Sunday, April 9, 2023

Việt Nam Tuần Qua

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Bảo Trân: Thưa anh HD, vào thứ Tư 12/4 sắp tới đây, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng sẽ bị đem ra xét xử. Thưa anh, có gì đặc biệt trong vụ xét xử này không?

Hướng Dương: Thưa chị, Phiên tòa sơ thẩm xét xử nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12/4/2023. Điều đặc biệt, phiên tòa sẽ được “xử kín” thay vì công khai như các phiên xử thông thường. Thông báo trên được tòa án thành phố Hà Nội đưa ra hôm 30/3, chỉ 06 ngày sau khi Viện Kiểm sát cùng cấp ra bản Cáo trạng với nhà hoạt động trên.

Ông Nguyễn Lân Thắng, 48 tuổi, một nhà hoạt động nhân quyền sinh sống tại Hà Nội, bị bắt hôm 5/7/2022. Ông bị cáo buộc vi phạm điều 117- BLHS “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Phiên “xử kín” ông Nguyễn Lân Thắng diễn ra trong bối cảnh giới luật sư nhân quyền Việt Nam đang bị đàn áp dữ dội. Ít nhất 5 luật sư, những người chuyên nhận bào chữa cho các vụ án chính trị đang đối mặt với những cáo buộc tùy tiện từ nhà cầm quyền. Giới hoạt động trong nước lo lắng sẽ không được biết bất cứ thông tin gì về ông Thắng trong phiên tòa sắp tới.

Bảo Trân: Vào tuần qua, một cựu TNLT tiếp tục bị công an khủng bố, anh có tin thêm gì về việc này

Hướng Dương: Thưa chị, vào sáng 31/3, công an huyện Định Quán (Đồng Nai) đã triệu tập cựu TNLT Nguyễn Thị Ngọc Sương lên làm việc. Lý do được bà Sương giải thích là vì hai ngày trước, bà đã đến trụ sở Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai để quan sát phiên toà phúc thẩm của YouTuber Nguyễn Thái Hưng và vợ chưa cưới Vũ Thị Kim Hoàng. Bà bị an ninh đuổi khỏi khu vực xử án sau đó bị triệu tập.

Tại buổi làm việc, một viên công an mặc thường phục, không đeo bảng tên đã tuyên bố từ nay “cứ mấy ngày tôi sẽ thăm chị một lần”.

Kể từ khi ra tù đến nay được ba tháng, bà Sương liên tục bị công an địa phương sách nhiễu, khủng bố.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương bị bắt cùng bà Vũ Thị Dung hồi tháng 10/2018 và bị xét xử trong cùng một vụ án với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”. Bà Sương bị kết án 05 năm tù giam và bà Dung nhận bản án 06 năm tù giam. Bà Sương được ra tù sớm hơn thời hạn 10 tháng.

Trong thời gian ở tù, bà Sương bị mắc nhiều bệnh. Ra tù, bà đã tố cáo cán bộ trại giam ăn chặn tiền của gia đình bà, bắt tù nhân lao động quá sức và không được chăm sóc y tế khi bệnh tật.

 

Bảo Trân: Về vấn đề tôn giáo, có tin là chùa Thiên Quang tại Bà Rịa đã được lệnh phải tháo dỡ vì các vị sư ở đây không chịu gia nhập vào Giáo Hội quốc doanh… xin anh nói thêm về việc này.

Hướng Dương: Thưa chị và quý thính giả, Bạo quyền tỉnh Bà Rịa vừa ra lệnh tháo dỡ chùa Thiên Quang, được xây dựng từ năm 2000, nhưng vị sư trụ trì chùa này cho biết là nếu ông chịu gia nhập hàng ngũ Phật giáo quốc doanh thì ngôi chùa có thể được tồn tại.

Cần biết là ngôi chùa Thiên Quang tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, là một cơ sở tôn giáo độc lập được hình thành từ năm 2000. Đây là nơi sinh hoạt cho tăng chúng ở khu vực này. Từ khi các tu sĩ ở đây quyết định đi theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, một giáo hội không được bạo quyền VN công nhận, họ bị cho là “đưa vào tầm ngắm”.

Đại đức Thích Thiên Thuận, sáng lập chùa Thiên Quang, cho biết là rất bàng hoàng về quyết định tháo dỡ của nhà cầm quyền. Ông cho biết thêm là bạo quyền đã đến vận động tăng chúng gia nhập hàng ngũ Phật giáo quốc doanh nhưng các chư tăng đều từ chối vì muốn sinh hoạt độc lập. Đại đức Thích Thiên Thuận cho biết nếu ông thuận theo yêu cầu của bạo quyền thì họ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ông và ngôi chùa cũng như ông sẽ được “yên ổn”.

Hôm 17/3, nhà cầm quyền huyện Xuyên Mộc phát đi thông báo về việc “đề nghị di dời tài sản, hiện vật ra khỏi công trình” này, bao gồm cả tượng Phật và không gian thờ tự, trong vòng 20 ngày.

Hôm 5/4, bà Tina Spicher, phó lãnh sự Đức tại thành phố Sài Gòn, đến thăm ngôi chùa này và gặp gỡ các chư tăng ở đây. Trước đó, vào cuối năm 2021, giới ngoại giao phương Tây, bao gồm Đức và Mỹ, đã đến thăm chùa sau khi cơ sở này nhận được quyết định tương tự của chính quyền ký vào ngày 5/11. Sau đó, hai cơ quan ngoại giao của Đức và Mỹ đã gửi công hàm đến nhà cầm quyền, bày tỏ sự quan tâm của họ đối với ngôi chùa này, đồng thời kêu gọi VN tôn trọng quyền tự do tôn giáo.

 

Bảo Trân: Và cuối cùng, thưa anh, tổ chức Front Line Defenders khẳng định rằng tnlt Đỗ Công Đương bị giết trong tù, xin anh nói rõ thêm chi tiết…

Hướng Dương: Vâng, Tổ chức nhân quyền Front Line Defenders đưa tin nhà báo Đỗ Công Đương của VN vào danh sách 401 người đấu tranh cho nhân quyền trên thế giới bị sát hại trong năm 2022.

Cần biết là ông Đỗ Công Đương chết mà không rõ nguyên nhân trong nhà tù số 6, tỉnh Nghệ An, vào đầu tháng 8 năm ngoái và thi thể của ông không được giao cho gia đình.

Tổ chức quốc tế, có trụ sở tại thủ đô Dublin của Ái Nhĩ Lan, đã ghi tên ông Đương trong phần tưởng nhớ các nhà hoạt động nhân quyền đã thiệt mạng trong báo cáo về tình hình nhân quyền của thế giới năm vừa qua, công bố vào ngày 4/4.

Ông Đương sinh năm 1964 và hoàn toàn khoẻ mạnh trước khi bị bắt giữ năm 2018 với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Ông là một trong số nhiều tù nhân lương tâm chết trong thời gian thi hành án tù trong vài năm gần đây. Những người khác được ghi nhận là cựu giáo chức Đào Quang Thực, mục sư Đinh Diêm, ông Phan Văn Thu và Đoàn Đình Nam.

Trong báo cáo công bố vào hôm thứ Ba, tổ chức nói trên cho biết bạo quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp người hoạt động nhân quyền, bắt giữ và tiếp tục cầm tù dài hạn nhiều người đấu tranh cho quyền con người. Đồng thời xử dụng công cụ luật pháp để kiểm soát quyền truy cập thông tin và ngăn chặn quyền tự do ngôn luận trực tuyến.

Trong khi đó vào ngày 3/4, tổ chức Giám sát Nhân quyền cho biết hơn 160 tù nhân chính trị đang giam giữ ở Việt Nam chỉ vì thực hành các quyền căn bản của công dân.

 

No comments:

Post a Comment