Friday, April 14, 2023

Tin Tức, thứ Sáu 14.04.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.

1/ PHÁI ĐOÀN MỸ - ĐỨC THĂM CHÙA THIÊN QUANG GIỮA LÚC CÓ LỆNH  THÁO DỠ

Trong tuần qua, hai nhóm ngoại giao Mỹ và Đức đã đến thăm chùa Thiên Quang ở tỉnh Bà Rịa, nơi họ gặp gỡ các vị tu sĩ Phật giáo VN Thống nhất đang trực diện với lệnh tháo dỡ toàn bộ ngôi chùa này.

Vào ngày 5/4, ngôi chùa này đã đón tiếp bà Tina Spicher, phó lãnh sự Đức, đến thăm và gặp gỡ các chư tăng ở đây. Trong thông điệp sau đó, bà Spicher cho biết là đã đến theo lời mời của chùa Thiên Quang để tham dự buổi lễ kêu gọi tự do tôn giáo và chấm dứt nạn buôn người. Bà nói thêm là đã chứng kiến tận mắt những gì mà cơ sở tâm linh này đã làm.

Đến ngày 7/4, chùa Thiên Quang tiếp một viên chức của tổng lãnh sự Mỹ trong một cuộc gặp gỡ và trao đổi liên quan đến các vấn đề tại ngôi chùa, điển hình là những quyết định cưỡng chế chùa Thiên Quang từ bạo quyền huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.

Đại đức Thích Thiên Thuận, trụ trì chùa Thiên Quang, cho biết trong các chuyến thăm viếng, các nhà ngoại giao đã bày tỏ sự quan tâm đến hiện trạng của ngôi chùa trước những quyết định cưỡng chế từ phía bạo quyền. Đại đức Thích Thiên Thuận cho biết nhà ngoại giao Đức khẳng định sẽ có văn thư gửi bạo quyền, liên quan đến lệnh tháo dỡ cơ sở này.

Cần biết chùa Thiên Quang, tọa lạc tại xã Hòa Bình, là một cơ sở tôn giáo độc lập được hình thành từ năm 2000 và là nơi sinh hoạt cho tăng chúng và đạo tràng trong khu vực này. Vào ngày 17/3, họ nhận được lệnh tháo dỡ của bạo quyền hôm 17/3, nội dung yêu cầu di dời tài sản và hiện vật ra khỏi công trình này trong vòng 20 ngày.

Tờ Công an nói rằng ông Thích Thiên Thuận, thế danh Đặng Phước Bình dưới sự hậu thuẫn, tài trợ của nhóm tự xưng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” cùng sự lôi kéo của một số cá nhân tại địa phương để liên tục cơi nới, mở rộng “Cốc Thiên Quang” thành một cơ sở thờ tự bất hợp pháp với nhiều hạng mục xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

2/ BẠO QUYỀN CAO BẰNG ÉP NHIỀU TÍN ĐỒ DƯƠNG VĂN MINH PHẢI BỎ ĐẠO

Bạo quyền xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm tỉnh Cao Bằng, đang ép buộc người dân Hmong ở địa phương phải ký giấy từ bỏ đạo Dương Văn Mình mà họ gọi là tà đạo.

Một người dân Hmong ở xóm Nà Héng cho biết biến cố này xảy ra vào ngày 12/4. Theo đó, một đoàn quan chức xã lên đến 15 người, cầm đầu bởi phó bí thư xã là Ma Thị Hiền và trưởng công an xã Nông Văn Biên, kéo đến ép người dân ký vào giấy từ bỏ đạo Dương Văn Minh.

Người này cho biết một ngày sau khi xảy ra sự việc vẫn bị đau tay do bị công an địa phương bẻ gập. Khi một người dân khác chất vấn tại sao trước đó nhà cầm quyền xã nói vận động người dân tự nguyện ký cam kết mà giờ đây lại ép ký, phó chủ tịch xã Thào A Sóng nói “đã vận động nhiều lần, các ông bà không chịu ký thì giờ phải ép ký theo lệnh của cấp trên”. Một lúc sau có hơn 60 công an huyện kéo đến để trấn áp, ép người khác ký giấy cam kết. 

Năm 1989, ông Dương Văn Mình, một người Hmong khi đó 28 tuổi nói với những người Hmong khác rằng, tục cúng ma tốn kém của họ phải kết thúc. Ông nói chính mình là người được Chúa đề cử để hướng dẫn người dân bỏ tục cúng ma.

Người dân ở Nà Héng cho biết đây là lần thứ hai chính quyền xã Nam Quang thành lập đoàn công tác đến xóm này để buộc người chủ hộ gia đình phải ký vào bản cam kết. Vào tuần trước, phái đoàn quan chức xã vào xóm Nà Héng để phá bàn thờ của người Hmong và ép các tín đồ theo đạo Dương Văn Mình ký vào giấy cam kết bỏ đạo.

Cần biết là vào tháng 3 năm 2021, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, phó tư lệnh quân khu 2 kiêm ủy viên quốc phòng và an ninh của quốc hội VN, đã phát biểu là đạo Dương Văn Mình chỉ cải thiện các thủ tục ma chay lạc hậu của người Hmong chứ không chống nhà nước.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Cường tại Học viện Chính trị Quốc gia Sài Gòn cũng khẳng định rằng đạo Dương Văn Mình giúp người Hmong đỡ tốn kém, tiết kiệm thời gian trong tang lễ và cưới xin.

3/ MẤT HƠN 100 CUỐN SÁCH QUÝ Ở VIỆN HÁN – NÔM

Vào tháng 3 vừa qua, hơn 100 cuốn sách cổ tại viện Nghiên cứu Hán Nôm đã bị mất cắp, đa số đều được xem là kho báu của nền văn hóa VN. Ngoài ra còn có hàng trăm quyển khác đã bị hư hỏng nặng.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một chuyên gia cao cấp của viện này, cho biết những cuốn sách đã mất là các cổ vật có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, và đều có tuổi đời từ một trăm năm tuổi trở lên. Đây là vụ mất sách với số lượng lớn chưa từng xảy ra tại viện Nghiên cứu Hán Nôm trong 53 năm qua kể từ ngày thành lập.

Vụ này đã gây căm phẫn lớn trong giới sử học vì di sản Hán Nôm là những tài liệu không thể thay thế được như cuốn “Việt âm thi tập”', bản in năm 1729, hay “Hoàng Việt địa dư chí'” có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các cuốn sách này được giao cho viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giữ gìn, bảo quản và viện Nghiên cứu Hán Nôm trực tiếp được giao quản lý. Mỗi cuốn sách bị mất được đặt trong một hộp giấy rất cứng, bên ngoài có dán mã vạch.

Theo nhận định ban đầu của của Tiến sĩ Diện thì kẻ gian rất thông thạo kho sách, biết rõ vị trí của các cuốn sách này. Kẻ gian lấy sách cổ, bỏ lại các hộp giấy này tại hiện trường, tại vị trí cũ nên rất khó phát giác.

Liên quan đến hàng trăm cuốn sách cổ bị hư nát ở nhiều cấp độ khác nhau, hơn một trăm cuốn đã nát vụn không thể phục chế được, ông Diện cho biết ông "vô cùng đau xót". Lý do là vì giữ được qua bao nhiêu cuộc chiến tranh binh lửa, với biết bao mồ hôi xương máu của tiền nhân đã đổ xuống để giữ gìn cho đến hôm nay.

No comments:

Post a Comment