Sunday, February 21, 2016

Nói với người cộng sản 21.02.2016

Chủ Nhật, 21.02.2016
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian An
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội thân mến,
Cách đây không lâu truyền thông của chính quyền cộng sản ào ạt đưa tin và trích dẫn một lời nói của bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cựu Phó phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bà Lan cũng là cựu thành viên của Tổ tư vấn chính phủ dưới thời ông Võ Văn Kiệt. Lời nói của bà Lan nhận xét rằng: "Việt Nam là mô hình kì lạ nhất thế giới: Nước không chịu phát triển!"
Nghe qua nhận xét này nhiều người chúng ta thường cảm thấy hài lòng, mãn nguyện vì có một nhà trí thức dám nói ra điều kì cục của đất nước. Nhưng, thưa quí vị, quí bạn, bình tĩnh hơn và thận trọng hơn chúng ta sẽ thấy lời nhận xét như thế thật không có gì đáng hoan nghênh cho lắm, vì nó mới chỉ dám nói lên một thực trạng mà hầu như người Việt nào cũng đã biết. So về các chỉ số kinh tế và phát triển hay chỉ đơn giản so cuộc sống đời thường giữa Việt Nam với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Mã Lai, Đài Loan hay Phi Luật Tân, mỗi người dân thường Việt Nam cũng đều cảm thấy Việt Nam chúng ta đều còn lâu mới bằng họ.
Nhưng điều quan trọng nhất là nguyên nhân chính của tình trạng "không chịu phát triển" của Việt Nam là do đâu, do ai thì, rất đáng tiếc, bà Phạm Chi Lan lại không nói ra cho nhân dân biết. Đó chính là điều nguy hiểm trong sự mập mờ của những người mang danh trí thức như bà Phạm Chi Lan.
Thưa quí vị, quí bạn, sự mập mờ, nửa vời có tính chất vuốt ve, đánh lạc dư luận không chỉ là phong cách của những trí thức phục vụ đảng cộng sản như bà Phạm Chi Lan mà đây còn là đặc điểm có tính sách lược về truyền thông của chính quyền cộng sản nhằm vỗ về dư luận hoặc tạo ra những ngộ nhận, ảo tưởng, kì vọng lạc quan cho dân chúng.
Cách đây vài tuần, vào ngày 8 tháng Hai, tờ báo Petrotimes dưới sự điều hành của tay đại tá Công an Nguyễn Như Phong còn đăng hẳn một bài báo có nhan đề là: "Những thủ đoạn thâm hiểm của Trung Quốc trong làm ăn với nước ngoài". Thoạt đọc qua bài báo này, chúng ta sẽ có ngay cảm tưởng đây là một bài chỉ trích, phản đối Trung Cộng thực sự. Nhưng nếu để ý kĩ chúng ta sẽ phát hiện ra ý đồ gian trá của tác giả trong bài báo có cái tên gay gắt như thế lại chỉ nhằm biện hộ một cách hết sức tinh vi cho chính sách thao túng, bành trướng về kinh tế và chính trị của chính quyền Trung Cộng. Gần cuối bài, tác giả (không rõ tên) viết thế này:
"Thoạt nhìn qua ai cũng có thể cho rằng đó là sự gian dối, là vi phạm pháp luật ngay tại Trung Quốc nhưng được Chính phủ Trung Quốc bao che. Thực ra nó không đơn giản như vậy, vì nếu chính phủ có sự dung túng cho những hành vi vi phạm pháp luật đó thì khi chính phủ hết dung túng sự việc sẽ trở nên tốt hơn, ổn hơn."
Cuối tháng 11 vừa qua, tờ An ninh Thế giới của Bộ Công an, có cho đăng một cuộc phỏng vấn ông Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang với đầu đề "Không có quyền lực nào là tuyệt đối...", trong đó có nói đến sự suy đồi của kẻ cầm quyền độc đoán. Cuộc phỏng vấn đưa đẩy tới những vấn đề nếu xem qua chúng ta sẽ có cảm giác đây là một cuộc trò chuyện rất dũng cảm để phê phán những kẻ độc tài. Nhưng đọc kĩ, hóa ra cuộc phỏng vấn này có ý đồ chính nhằm biện minh, che chắn cho hành vi bán nước và thái độ hèn nhược của đảng cộng sản Việt Nam. Sau khi đã rào trước đón sau để có dịp nói đến Mạc Đăng Dung, phóng viên đã rất khéo léo đẩy ra câu hỏi cho ông Giáo sư Giang thế này:
* Ông vua từng trói mình, quỳ gối, dâng vàng bạc, đất đai cho nhà Minh đấy ư...?
Ông Giáo sư, Tiến sĩ Giang liền tiếp lời:
- Về chuyện dâng đất các sử gia đã khẳng định rồi. Còn về việc trói mình, quỳ gối thì câu hỏi đặt ra là, giữa việc tự làm nhục bản thân như thế để ngăn chặn một cuộc chiến tranh với việc cứ để chiến tranh xảy ra, nhân dân chìm trong đau khổ thì việc nào đáng làm hơn?
Dường như chưa an tâm và muốn củng cố thêm sự che chắn cho các hành động hèn nhược của đảng cộng sản Việt Nam, phóng viên lại hỏi tiếp kiểu mớm ý:
- Vậy thì lại cần rút ra một bài học nữa: người lãnh đạo, trong một trường hợp nào đó phải sẵn sàng chịu thiệt về mình, về gia đình mình, dòng họ mình để muôn dân tránh khỏi cơn binh lửa?
Thừa dịp ông Giáo sư Giang phân trần luôn thế này:
- Chúng ta biết là sau khi Mạc Đăng Dung chết, đất nước, binh quyền không thuộc về nhà Mạc nữa, mà lại thuộc về nhà Lê, và nhà Lê thì luôn coi nhà Mạc là kẻ thù, nên sử gia thời Lê luôn nhìn Mạc Đăng Dung với con mắt nghiệt ngã. Chứ nếu sau đó vẫn là thời nhà Mạc thì hành động của Mạc Đăng Dung có khi đã được nhìn nhận rất khác rồi. Thậm chí được ca tụng, ca ngợi rồi./.
Thưa quí vị, quí bạn, như vậy chúng ta đã thấy rõ một sự phối hợp tinh vi nham hiểm giữa giới lãnh đạo cộng sản và những người có cái mác trí thức, chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu nhưng cam tâm phò kẻ cầm quyền. Họ cùng làm thế hòng ngu dân, che đậy tội ác và tiếp tục hà hiếp bóc lột nhân dân. Loại trí thức như thế xuất hiện rất nhiều trên báo chí, Ti Vi và các diễn đàn do chính quyền cộng sản kiểm soát. Chúng ta hãy cảnh giác!
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong chương trình tuần tới.
Tiến Văn
21/2/2016

No comments:

Post a Comment