Monday, September 15, 2014

Ngày Đầu Tiên Ở Tù - phần cuối

Thứ Hai, ngày 15.09.2014    
Khát vọng Tự Do cháy bỏng trong tim mỗi người chúng ta nhưng cái giá phải trả cho nó không rẻ vì Tự Do không phải là phẩm vật cho không. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN phần cuối của bài viết có tựa đề: "Ngày đầu tiên ở tù" của Phạm Thanh Nghiên, sẽ được Tâm Anh trình bày sau đây
Đã gần một tuần trôi qua và tôi vẫn không nhận được quà tiếp tế từ gia đình. Mẹ và các anh chị tôi có thể không biết tôi đang ở đâu. Tôi hình dung ra vẻ hốt hoảng và tất tưởi của mẹ khi gõ cửa từng cơ quan công quyền để hỏi thăm tin tức con mình. Mẹ tôi đã ngoài bẩy mươi tuổi và tôi chưa từng phải xa mẹ.
Vẫn ba điều tra viên (hai nam một nữ) "hỏi cung" tôi. Không giữ thái độ điềm đạm như mấy lần trước, tôi chủ động chất vấn:
- Vì sao đến hôm nay tôi vẫn không nhận được tin từ gia đình?
Đ.T.Ch lên giọng. Hắn bao giờ cũng thế, luôn thể hiện vai trò cấp trên với đồng đội:
- Chị nên nhớ, chị đang bị bắt giữ để điều tra, mọi sự liên hệ với gia đình là hoàn toàn không được phép.
- Các anh đã không cho gia đình tôi biết tôi đang ở đâu. Điều đó là phạm pháp. Tôi buộc tội.
- Chúng tôi đã thông báo cho gia đình chị. Vẫn tên Ch. quả quyết.
- Các anh giải thích thế nào về việc gần một tuần nay tôi không nhận được tiếp tế từ gia đình?
- Cái đó làm sao chúng tôi biết được? Đó là việc của gia đình chị.
Câu nói cùn của Ch. khiến tôi nổi đóa:
- Anh đã nói thế thì tôi cũng thẳng thắn với các anh luôn nhé. Nếu trong một, hai ngày tới tôi không nhận được tin từ gia đình. Tôi sẽ tuyệt thực. Đừng hòng các anh "cung cán" gì được hết.
Không để đồng đội tiếp tục, tên D. chủ động xoa dịu:
- Chị Nghiên này, chúng tôi đã thông báo tới chính quyền địa phương và họ có trách nhiệm sẽ báo cho gia đình chị cũng như hướng dẫn mẹ chị các thủ tục gửi quà. Còn vì sao đến hôm nay chị chưa nhận được tiếp tế thì chúng tôi sẽ tìm hiểu. Chị yên tâm!
- Làm thế nào để tôi tin các anh?
Nhận ra sự... mềm dẻo của đồng nghiệp có vẻ hiệu quả hơn, tên Ch. lập tức thay đổi thái độ:
- Chị Nghiên ạ! Chúng tôi biết phụ nữ thì có những thứ không thể thiếu. Nói thật với chị trước khi đến đây, anh D. đã gửi cho chị một số tiền nhỏ vào sổ lưu ký để chị mua những thứ cần thiết nhưng trại giam họ không cho. Hứa với chị, ngay chiều nay tôi sẽ đến nhà để hỏi xem vì sao gia đình chưa đi gửi quà cho chị.
Sự "tử tế" của họ khiến tôi cảnh giác. Thấy đối phương im lặng, D. tiếp tục thuyết phục:
- Lẽ ra tôi không nói với chị chuyện tôi gửi tiền vì nó không đáng bao nhiêu. Vả lại trại giam họ cũng không cho nhận. Nhưng vì chị không tin nên chúng tôi phải nói. Đó là sự thật và chị nên tin ở thiện chí của chúng tôi.
Lúc này, đồng nghiệp nữ của họ mới chịu lên tiếng:
- Nghiên hãy tin bọn chị...
Tôi nghĩ, chị ta phải cố gắng lắm mới không thốt ra vế sau của câu nói "...không phải lúc nào bọn chị cũng nói dối".
D. không có mặt trong ngày 11 tháng 9 khi các đồng nghiệp của anh ta khởi đầu chiến dịch khủng bố tôi trước khi ký lệnh bắt. Anh ta tự cho phép mình không phải chịu trách nhiệm hoặc chí ít không thấy ngượng trước chất vấn của tôi liên quan đến thủ tục triệu tập ngược đời mà Cơ quan An ninh điều tra đã thực hiện. Anh ta, chính là người tôi đánh giá cao nhất trong số hai đồng nghiệp còn lại. Chắc D. thực sự khá nên được phân công đảm trách các cuộc thẩm vấn lúc tôi còn ở ngoài cho đến suốt quá trình điều tra trong thời gian tôi bị giam giữ. D. thông minh và kín đáo, không mấy khi để lộ cảm xúc trong khi Ch., luôn cố gắng chứng minh năng lực vượt bậc (thứ anh ta không có) và không ngại quảng cáo thân thế của mình. Việc họ là những "tài năng trẻ quốc gia" và từng được đi gặp Chủ tịch nước vì thành tích học tập xuất sắc trong thời gian học phổ thông là do Ch. "khoe" với tôi trong một lần đi cung: "Chị tưởng chị như thế là đã nổi tiếng à? Không đâu, chúng tôi còn nổi tiếng hơn chị nhiều. Chúng tôi đã học trường Năng khiếu Trần Phú và đã được gặp Chủ tịch nước đấy. Chị đã là cái thá gì. Chị đã từng được gặp chủ tịch nước chưa?". Anh ta ngốc, phải biết tôi đấm thèm vào cái "chủ tịch nước" ấy chứ.
Không biết do sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có sự thỏa thuận ngầm của họ mà cả Ch. lẫn H. đều đi ra ngoài. Chỉ còn một mình D. đối diện với tôi trong buồng hỏi cung. Anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi như sắp tuyên bố điều gì quan trọng:
- Chị Nghiên, nếu chị muốn, tôi có thể cởi tấm áo này ra để thề với chị.
Tôi sững lại trong giây lát. Một điều gì khó tả, nhưng chắc chắn đó không phải cảm giác toại nguyện hay sự phấn khích đắc thắng. Tự nhiên tôi có cảm giác khó chịu.
- Tôi tin anh. Tôi đáp cộc lốc.
D. đã tầm thường đi một chút. Và đó là điều tôi không muốn.
Vài hôm sau, với vẻ cởi mở hơn, cả ba vào gặp tôi:
- Tôi đã đến nhà chị và cũng ra phường hỏi rồi. Hóa ra anh Hải, công an hộ tịch bận đi học nên anh ấy chỉ làm việc buổi tối thôi. Chị gái chị không biết nên tới vào giờ hành chính vì thế không gặp. Tôi đã hướng dẫn gia đình chị và có bảo các anh ở phường giúp đỡ những thủ tục cần thiết. Chỉ nay mai là chị nhận được quà thôi. Chị cứ yên tâm.
Ch. dùng từ "hóa ra" với vẻ hân hoan cứ như anh ta vừa khám phá ra một đáp án rất quan trọng. Tôi không còn hứng thú để lý luận hay bắt bẻ cái thứ "luật vô luật" của Nhà nước này trước thông báo "hồn nhiên" của anh ta.
Tôi nhận lời động viên "cứ yên tâm ở tù" và lệnh tạm giam bốn tháng từ những kẻ bắt mình.
Phạm Thanh Nghiên

No comments:

Post a Comment