnh thu hồi hơn 600 ngàn khẩu trang vì quá nhỏ, mang không vừa và màng lọc không có công dụng.
Riêng Tây Ban Nha đã mua hàng trăm ngàn bộ xét nghiệm vi khuẩn Vũ Hán, nhưng mức độ chính xác không đến 40%. Thổ Nhĩ Kỳ cũng gặp phải tình trạng tương tự.

No comments:

Post a Comment