Tuesday, September 9, 2014

Ngày đầu tiên ở tù - phần 2

Thứ Ba 09/09/2014   
Khát vọng Tự Do cháy bỏng trong tim mỗi người chúng ta nhưng cái giá phải trả cho nó không rẻ vì Tự Do không phải là phẩm vật cho không. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN phần 2 của bài viết có tựa đề: " Ngày đầu tiên ở tù " của Phạm Thanh Nghiên sẽ được Tâm Anh trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Mụ cai tù chủ động xuống nước. Tôi "khai" lý lịch xong, mụ ta bắt đầu một bài thuyết giảng giống như bao nhiêu bài thuyết giảng của cánh đồng chí với mụ. Mụ bảo suốt mấy chục năm công tác, chưa bao giờ mụ gặp "loại tội phạm" như tôi. Trước khi đẩy tôi vào buồng giam, dùng lối xưng hô rất... ngọt, mụ nhẹ nhàng đe dọa:
- Thôi, cô chả cần biết mày làm những gì ở ngoài. Vào đây rồi thì cố mà suy nghĩ cho kỹ. Sai thì nhận, không việc gì phải ngoan cố rồi khổ ra. Chịu khó chấp hành nội quy, không là khó sống lắm. Cô cứ nói thật cho mày biết như thế.
Mụ cai tù bập khóa lại, vội vã (và chuyên nghiệp) đến mức cánh cửa như chạm vào lưng tôi. Tôi thực sự bị đẩy vào thế giới của những kẻ được cho là đáy cùng của xã hội. Hàng chục con mắt đổ dồn vào kẻ mới đến. Tôi thấy rờn rợn. Rất cố gắng để xua đi ý nghĩ rằng họ là những kẻ đáng sợ. Trong phút chốc, khó mà nhận diện đâu là chân dung của kẻ sát nhân, đâu là kẻ buôn ma túy, đâu nữa là kẻ buôn phụ nữ và trẻ em? Từ nay, tôi sẽ phải "chung đụng" với những con người này và họ sẽ là một phần cuộc sống của tôi.
Nhưng chắc chắn một điều rằng, không một ai trong số họ giống như tôi: Vào tù chỉ vì đòi Quyền con người và muốn toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước mình.
Lần đầu tiên tôi bị "kiểm tra thân thể" theo đúng nghĩa đen của cụm từ này trước sự chứng kiến của bao nhiêu người khác. Việc khám người thường do một tù nhân (gọi là buồng trưởng) thực hiện. Vài người khác được gọi chung là "trách nhiệm" lo phần kiểm tra tư trang. Đây là thủ tục bắt buộc đối với hầu hết những người mới "nhập buồng".
Gọi là "hầu hết" vì thi thoảng cũng có vài trường hợp ngoại lệ. Đó là "người nhà" của Ban giám thị, hay của bọn cán bộ. "Người nhà" có thể là họ hàng, nhưng đa số là mối quan hệ được xây dựng dựa trên lợi ích giữa những kẻ làm ăn phi pháp với những tên cai tù hoặc những tên quan chức có cỡ. Chỉ cần "cô" (người quản lý buồng giam) nói trước với buồng trưởng một tiếng, kẻ mang danh "người nhà" sẽ vênh váo bước vào buồng giam mà không ai được phép đụng vào thân thể.
Trong lúc khám người, chị buồng trưởng phổ biến cho tôi nghe "nội quy" của buồng giam. Đại loại không được đi quá phạm vi chỗ nằm, không được nói chuyện riêng gây mất trật tự, nhất là không được "tuyên truyền chống Nhà nước". Tôi đoán rằng, rất ít người ở đây nghe thấy cụm từ này trước khi tôi xuất hiện. Chị buồng trưởng phải phát âm tới lần thứ ba mới đúng cụm từ trên. Không hiểu sao khi ấy, tôi hình dung ra vẻ mặt ngây ngô (có phần hãm tài) và nụ cười hồn nhiên của ông chủ tịch Triết. Sự sợ hãi và vẻ hài hước của ông ta len lỏi vào tận chốn ngục tù.
Tôi nói với Nhung "rồng" (buồng trưởng) rằng tôi cần phải đi tắm. Chị ta chỉ cho tôi vào toa lét. Vài hôm sau tôi mới biết không một ai đủ "gan" để ngang nhiên yêu cầu được tắm trong giờ đóng cửa buồng cũng như không một tù nhân (làm trách nhiệm) nào dám "đồng ý" cho việc đó. Đối với mọi người, ngay ngày đầu tiên bước chân vào buồng giam tôi đã mang dấu hiệu của sự khác biệt.
Tôi được xếp nằm dưới "gầm mà"(*), bên cạnh hai người tù bị buộc tội buôn ma túy. Làm quen vài câu lấy lệ, tôi thả mình xuống tấm chiếu không còn lành lặn.
Lúc này đã gần bẩy giờ tối.
Mệt và đói. Mấy thìa cháo tôi ăn trước lúc đi đã bay hơi ngay khi vừa ngồi trong xe thùng.
- Sao không mở ti-vi lên coi hả các chị?
Không ai trả lời. Tôi nhắc lại câu hỏi lần nữa. Nhung rồng trả lời:
- Ti-vi hỏng.
Cái ti-vi chỉ "hỏng" đúng buổi tối đó thôi. Nó hỏng theo chỉ thị. Bản tin thời sự hẳn sẽ đưa tin về một chiến công lẫy lừng của các chiến sĩ công an, tóm gọn tên "phản động" với những "bằng chứng không thể chối cãi", và rằng "đối tượng đã cúi đầu khuất phục". Cánh điều tra viên không muốn cắm mặt xuống đất mỗi lần đi hỏi cung "bị can" -nhân vật chính trong bản tin thời sự. Kể cũng chưa mất hết liêm sỉ.
Mọi người vẫn ngồi chơi. Tôi nằm nhưng không sao ngủ được. Một chị đánh bạo hỏi:
- Em ơi thế em đi tù hay đi ngủ?
- Cả hai chị ạ.
Một vài người khác mạnh dạn hơn, bắt đầu hỏi chuyện. Song cũng chỉ một lúc, không còn ai dám chuyện trò với tôi nữa. Bản tính tò mò không thắng được nỗi sợ hãi.
Cái mệt đã giúp tôi trải qua đêm đầu tiên trong tù một cách dễ dàng.
Phạm Thanh Nghiên
Còn tiếp...

No comments:

Post a Comment