Saturday, April 1, 2023

Trung tướng Phan Trọng Chinh

Danh Nhân Nước Việt

Thưa quý thính giả,

Để nhớ đến một vị tướng trong 4 tướng lãnh nổi tiếng thanh liêm, có tài năng và đức độ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, được hun đúc từ truyền thống “Bảo quốc - An dân” của các bậc tiền nhân.

Trong tiết mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Trung tướng Phan Trọng Chinh” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.


“… Biết làm sao khi vận nước suy vi,

Biết làm sao khi hào khí chưa tàn.

Đã trút gánh tang bồng trong uất hận,

Anh hùng tử nhưng chí hùng chưa tận…”

Đó là 4 câu thơ trích trong bài thơ Giọt Lệ Trầm Kha dài 20 câu của tác giả DzuyLynh, nhằm vinh danh Trung tướng Phan Trọng Chinh sau khi ông qua đời.

Thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa có 4 vị tướng nổi tiếng thanh liêm, được dân quân ca tụng về đời binh nghiệp, cũng như nếp sống trong sạch qua câu: “Nhất Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng”. Đó là Trung tướng Nguyễn Đức Thắng, Trung tướng Phan Trọng Chinh, Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh, Trung tướng Ngô Quang Trưởng.

Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh tử nạn ngày 2/5/1970, khi đang bay trực thăng thị sát mặt trận tại Kiến Phong - Kiến Tường, được truy thăng Trung tướng và được truy tặng Đệ nhị đẳng Bảo quốc Huân chương kèm Anh dũng Bội tinh với nhành Dương Liễu.

***

Trung tướng Phan Trọng Chinh sinh ngày 1/2/1930 tại Bắc Ninh. Thân phụ là Thiếu tá Phan Trọng Vinh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 22 Việt Nam, tử trận tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng năm 1952, khi đụng độ với quân cộng sản. Thân mẫu là bà Hoàng Thị Lựu.

-Năm 1950, ông đậu Tú Tài I tại Hà Nội.

-Năm 1951, theo học khóa 5 Võ Bị Đà Lạt, ra trường với cấp bậc Thiếu úy.

-Năm 1953, thăng cấp Trung úy, giữ chức vụ Đại đội trưởng trong Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù.

-Năm 1954, thăng cấp Đại úy.

-Năm 1955, ngày 20 tháng 5, ông là sĩ quan người Việt đầu tiên nhận chức Tiểu đoàn Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù.

-Năm 1956, thăng cấp Thiếu tá, làm Tham mưu trưởng Liên đoàn Nhảy Dù (Trung tá Nguyễn Chánh Thi làm Liên đoàn trưởng).

-Năm 1960, nhận nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Biệt Động Quân. Ngày 11/11/1960, ông tham gia đảo chánh do Đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu. Đảo chánh thất bại, ông bị bắt.

-Năm 1963, ông bị Tòa án Quân sự Mặt Trận xử 18 tháng tù, thọ hình tại Côn Sơn. Nhưng chưa đầy 1 tháng, cuộc đảo chánh ngày 11/11/1963 thành công. Ông được thả về và phục hồi cấp bậc cũ. Tháng 12, ông được thăng lên Trung tá, làm Tỉnh trưởng Pleiku.

-Năm 1965, thăng cấp Đại tá, được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư Đoàn 25 Bộ Binh.

-Năm 1966, thăng cấp Chuẩn tướng,

-Năm 1968, được cử làm Tư lệnh phó Quân đoàn III và Vùng 3 Chiến thuật. Đến tháng 11, được thăng cấp Thiếu tướng.

-Năm 1969, thuyên chuyển về Bộ Tổng Tham Mưu, được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục Quân Huấn thay thế Trung tướng Vĩnh Lộc.

-Năm 1973, được thăng cấp Trung tướng.

-Năm 1974, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Trường Chỉ Huy Tham Mưu.

-Năm 1975, ông cùng gia đình di tản và định cư tại Rockville, Tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ.

-Năm 2014, ngày 17/11, ông qua đời tại thành phố Vienna, Virginia, Hoa Kỳ.

*****

Cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Phan Trọng Chinh trải qua những bước thăng trầm, ông đã sống trong tình “Huynh Đệ Chi Binh”, liêm khiết, tự trọng và im lặng cho đến cuối đời. 

Do ông là vị tướng thanh liêm và đức độ nên trong tang lễ có Chủ tịch Cộng đồng Người Việt vùng Hoa Thịnh Đốn, rất nhiều hội đoàn, đoàn thể và đồng hương, đặc biệt là các cựu Quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở khắp nơi tụ về trong buổi tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trong tang lễ có Bác sĩ Nguyễn Sơ Đông cùng phu nhân (mặc dù đã lớn tuổi) cũng đến quỳ lạy trước linh cửu và sau đó kể rằng:

“Khoảng năm 1966-67, đường Saigon - Đức Hòa còn là đường đất bụi. Hôm đó, tôi trên xe cứu thương, trương cờ Hồng Thập Tự mà chạy. Xe tôi đi sau một đoàn xe của quân đội, tôi bóp kèn, thì tất cả đều dạt vào trong. Nhưng đến xe đầu tiên thì tôi biết là xe của ông Tướng (vì có gắn ngôi sao), xe tôi không dám vượt qua. Nhưng tôi thấy Tướng Chinh vỗ vai người tài xế và xe ông dạt vào trong cho xe tôi vượt qua. Đến tối, tôi xin gặp Trung Tướng và xin lỗi, nhưng Tướng Chinh nói: “NGÔI SAO CỦA TÔI KHÔNG THỂ BẰNG SINH MẠNG CỦA MỘT THƯƠNG BINH”. Câu nói đó đã chạm vào tim tôi, nước mắt tự rơi không kềm được. Một câu nói thật ngắn, gọn, nhưng sao hay trong văn chương, đẹp trong tình người đến như vậy?

Lời nói của Bác sĩ Đông là làm mọi người rơi nước mắt. Vì thế, không chỉ có người dân miền Nam trước đây, mà toàn dân Việt có quyền hãnh diện là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã sản sinh ra vị tướng xuất sắc, có tài năng và đức độ như Trung tướng Phan Trọng Chinh.

Nhân mùa tưởng niệm biến cố 30/4 năm nay, cầu xin đức Quốc Tổ, các đấng Minh Quân, Văn Thần Võ Thánh, Anh Hùng Liệt Nữ và Hồn Thiêng Sông Núi, phù trợ cho đồng bào khắp nơi có thêm sức mạnh và quyết tâm, cùng vùng dậy đấu tranh giải trừ chế độ độc tài cộng sản, để Việt Nam thoát cơn đại họa Bắc Thuộc mới. Và cũng để cho những người đã hy sinh vì bảo vệ miền Nam VN và những người đã nằm xuống vì tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền được “mỉm cười nơi chín suối”.

No comments:

Post a Comment