Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ ÚC CẦN CHẤM DỨT IM LẶNG VỀ TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN TẠI VN
Trong thông báo mới nhất đưa ra trước khi có
cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Úc lần thứ 18 tại Hà Nội, tổ chức Giám sát
Nhân quyền kêu gọi chính phủ Úc cần chấm dứt việc giữ im lặng về tình hình nhân
quyền tại VN.
Bà Daniela Gavshon, giám đốc chi nhánh Úc
châu của tổ chức nói trên, vào hôm 20/4 cho biết là chính phủ Úc nên chấm dứt
việc phớt lờ các vụ đàn áp thô bạo về nhân quyền tại VN và nên xử dụng cơ hội
này để thảo luận nghiêm túc vấn đề này.
Cần biết là vào tháng 3 vừa qua, tổ chức Giám sát
Nhân quyền đã gửi một lá thư đến bộ ngoại giao
và bộ thương mại Úc, nội dung thúc giục chính phủ tập trung vào 3
ưu tiên về nhân quyền ở Việt Nam.
Lá thư cũng nhấn mạnh đến việc thủ tướng Úc Anthony
Albanese đã
không hề công khai đề cập về hồ sơ nhân quyền yếu kém của bạo quyền Việt Nam trong
các cuộc gặp gỡ với giới lãnh đạo Việt Nam vào cuối năm ngoái. Bà Gavshon khẳng
định là điều vô cùng quan trọng với nước Úc là gây áp lực để trả tự do cho các
tù nhân chính trị.
Ngoài trường hợp công dân Úc gốc Việt, ông Châu Văn Khảm 76
tuổi, bị giam giữ tùy tiện từ 4 năm qua, lá thư nêu rõ trường hợp những nhà đấu
tranh đang bị giam giữ như các ông Lê Văn Dũng, Lê Mạnh Hà, Trịnh Bá Phương,
Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng và bà Phạm Đoan Trang.
Theo bà Gavshon, nhiều điều luật hiện tại của Việt Nam hoàn toàn trái ngược với luật pháp nhân quyền quốc tế, đặc biệt là về ‘‘quyền tự do ngôn luận, quyền không bị giam giữ tùy tiện và quyền được xét xử công bằng”. Bà nhấn mạnh là Úc nên kêu gọi Việt Nam sửa đổi hoặc bãi bỏ một số điều khoản trong bộ luật hình sự và kể cả trong Hiến pháp, thường được bạo quyền xử dụng để khép tội người bất đồng chính kiến.
2/ ĐẶC NHIỆM THÁI
LAN VÀO CUỘC VỤ BẮT CÓC ÔNG ĐƯỜNG VĂN THÁI
Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Thái Lan đã mở cuộc điều tra
về vụ bắt cóc ông Đường Văn Thái, một người Việt tỵ nạn chính trị ở Bangkok
nhưng đột nhiên xuất hiện ở VN.
Cần biết là ông Đường Văn Thái, người thường xuyên đăng tải
các bài chỉ trích nhiều quan chức lãnh đạo nhà nước VN, với gần 120 ngàn người
theo dõi, đã bị mất tích ở gần nhà trọ thuộc tỉnh Pathum Thani vào chiều ngày
13/4. Qua ngày hôm sau, giới báo chí lề đảng loan tin là công an tỉnh Hà Tĩnh
đã bắt giữ ông này vè tội xâm nhập trái phép vào ngày 14/4.
Bà Grace Bùi, một nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc
Việt sống ở Bangkok nhiều năm qua, cho biết lực lượng cảnh sát đặc nhiệm đã
liên lạc với bà và nhóm bạn thân thiết của ông Thái để tìm hiểu thông tin về vụ
việc và khả năng ông bị bắt cóc bởi mật vụ Việt Nam.
Bà
Bùi cho biết vụ này lớn hơn vụ của nhà báo Trương Duy Nhất bị bắt cóc ở Bangkok
năm 2019 vì vụ ông Nhất có an ninh Thái Lan giúp đỡ, nhưng trong vụ này cảnh
sát Thái hoàn toàn không có dính líu. Bà cho biết thêm
là song song với cuộc điều tra của cảnh sát Thái, nhóm của bà bắt đầu thu thập
thông tin và các camera an ninh về đường đi của ông Đường Văn Thái trước khi bị
mất tích để phản bác thông tin mà phía Việt Nam đưa ra.
Mục tiêu của nhóm là lấy lại công bằng cho Đường Văn Thái 41 tuổi, bảo vệ người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan, và cho thế giới biết rõ sự vi phạm nhân quyền của Hà Nội cho dù quốc gia này đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, bà nói.
3/ INDONESIA TỐ CÁO TÀU CÁ VIỆT TIẾP TỤC XÂM PHẠM LÃNH HẢI
Các tàu cá VN vẫn tiếp tục xâm phạm lãnh hải
của Indonesia, bất chấp các thỏa thuận về phân định vùng đặc quyền kinh tế mà
hai bên đã đạt được vào cuối năm ngoái.
Tổ chức Indonesia Ocean Justice Initiative cho
biết như trên sau khi đã giám sát các hoạt động của tàu cá Việt và tàu tuần tra
VN có mặt tại vùng biển bắc quần đảo Natuna kể từ tháng Giêng đến này. Tổ chức
này khẳng định các tàu cá Việt trong năm nay không có thay đổi nào so với năm
ngoái.
Vào tháng 12 năm ngoái, Hà Nội và Jakarta đã kết
thúc các vòng đàm phán kéo dài 12 năm về đường biên giới trên biển, căn cứ theo
Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Hai bên hy vọng thỏa thuận
này sẽ giúp hạ giảm xung đột giữa các tàu Việt Nam và Indonesia cũng như cải
thiện an ninh biển cả cho hai nước.
Tuy nhiên cho đến nay, thoả thuận này vẫn chưa
được phía Indonesia chấp thuận. Ba tháng sau khi kết thúc đàm phán, cả Việt Nam
và Indonesia đều không công bố được giải thích nào hay bản vẽ nào về đường biên
giới chính xác bắt đầu từ đâu và kéo đến đâu.
Vùng biển bắc Natuna do Indonesia kiểm soát được
coi là giàu tài nguyên và nằm sát biên giới trên biển giữa hai nước. Nhiều năm
qua, hai nước đã phải chật vật giải quyết các xung đột liên quan đến khu vực
này khi tàu cá Việt Nam liên tục bị phía Indonesia bắt giữ.
Vào tháng trước, các ngư dân Việt Nam bị giam giữ tại đảo Tanjung Pinang đã kêu cứu về tình trạng của họ. Họ cho biết khoảng 30 ngư dân hiện đang bị Indonesia giam cầm tại đây với cáo buộc đánh bắt cá trộm. Phần đông trong số họ đã bị giam giữ từ 3 đến 4 năm và vẫn chưa biết đến bao giờ mới được về nước vì chi phí hồi hương quá cao.
4/ TƯ LỆNH
HẠM ĐỘI THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA NGA BỊ SA THẢI
Tư lệnh hạm đội Thái bình dương của Nga, Đô
đốc Sergei Avakyants, bị thuyên chuyển trong lúc hạm đội này đang tập trận ở
biển Okhotsk và eo biển Bering.
Tổng thống Vladimir Putin, cũng là tổng
tư lệnh quân đội Nga, đã ra lệnh này. Ông Avakyants được thuyên chuyển sang lo
chỉ huy mảng huấn luyện và giáo dục lòng ái quốc, được quan chức Nga phụ trách
vùng Viễn Đông xác nhận vào hôm qua 20/4.
Đô đốc Sergei Avakyants 66 tuổi, giữ chức
tư lệnh hạm đội này từ năm 2012, đã được điều động nhận nhiệm vụ mới, nhưng
không cho biết người thay thế là ai.
Vào thứ Sáu tuần trước, bộ trưởng quốc
phòng Nga Sergei Shoigu ra lệnh cho Hạm đội Thái bình dương bắt đầu “tuần
thanh tra tính sẵn sàng chiến đấu" với toàn bộ 25 ngàn quân nhân, 167 chiến
hạm, tàu hỗ trợ và 12 tàu ngầm. Một phần của cuộc thanh tra là hoạt động
diễn tập trên không, trên biển, dưới đáy biển và trên bộ ở vùng phía nam của biển
Okhotsk.
Được biết vùng đảo nam Kurils cũng nằm
trong phạm vi cuộc tập trận có tàu ngầm và phi cơ tham gia. Quân Nga diễn tập
phản công bằng hỏa tiễn và đổ bộ trên vùng đất mà nước Nhật đang tranh chấp
với Nga sau thế chiến II.
Các hoạt động của Nga ở vùng Viễn Đông luôn được Nhật Bản và Hoa Kỳ theo dõi kỹ, nhất là sau khi Trung Cộng cùng Nga tuyên bố tăng cường hợp tác quân sự.
No comments:
Post a Comment