Wednesday, September 17, 2014

Hòa Hợp Hòa Giải Của Người Hoa Kỳ

Thứ Tư, ngày 17.09.2014    
Kính thưa quý thính giả, người Mỹ quan niệm Hòa Hợp Hòa Giải ra sao trong cuộc nội chiến của Hoa Kỳ hơn 150 năm trước? Thiết tưởng đây là vấn đề chúng ta cần biết để rút ra bài học cho chính mình. Liên tục chương trình, trong chuyên mục Con Người Việt Nam, tuần này Nguyên Hồng đưa ra nhận định về cụm từ Hòa Hợp Hòa Giải này. Mời quý thính giả cùng theo dõi sau đây
Chúng ta học hỏi gì trong kinh nghiệm hòa hợp hòa giải?
Chiến tranh là điều không ai muốn xảy ra. Có những cuộc chiến xảy ra bởi dân tộc đó không có sự lựa chọn. Nhưng đồng thời có những cuộc chiến xảy ra do sự ngu xuẩn của giới lãnh đạo -- để đưa cả dân tộc vào một cuộc chiến vô ích nhằm mục đích phục vụ mục tiêu cá nhân của giới lãnh đạo hoặc mục tiêu của thành phần lãnh đạo đảng.
Chiến tranh có hai loại. Loại thứ nhất là giữa các quốc gia với nhau. Loại thứ hai giữa những người trong nước với nhau. Chiến tranh giữa những người cùng chung một sắc tộc, một đất nước gọi là cuộc nội chiến – cho dù giới lãnh đạo chủ trương cuộc chiến sử dụng những từ ngữ khác để che giấu cuộc nội chiến này -- nhưng thực chất của nó vẫn là cuộc nội chiến.
Bất cứ cuộc nội chiến nào khi chấp dứt sẽ tạo ra hai thành phần. Bên Thắng Cuộc và Bên Thua Cuộc. Chuyện gì sẽ xảy ra giữa bên thắng cuộc và bên thua cuộc sau khi cuộc chiến chấm dứt? Chính sách hòa hợp hòa giải đem lại lợi ích gì trong chiến tranh thuộc loại nội chiến? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy nhìn về cuộc nội chiến của Hoa Kỳ, vào thời điểm 1861-1865.
Bài Học Hòa Hợp Hòa Giải Trong Cuộc Nội Chiến Của Hoa Kỳ
Cuộc nội chiến của Hoa Kỳ xảy ra trong khoảng bốn năm giữa các tiểu bang nằm trong khối Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ (United States of America) chủ trương loại bỏ chính sách người nô lệ và các tiểu bang trong khối Liên Minh Hoa Kỳ (Confederate States of America) chủ trương chính sách người nô lệ. Đây là một cuộc nội chiến chẳng đặng đừng nhằm mục đích loại bỏ chính sách người nô lệ và giữ các tiểu bang nằm trong Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ (đã tách rời vì khác đồng chính kiến trên chính sách nô lệ).
Những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến, người mà giới nghiên cứu lịch sử của Hoa Kỳ cho rằng góp phần rất lớn trong chính sách hòa hợp hòa giải đó đó tướng Robert E. Lee, người tướng của khối Liên Minh (Confederate States) thuộc về phe thua trận. Tướng Lee đã làm gì trong những giờ phút cuối cùng của khối Liên Minh?
Ngày 9 tháng 4 năm 1865, tướng Lee đã tham khảo ý kiến với các tướng Longstreet, Mahone, và Alexandra về chuyện đầu hàng. Tướng Longstreet thay vì trả lời câu hỏi thì ông hỏi lại là "nếu sự hy sinh của đơn vị Northern Virginia sẽ giúp đỡ sự chiến thắng của các đơn vị khác trong quân đội của Liên Minh?". Tướng Lee trả lời là không. Tướng Mahone đồng ý với ý kiến của tướng Lee. Tuy nhiên, tướng Alexandra không đồng ý mà đề nghị là quân đội nên trốn vào rừng, nhận chỉ thị từ thống đốc của mỗi tiểu bang để tiếp tục chiến đấu và ít nhất 2/3 quân đội sẽ không bị quân đội Hợp Chủng Quốc (United States of America) bắt. Tướng Lee trả lời "chúng ta hãy nghĩ đến hậu quả của vấn đề trên phương diện là một quốc gia. Chiến tranh đã xảy ra với nhiều sự chết chóc, khổ đau bốn năm qua. Nếu làm theo đề nghị trên, những người lính không có thực phẩm để ăn và không có sự quản lý của các sĩ quan. Cuối cùng những người lính này sẽ cướp giựt của kẻ khác để mà ăn và sống. Họ sẽ trở thành những băng đảng cướp giựt .... Chúng ta sẽ tạo ra một tình trạng mà quốc gia sẽ mất một thời gian rất lâu để phục hồi. Đối với tôi, cái tự trọng tối thiểu cần phải làm là đến gặp tướng Grant để đầu hàng và sẵn sàng chấp nhận những hậu quả xảy ra cho hành động của chính mình". Tướng Alexadra sau này cho rằng đề nghị của ông là một đề nghị rất là xấu hổ, dù rằng vào thời điểm đó ông không có câu trả lời cho tướng Lee.
Cuối cùng tướng Lee đã đến toà án Appomattox để đầu hàng thay vì lựa chọn phương pháp của tướng Alexandra. Dĩ nhiên chính sách hòa hợp hòa giải của tướng Lee và ảnh hưởng của ông đối với quân đội Liên Minh cho chính sách này sẽ không thành công -- nếu quân đội của phe Hợp Chủng Quốc không có chính sách này để đáp lại trái tim nhân bản của tướng Lee.
Trong buổi họp giữa tướng Grant và Sherman cùng với tổng thống Abraham Lincoln vào ngày 24 tháng 3 năm 1865, Lincoln chủ trương là hãy làm thế nào để cho những người lính trong quân đội Liên Minh đầu hàng và về sống là một thường dân, đóng góp công sức cho Hợp Chủng Quốc và có cơ hội để tham gia vào chính quyền của Hợp Chủng Quốc. Lincoln cho rằng khi quân đội Liên Minh đầu hàng thì sẽ không bị trừng phạt, đi tù. Từ người lính đến những sĩ quan, cũng như tướng lãnh thuộc phe Liên Minh sẽ không bị đi tù, không bị truy tố về tội phản quốc. Đây là chính sách của bên thắng cuộc, thuộc lực lượng Hợp Chủng Quốc mà người đứng đầu quốc gia là tổng thống Lincoln chủ trương.
Kết quả đó ra sao? Tướng Lee đầu hàng và kêu gọi tất cả những tướng lãnh khác cũng như binh lính của quân đội Liên Minh đầu hàng để chấp dứt tình trạng đổ máu vô ít trong một quốc gia.
Chính sách hòa hợp hòa giải của người Hoa Kỳ vẫn tiếp tục xảy ra sau cuộc nội chiến chấm dứt. Không những chỉ cho những người còn sống mà cho cả những người đã chết. Các binh lính thuộc quân đội phản loạn tức là quân đội của Liên Minh, được chôn cất cùng một nghĩa trang với quân đội thuộc phe Hợp Chủng Quốc. Lá cờ của phe Liên Minh vẫn được treo trên những nấm mồ của những người từng đấu tranh và chết dưới lá cờ này vào những ngày lễ tưởng nhớ đến sự hy sinh của những người cựu quân nhân Hoa Kỳ.
Những người lãnh đạo của chính quyền Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ trong cuộc nội chiến 4 năm đã có một trái tim thật lớn, có một tầm nhìn xa cho đất nước và dân tộc Hoa Kỳ. Chính vì thế mà họ luôn luôn chủ trương hòa hợp hòa giải với khối Liên Minh để tất cả những tiểu bang của Hoa Kỳ không bị tan rã, để tất cả mọi người cho dù đã từng cầm súng đánh với nhau nhưng khi xong cuộc chiến thì mọi người đều có trách nhiệm để cùng nhau xây dựng đất nước mà không kể quá khứ là gì. Chính vì cái nhìn xa này mà đất nước Hoa Kỳ lúc nào cũng tiến lên trên mọi lãnh vực của thế giới. Thế người Việt Nam chúng ta thì sao?
Nói về chính sách hòa hợp hòa giải của Hoa Kỳ mà không nói về chính sách hòa hợp hòa giải của người VN thì là một sự thiếu sót rất lớn. Chúng ta sẽ nhìn vào kinh nghiệm của bài học hòa hợp hòa giải của người VN vào tuần tới.
Nguyên Hồng

No comments:

Post a Comment