Friday, April 7, 2023

Tin Tức, Thứ Sáu 07.03.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.

1) BẠO QUYỀN VN ÉP BUỘC THÁO DỠ CHÙA THIÊN QUANG

Bạo quyền tỉnh Bà Rịa vừa ra lệnh tháo dỡ chùa Thiên Quang, được xây dựng từ năm 2000, nhưng vị sư trụ trì chùa này cho biết là nếu ông chịu gia nhập hàng ngũ Phật giáo quốc doanh thì ngôi chùa có thể được tồn tại.

Cần biết là ngôi chùa Thiên Quang tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, là một cơ sở tôn giáo độc lập được hình thành từ năm 2000. Đây là nơi sinh hoạt cho tăng chúng ở khu vực này. Từ khi các tu sĩ ở đây quyết định đi theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, một giáo hội không được bạo quyền VN công nhận, họ bị cho là “đưa vào tầm ngắm”.

Đại đức Thích Thiên Thuận, sáng lập chùa Thiên Quang, cho biết là rất bàng hoàng về quyết định tháo dỡ của nhà cầm quyền. Ông cho biết thêm là bạo quyền đã đến vận động tăng chúng gia nhập hàng ngũ Phật giáo quốc doanh nhưng các chư tăng đều từ chối vì muốn sinh hoạt độc lập. Đại đức Thích Thiên Thuận cho biết nếu ông thuận theo yêu cầu của bạo quyền thì họ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ông và ngôi chùa cũng như ông sẽ được “yên ổn”.

Hôm 17/3, nhà cầm quyền huyện Xuyên Mộc phát đi thông báo về việc “đề nghị di dời tài sản, hiện vật ra khỏi công trình” này, bao gồm cả tượng Phật và không gian thờ tự, trong vòng 20 ngày.

Hôm 5/4, bà Tina Spicher, phó lãnh sự Đức tại thành phố Sài Gòn, đến thăm ngôi chùa này và gặp gỡ các chư tăng ở đây. Trước đó, vào cuối năm 2021, giới ngoại giao phương Tây, bao gồm Đức và Mỹ, đã đến thăm chùa sau khi cơ sở này nhận được quyết định tương tự của chính quyền ký vào ngày 5/11. Sau đó, hai cơ quan ngoại giao của Đức và Mỹ đã gửi công hàm đến nhà cầm quyền, bày tỏ sự quan tâm của họ đối với ngôi chùa này, đồng thời kêu gọi VN tôn trọng quyền tự do tôn giáo.

2) PHÁI ĐOÀN NGHỊ SĨ MỸ THẢO LUẬN VỀ VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN TẠI VN

Một phái đoàn gồm năm Thượng nghị sĩ và Dân biểu Mỹ sẽ tới thăm Việt Nam và Indonesia trong hai tuần tới đây để thảo luận một loạt các vấn đề bao gồm như nhân quyền, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của Trung Cộng trong khu vực.

Thông cáo của Thượng nghị sĩ tiểu bang Oregon Jeff Merkley, thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, vào hôm 5/4 cho biết mục đích của chuyến đi lần này là để tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các thành viên ASEAN.

Tham gia phái đoàn là Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, Dân biểu Pramila Jayapal, Lloyd Doggett và Ilhan Omar. Thông cáo của ông Jeff Merkley nói rằng Việt Nam và Indonesia là những đối tác quan trọng của Mỹ và chỉ có làm việc cùng nhau mới có thể giải quyết các thách thức hiện nay.

Trong chuyến đi kéo dài 8 ngày, phái đoàn sẽ có 35 cuộc gặp gỡ với các quan chức chính phủ của các tổ chức thuộc ASEAN và xã hội dân sự, cộng đồng người Mỹ làm việc ở cả hai nước.

Tại Việt Nam đoàn sẽ tìm hiểu về di sản chiến tranh và các nỗ lực hướng đến hòa giải, bao gồm các dự án rà phá bom mìn, xử lý dioxin, tù nhân chiến tranh, những người mất tích trong chiến tranh, giúp đỡ các trẻ em bị ảnh hưởng do hậu quả chiến tranh.

Đoàn cũng sẽ đi thăm vùng đồng bằng sông Mekong vốn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng nước biển dâng lên, thảo luận với các sinh viên và chuyên gia về biến đổi khí hậu.

3/ QUY ĐỊNH THU PHÍ VÀO PHỐ CỔ HỘI AN GÂY BÃO TRÊN MẠNG

Theo kế hoạch của VN, mọi du khách trong nước và quốc tế đến khu phố cổ Hội An phải mua vé trước khi tiến vào. Giá vé cho khách quốc tế là 120 ngàn đồng, khách nội địa là 80 ngàn đồng, bắt đầu từ ngày 15 tháng 5 năm 2023.

Vào ngày 5/4,  ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch Hội An, tuyên bố thành phố này là di sản văn hóa thế giới thì toàn thể khu phố là di sản chứ không riêng một di tích nào. Theo ông này thì nguồn thu từ vé vào cửa là nhằm mục đích tu sửa di tích và cải tạo hạ tầng cơ sở. Do đó, mọi du khách đến tham quan Hội An phải có “trách nhiệm mua vé”.

Tuy nhiên quyết định này vẫn gây bão trên mạng dư luận, với nhiều người cho rằng phương thức tận thu này đã tạo hình ảnh xấu cho du lịch Việt Nam, vì không ai phải trả tiền vé khi vào một thành phố cả, cho dù đó là phố cổ.

Theo báo cáo năm 2019 của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết là mỗi năm đơn vị đã nhận tiền từ khá nhiều dự án và chương trình của các chính phủ và tổ chức quốc tế như quỹ Đại sứ Canada, quỹ Đại sứ Hoa kỳ, quỹ Công chúa Hòa Lan, quỹ JICA Nhật Bản.

4/ ĐỀ NGHỊ BA LAN LẬP LIÊN MINH CUNG CẤP CHIẾN ĐẤU CƠ CHO UKRAINE

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào hôm 5/4 cho biết là Ba Lan sẽ giúp thành lập một liên minh các cường quốc phương Tây để cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine.

Lời khẳng định nói trên được đưa ra trong lúc Ba Lan xác nhận sẽ viện trợ thêm 10 chiến đấu cơ Mig-29 cho Ukraine. Phát biểu tại thủ đô Warsaw trong chuyến viếng thăm Ba Lan, ông Zelensky khẳng định là Ba Lan đã đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy các nước phương Tây gửi chiến xa cho Ukraine. Ông Zelensky tin tưởng là Ba Lan có thể đóng vai trò tương tự trong một liên minh cung cấp máy bay cho Ukraine.

Trong khi đó, chính phủ Ba Lan cho biết sẽ viện trợ thêm 10 chiến đấu cơ Mig cho Ukraine, ngoài 4 chiếc được cung cấp trước đó. Tổng thống Ba Lan là người đã loan báo quyết định trên, đồng thời nhấn mạnh rằng Ba Lan sẵn sàng gửi toàn bộ đội máy bay bao gồm 28 chiếc Mig-29 của mình cho Ukraine.

Tuy nhiên hiện chưa có thỏa thuận nào từ phía Hoa Kỳ hoặc một nước cung cấp viện trợ quân sự lớn nào khác liên quan đến việc gửi các chiến đấu cơ F-16 của Mỹ mà Ukraine yêu cầu.

Về tình hình chiến sự, Tổng thống Zelensky đã công nhận là lực lượng Ukraine vẫn đang bảo vệ thành phố Bakhmut ở miền đông và đang gặp khó khăn trước các cuộc tấn công không ngừng của Nga.

Ông bác bỏ tuyên bố của Nga nói rằng đã chiếm được thành phố và khẳng định là quân Ukraine đang ở Bakhmut. Ngay cả thủ lãnh lực lượng đánh thuê Wagner của Nga cũng xác nhận là quân Ukraine chưa rời bỏ thành phố này.

5/ LẠI TIẾP TỤC BIỂU TÌNH TẠI PHÁP CHỐNG CẢI CÁCH HƯU BỔNG

Giới biểu tình tại Pháp đã gây gián đoạn giao thông tại phi trường chính yếu của Paris và cảnh sát đã bắn hơi cay vào các thành phố khác trong đợt đình công và biểu tình mới nhất ngày 6/4 chống lại các cải cách hưu bổng gây tranh cãi của Tổng thống Emmanuel Macron.

Cần biết là nỗ lực nâng tuổi nghỉ hưu trong nước từ 62 lên 64 tuổi của ông Macron đã châm ngòi cho cơn bão phẫn nộ của công chúng kéo dài hàng tháng trời. Các cuộc đàm phán giữa giới lãnh đạo nghiệp đoàn và Thủ tướng Elisabeth Borne đã kết thúc vào ngày 5/4 mà không có bước đột phá nào, khiến những người biểu tình quay trở lại đường phố.

Tuy nhiên số người đình công đã giảm, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải, kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng Giêng năm nay. Khoảng 400 ngàn người đã tham gia cuộc biểu tình ở Paris vào ngày hôm qua, giảm so với 450 ngàn người vào tuần trước đó.

Vào hôm qua, xe điện ngầm Paris hoạt động gần như bình thường, hoàn toàn trái ngược với những ngày trước đó. Theo bộ giáo dục, chưa đến 8% giáo viên đình công. Tuy nhiên nhà máy lọc dầu của Total-Energies khá lớn vẫn đóng cửa.

Cảnh sát đã giải tán những người biểu tình bạo động bằng hơi cay sau khi họ đập phá một chi nhánh của ngân hàng Credit Agricole. Các chuyên gia cho rằng bạo lực xảy ra trong các cuộc biểu tình trên toàn quốc, với hàng chục người biểu tình và cảnh sát bị thương, đã khiến những bộ phận dân chúng ít hoạt động hơn mất hứng thú.

No comments:

Post a Comment