Tuesday, April 25, 2023

Tin Tức: Thứ Ba 25.04.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Hải Nguyên trình bày sau đây.

1) GIÁM SÁT NHÂN QUYỀN CÁO BUỘC VN BẮT CÓC ÔNG ĐƯỜNG VĂN THÁI

Tổ chức Giám Nhân quyền (HRW) cáo buộc bạo quyền Việt Nam đã bắt cóc ông Đường Văn Thái, người thường chỉ trích nhà nước VN và được LHQ cấp quy chế tị nạn ở Thái Lan sau khi đào thoát đến đây vào năm 2019.

Ông Phil Robertson, giám đốc chi nhánh Á châu của tổ chức Giám sát Nhân quyền, cáo buộc là các mật vụ VN đã bắt cóc ông Thái trên đường phố, gần nơi cư trú của ông ở tỉnh Pathum Thani. Ông Robertson mạnh mẽ yêu cầu giới chức Thái Lan phải điều tra vụ này.

Theo bà Grace Bùi, một người hoạt động nhân quyền trợ giúp người tị nạn ở Thái Lan và có mặt tại buổi họp báovào  hôm 20/4, ông Thái sẽ không bao giờ tự nguyện quay trở lại Việt Nam.

Bạn bè của ông cho biết là ông Thái đã biến mất sau khi có cuộc phỏng vấn tái định cư tại văn phòng của Cao ủy Tỵ nạn LHQ ở Bangkok. Bà  Bùi cho biết các nhân chứng kể lại với bà là 2 chiếc xe hơi màu trắng, một chiếc đằng trước và một chiếc đằng sau, đã chặn xe máy của ông Thái trên đường vào chiều ngày 13/4.

Ông Thái, người bị báo chí lề đảng VN gọi là một “đối tượng phản động”, đến Thái Lan năm 2019 và được cấp quy chế tỵ nạn từ năm 2020. Trước khi bị bắt, ông Thái đang xin tỵ nạn ở một nước thứ 3. Ông Thái, từng là một phóng viên báo nhà nước, thường đăng tải các video bình luận chỉ trích lãnh đạo Việt Nam cho hơn 120 ngàn độc giả theo dõi trên YouTube.

Cần biết là các tổ chức quốc tế gồm Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) và Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đã lên án việc mà họ gọi là “bắt cóc” và giam giữ ông Thái, đồng thời kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do cho ông ngay lập tức.

2/  CÔNG AN ĐÁNH ĐẬP NGƯỜI BIỂU TÌNH CHỐNG DỰ ÁN XẢ THẢI Ở ĐẮC LẮC

Hàng trăm người Ê-đê ở huyện Cư Kuin đã bị công an trấn áp thô bạo khi biểu tình phản đối dự án xả thải vào hồ nước vào ngày 21/4 vừa qua.

Theo nhà cầm quyền tỉnh Đắc Lắc, dự án thoát nước khu trung tâm hành chính huyện Cư Kuin được thực hiện nhằm đưa nước mưa từ các cơ quan của huyện vào hồ nước ở xã Ea Bhốk. Tuy nhiên người dân xung quanh hồ phản đối dự án này vì lo ngại là nước thải bị đưa vào hồ có thể gây ô nhiễm môi trường cũng như gây ngập lụt ở khu vực gần hồ.

Trong hai ngày 20 và 21/4 vừa qua, hàng chục công an với dùi cui và khiên chắn đã kéo đến để trấn áp người dân và trợ giúp để thực hiện phần cuối cùng của dự án, đó là tuyến đường ra cửa xả đổ ra hồ nước với chiều dài hơn 870 thước và chiều rộng 10 thước.

Theo hình ảnh cung cấp bởi người dân địa phương, hàng chục công an đối đầu với người dân mà đa số là phụ nữ Ê-đê. Tất cả đều kiên quyết phản đối dự án nói trên, với 12 người bị công an bắt giữ đưa về đồn. Một nhân chứng cho biết là có 3 người bị đánh trọng thương với các vết thương ở đầu, miệng, tai và vai.

Cần biết dự án nói trên có mức đầu tư gần 40 tỷ đồng, được phê duyệt vào năm 2019. Nhà cầm quyền tỉnh Đắc Lắc cũng khảo sát tác động môi trường, mức độ an toàn hồ đập và tác động đến đời sống người dân trong khu vực đối với dự án. Theo kết quả khảo sát, dự án được cho là không ảnh hưởng đến môi trường, đất đai, khí hậu và nguồn nước sinh hoạt của người dân xung quanh. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, việc khảo sát này không phản ánh đúng thực tế.

Trong ngày 20/4, nhà cầm quyền nêu quyết tâm sẽ thi công phần còn lại của dự án, coi mọi hành động cản trở việc thi công là trái pháp luật. Theo báo chí lề đảng, nhà cầm quyền cảnh báo sẽ trừng phạt nghiêm khắc những người phản đối, nhưng không đề cập gì đến vụ đàn áp trong ngày 21/4.

3/ CHI TIÊU QUÂN SỰ CỦA KHỐI ÂU CHÂU LÊN ĐẾN MỨC CAO NHẤT

Theo báo cáo mới nhất của viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, tổng chi tiêu quân sự ở Âu châu trong năm 2022 đã lên đến mức cao nhất kể từ khi kết thúc cuộc “Chiến Tranh Lạnh”.

Theo báo cáo này, tính trên toàn thế giới, chi tiêu cho quốc phòng vào năm ngoái đã lên đến mức kỷ lục hơn 2200 tỷ Mỹ kim, chiếm hơn 2% tổng sản lượng nội địa toàn cầu. Đây là năm thứ tám liên tiếp mà số tiền đầu tư cho các quân đội gia tăng trên toàn thế giới.

Ông Nan Tian, một trong số các tác giả của báo cáo, cho biết là mức gia tăng này không chỉ là do cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine, mà còn do các căng thẳng ở Đông Á, giữa Trung Cộng và Mỹ cùng các đồng minh Á châu.

Theo báo cáo nói trên, vào năm ngoái, đánh dấu bằng việc Nga xâm lược Ukraine, chi tiêu quân sự của Âu châu đã tăng đến 13%. Đây là mức tăng cao nhất từ hơn 30 năm qua, bằng với mức của năm 1989, năm mà bức tường Berlin sụp đổ. 

Riêng Ukraine đã tăng gấp 7 lần chi tiêu quốc phòng, lên đến 44 tỷ Mỹ kim, chưa kể hàng chục tỷ Mỹ kim viện trợ vũ khí của phương Tây. Cũng theo thẩm định của viện nghiên cứu nói trên, chi tiêu quân sự của Nga đã tăng hơn 9% vào năm ngoái.

Ông Nan Tian nhấn mạnh là cho dù không tính đến cuộc chiến nói trên, chi tiêu quân sự của Âu châu cũng đã gia tăng đáng kể. Vào năm ngoái, chỉ riêng Hoa Kỳ đã chiếm tới 39% chi tiêu quân sự toàn thế giới, đứng thứ hai là Trung Cộng là 13%, cả hai vượt xa các nước như Nga, Ấn Độ, Saudi Arabia.

4/ PHÁT NGÔN BỪA BÃI,  ĐẠI SỨ TRUNG CỘNG TẠI PHÁP BỊ CHỈ TRÍCH DỮ DỘI

Trong mấy ngày qua, ông Lư Sa Dã, đại sứ Trung Cộng tại Pháp, đã hứng một cơn bão chỉ trích dữ dội chỉ vì câu tuyên bố phủ nhận chủ quyền của Ukraine và các nước thuộc khối Liên Xô trước đây, đặc biệt là 3 nước Litva, Latvia và Estonia ở biển Baltic.

Vào hôm 24/4, ông Lư Sa Dã và các đại sứ Trung Cộng ở ba quốc gia Baltic đã bị mời lên bộ ngoại giao để giải thích về câu tuyên bố của họ Lư vào ngày 21/4, theo đó thì các nước này là không đủ có chủ quyền.

Theo nhật báo Le Monde, đại sứ Trung Cộng ở Paris được mời lên bộ ngoại giao về các tuyên bố khiêu khích của mình. Cùng ngày, theo lời ngoại trưởng Litva, thì trong ngày hôm qua, ba quốc gia Litva, Latvia và Estonia cũng triệu tập các đại sứ Trung Cộng tại nước họ lên bộ ngoại giao để yêu cầu giải thích về lời lẽ của họ Lư.

Theo ngoại trưởng Litva, các nước Baltic muốn biết là phải chăng quan điểm của Trung Cộng về độc lập đã thay đổi và nhắc nhở Bắc Kinh là ba nước Baltic không phải là các quốc gia hậu Xô Viết mà là các nước đã bị Liên Xô chiếm đóng trái phép.

Cần biết là đại sứ Trung Cộng tại Pháp, ông Lư Sa Dã, nổi tiếng với các tuyên bố khiêu khích và đã nhiều lần bị bộ ngoại giao Pháp khiển trách như  lời nói dối về các viện dưỡng lão ở Pháp vào thời đại dịch Vũ Hán, hay những lời lẽ xúc phạm nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz...

Ngay từ hôm 21/4, Paris và thủ đô các nước Baltic đã cực lực lên án họ Lư về các phát biểu bừa bãi của ông này trên một đài truyền hình tư nhân, theo đó bán đảo Crimea là của Nga, còn chủ quyền của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ không có cơ sở.

 

No comments:

Post a Comment