Thursday, February 18, 2016

DÂN VIỆT KHÔNG BAO GIỜ QUÊN

Thứ Năm,  18.02.2016
Chiến thắng Kỷ Dậu 1789 là một trong những trận chiến chống ngoại xâm nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam và cũng là chiến công oanh liệt nhất của vua Quang Trung, tức anh hùng Nguyễn Huệ. Chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan 20 vạn quân Thanh, chặn đứng mưu đồ xâm chiếm Đại Việt của nhà Thanh dưới thời Càn Long thịnh trị. Nhưng với cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979 lại là một bi thảm cho dân tộc, mà mọi người cần phải nhớ...Trong tiết mục Người Dân Tự Quyết hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài "Dân Việt không bao giờ quên" của Lý Trần Công sẽ được Hướng Dương gởi đến quý thính giả để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, tức năm Kỷ Mùi, Đặng Tiểu Bình đưa 32 sư đoàn bộ binh, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không. Lực lượng được huy động khoảng trên 30 vạn binh sĩ, 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn, chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 1.700 máy bay sẵn sàng phía sau, tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới trên bộ của Việt Nam, với một lý do hết sức đơn giản là dạy cho cộng sản Hà Nội một bài học về cái gọi là "Bọn bá quyền ăn cháo đái bát- kiếp tôi mọi mà lại chòi mâm son". CSVN lọt vào giữa sự tranh giành ảnh hưởng ngôi bá chủ thế giới cộng sản của hai đàn anh Liên Sô – Trung cộng, còn người dân Việt Nam thì gánh chịu hậu quả tàn khốc của chiến tranh cả ở biên giới phía Bắc lẫn biên giới Tây nam Việt – Miên. 5 giờ sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, lực lượng Trung cộng khoảng 120.000 quân bắt đầu tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, mở đầu là pháo, tiếp theo là xe tăng và bộ binh. Quân Trung cộng vừa chiếm ưu thế về lực lượng, vừa chủ động về thời gian, lại còn có "lực lượng thứ năm" gồm những người Việt gốc Hoa trên đất Việt Nam.
Từ đêm 16 tháng 2, các tổ thám báo Trung cộng đã mang theo bộc phá luồn sâu vào nội địa Việt Nam, móc nối với "lực lượng thứ năm" này lập thành các toán vũ trang phục sẵn ở các ngã ba đường, bờ suối, các cây cầu để ngăn chặn quân tiếp viện của Việt Nam từ phía sau lên. Trước giờ nổ súng, các lực lượng này cũng bí mật cắt các đường dây điện thoại để cô lập chỉ huy sư đoàn với các chốt, trận địa pháo. Ngoài lực lượng quân chính quy, Trung cộng còn huy động hàng chục vạn dân công và lực lượng dân binh ở các tỉnh biên giới để tải đồ tiếp tế, phục vụ, tải thương, hỗ trợ quân chính quy phục vụ cho chiến dịch, chỉ riêng tại Quảng Tây đã có đến 215.000 dân công được huy động. Mặc dù lúc đó các quân đoàn chủ lực của csVN đang chiến đấu trên đất Kampuchia, nên phòng thủ ở biên giới với Trung Quốc chỉ có một số sư đoàn chủ lực quân khu (chủ yếu là tân binh) của Quân khu I và II cùng các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện. Nhưng do phải đối mặt với một kẻ thù truyền kiếp là giặc bành trướng phương Bắc đầy dã tâm và tàn ác, quân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, với mục tiêu tối hậu là chống ngoại xâm và bảo vệ giang sơn bờ cõi của tiền nhân để lại. Tuy vậy, cuộc chiến ngắn ngủi chưa đầy một tháng giữa hai đảng cộng sản Việt – Trung, đã để lại những hậu quả hết sức tàn khốc cả về vật chất, tinh thần và trên hết nó bộc lộ một bản chất phi nhân tính mà chỉ có người cộng sản mới có quyền sở hữu nó trọn vẹn nhất. Lính Trung cộng trước khi xung trận, được các chính ủy tuyên truyền một mối căm thù cao ngất trời dành cho kẻ thù: bắn, giết, đốt phá, hãm hiếp, thảm sát dân thường kể cả tù binh mặc tình vi phạm các công ước chiến tranh. Trong cuộc chiến tranh này, Trung cộng đã phá hoại hoàn toàn 4 thị xã, hơn 20 thị trấn, huyện lỵ, nhiều làng xóm, nhà máy, hầm mỏ, nông trường, cầu đường, nhà cửa... của nhân dân ta tại những nơi chúng đi qua. Một thống kê chính thức của Đài Loan đăng tải về cuộc chiến biên giới Việt - Trung năm 1979, số người chết của phía Trung cộng là 26.000; của phía Việt Nam là 30.000 người. Số bị thương: Phía Trung cộng là 37.000 người, phía Việt Nam là 32.000 người. Về số bị bắt sống, Trung Quốc là 260 người, Việt Nam là 1.600 người. Xung đột vũ trang tại biên giới Việt – Trung còn tiếp diễn thêm 10 năm nữa, tuy nhiên những trận đánh đẫm máu tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang năm 1984 vẫn chưa tìm được chỗ đứng xứng đáng trong hệ thống tuyên truyền một chiều của đảng csVN. Việt Nam không chỉ mất Núi Đất An Lão nay đã thuộc về Trung cộng với tên gọi mới là Lão Sơn, mà Việt Nam còn mất về tay Trung cộng rất nhiều vị trí xung yếu chiến lược trên toàn tuyến biên giới Việt – Trung. Hiệp định biên giới trên đất liền năm 1999, mà csVN ký nhượng đất cho Trung cộng, chính là sự tiếp nối chuỗi thất bại của sách lược chính trị hữu hảo với Trung cộng, để csVN nhận lại một sự bảo hộ về quyền lực và một thứ hòa bình viển vông mơ hồ của Trung cộng.
Theo Fox News ngày 17/2/2016 đưa tin, quân đội Trung Quốc đã triển khai 8 bệ phóng tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa (thuộc Đà Nẵng, Việt Nam) mà csVN đã dâng bán cho Trung cộng. Nhiều bằng chứng cho thấy Trung cộng đang ngày càng quân sự hóa Biển Đông, nguyên nhân chủ yếu gây căng thẳng trong khu vực. Cũng trong ngày 17/2/2016 dưới chân tượng đài Đức Trần Hưng Đạo – Sàigòn, người dân đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm các chiến sỹ, đồng bào đã hy sinh anh dũng trong trận chiến vệ quốc năm 1979. Nhưng thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho những kẻ cầm quyền tại thành Hồ, khi ra lệnh cho đám công an – côn đồ cản trở, gây rối, cướp giật những vòng hoa tưởng niệm đồng bào và chiến sĩ Việt Nam, đã hy sinh dưới nòng súng của kẻ thù Trung cộng. Bí thư thành ủy thành Hồ phải là kẻ chịu trách nhiệm cao nhất cho hành vi vong bản, phản quốc, nối giáo cho giặc để manh tâm vùi dập lịch sử chống giặc Tàu của dân ta.
37 năm đã trôi qua, dù csVN vẫn cố tình lãng quên hành động xâm lăng bờ cõi nước ta của Trung cộng, dù Bộ chính trị đảng csVN có cố làm ngơ trước nỗi đau mất mát, tang thương của người dân trong trận chiến biên giới 1979, nhưng toàn dân Việt Nam nhất định sẽ không bao giờ quên. Chúng ta cần phải truyền lại cho con cháu đời sau những sự thật tội ác của Trung cộng và Việt cộng đã gây ra cho dân tộc này để lịch sử công minh phán xét.
Lý Trần Công
Ngày 18/2/2016.

No comments:

Post a Comment