Saturday, April 15, 2023

Trung tướng Nguyễn Viết Thanh

Danh Nhân Nước Việt

Thưa quý thính giả,

Một trong 4 tướng lãnh được hun đúc từ truyền thống “Bảo quốc - An dân” của các bậc tiền nhân, nổi tiếng thanh liêm với tài năng và đức độ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1970, ông bị tử nạn khi đang bay trực thăng thị sát mặt trận tại vùng Kiến Tường thuộc Quân khu 4.

Trong tiết mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Trung tướng Nguyễn Viết Thanh” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Thời Việt Nam Cộng Hòa, giới quân nhân có truyền tụng câu: “Nhất Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng” để vinh danh 4 vị tướng tài giỏi và thanh liêm của miền Nam Việt Nam được ca tụng về nếp sống trong sạch trong đời binh nghiệp.

Nguyễn Viết Thanh sinh ngày 31/3/1931 tại Tân An, Long An. Thân phụ tên Nguyễn Văn Chi, công chức chính nghạch và thân mẫu là bà Nguyễn Thị Hành.

-Năm 1950, Nguyễn Viết Thanh tốt nghiệp Trung học Phổ thông với văn bằng Tú tài Toàn phần.

-Năm 1951, ông thụ huấn khóa 4 tại trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, ra trường với cấp bậc Thiếu úy.

-Năm 1952, làm Đại đội trưởng Đại đội 51, Tiểu đoàn 15.

-Năm 1953, thăng cấp Trung úy, giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 707.

-Năm 1955, thăng cấp Đại úy.

-Năm 1956, giữ chức vụ Tham mưu trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt, được theo học khóa Bộ Binh Cao Cấp tại trường Võ Bị Lục Quân Fort Benning, Georgia, Hoa Kỳ.

-Năm 1957, mãn khóa về nước làm Liên đoàn trưởng Liên đoàn Sinh Viên tại Liên trường Võ khoa Thủ Đức.

-Năm 1959, thăng cấp Thiếu tá, làm Chánh sự vụ Sở Kế hoạch của Tổng nha Bảo An.

-Năm 1961, được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng tỉnh Long An

-Năm 1962, giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12, Sư đoàn 7 Bộ Binh.

-Năm 1963, làm Tỉnh trưởng tỉnh Gò Công.

-Năm 1964, thăng cấp Trung tá.

-Năm 1965, thăng cấp Đại tá, được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ Binh.

-Năm 1966, thăng cấp Chuẩn tướng.

-Năm 1968, thăng cấp Thiếu tướng, nhận chức Tư lệnh Quân đoàn IV và Quân khu 4.

Đầu tháng 5 năm 1970, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa dùng thế gọng kềm tiến quân qua đất Miên để tiêu diệt căn cứ địa của quân cộng sản Bắc Việt. Cánh quân thứ nhất do tướng Đỗ Cao Trí chỉ huy tiến từ hướng Mỏ Vẹt, cánh thứ hai do tướng Nguyễn Viết Thanh chỉ huy tiến quân từ vùng 4. 

-Ngày 2/5/1970, Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh tử nạn khi đang bay trực thăng thị sát mặt trận tại vùng Kiến Tường. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng với Đại tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Cao Văn Viên và Trung tướng Nguyễn Văn Vỹ đã đến viếng linh cửu Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh tại Cần Thơ. Đồng thời truy thăng cho ông cấp bậc Trung tướng và truy tặng Đệ nhị đẳng Bảo quốc Huân chương kèm Anh dũng Bội tinh với nhành Dương Liễu.

-Ngày 8 tháng 5, tang lễ Trung tướng Nguyễn Viết Thanh được cử hành theo Lễ nghi Quân cách và an táng tại Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn.

Về sau, tại thị xã Vĩnh Long, ông được người dân tôn thờ như một vị thần.

Tên ông được đặt cho Khóa 26, Trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt, khai giảng ngày 24/12/1969 và mãn khóa ngày 18/1/1974.

Bào đệ ông là Nguyễn Viết Cần sinh năm 1933 tại Long An, tốt nghiệp Khóa 4 Trường Võ khoa Thủ Đức, chức vụ cuối cùng là Trung tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 33, Sư đoàn 21 Bộ Binh. Tháng 6 năm 1972, Trung tá Nguyễn Viết Cần tử trận tại Quốc lộ 13, Mặt trận Bình Long, An Lộc, được truy thăng Đại tá.

 

*****

Trung tướng Nguyễn Viết Thanh được xem là vị tướng tài, ông sống giản dị, liêm khiết và tự trọng nên được lòng binh sĩ dưới quyền và cả lòng dân trong vùng trách nhiệm. Cuộc đời binh nghiệp của ông chỉ biết phục vụ và phục vụ, chí công vô tư, xả thân vì nước. Tin ông tử nạn máy bay trên vùng trời Kiến Tường đã làm chấn động cả nước, gây sửng sốt và bàng hoàng cho quân nhân các cấp ở vùng 4 Chiến Thuật. Một ngôi sao sáng vừa lịm tắt, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mất một chiến tướng tài ba lỗi lạc, một cấp chỉ huy hết lòng thương yêu thuộc cấp! Ông đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Tổ Quốc, đúng theo danh ngôn của người xưa:

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu
.

Hơn thế nữa, tướng Nguyễn Viết Thanh được Đại tướng William Childs Westmoreland đánh giá là viên tướng giỏi nhất trong các vị Tư lệnh Sư Đoàn. Và ông cũng được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngợi khen về khả năng tác chiến.

****

Trong suốt chiều dài của lịch sử Việt Nam, thời nào cũng xuất hiện những con người yêu nước có nhân cách cao quý, có tài đức và khí tiết. Họ không chịu sống cuộc đời “giá áo túi cơm” chỉ biết vinh thân phì gia, mà vượt lên cái tầm thường bằng cách đặt lý tưởng và danh dự lên trên cả mạng sống của bản thân mình để xả thân cho đất nước. Những hy sinh của họ là hồi chuông làm thức tỉnh những con người có lương tri và trí tuệ.

“Anh hùng tử, khí hùng bất tử.” Những tấm gương một lòng vì dân vì nước của họ rất xứng đáng được vinh danh. Nhân mùa tưởng niệm 30 tháng 4, xin nghiêng mình ngưỡng phục và xin dâng 3 nén hương lòng để tưởng nhớ Trung tướng Nguyễn Viết Thanh, cùng tri ân các tướng lãnh và Quân - Cán - Chính VNCH, những người đã nằm xuống vì bảo vệ lý tưởng Tự Do.

No comments:

Post a Comment