Tuesday, April 11, 2023

Tin Tức: Thứ Ba 11.04.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Thiên An trình bày sau đây.

1/ CÔNG AN LẠI TRIỆU TẬP LUẬT SƯ ĐẶNG ĐÌNH MẠNH

Bất chấp các phản đối của hội luật gia quốc tế, công an tỉnh Long An lại triệu tập LS Đặng Đình Mạnh lên đồn để hỏi về các cáo buộc cái gọi là tung tin “sai trái” trên mạng.

Theo bộ công an VN, một số luật sư trợ giúp pháp lý cho vụ Tịnh thất Bồng lai có dấu hiệu vi phạm luật an ninh mạng. Giấy triệu tập LS Mạnh lần thứ hai ghi ngày 7/4, có nội dung yêu cầu ông Mạnh phải có mặt tại trụ sở công an điều tra tỉnh Long An vào ngày 12/4.

Một luật sư trong nhóm luật sư bào chữa cho 6 thành viên Tịnh thất Bồng lai cho biết là không chỉ một mình LS Mạnh bị triệu tập liên quan đến tố cáo “lợi dụng quyền tự do dân chủ”.

Bình luận về việc công an tiếp tục triệu tập Luật sư Đặng Đình Mạnh, ông Phil Robertson, phó giám đốc Á châu của tổ chức Giám sát Nhân quyền, cho biết là điều luật 331 là một ví dụ ngớ ngẩn và trắng trợn nhất về việc bạo quyền VN cố ý vi phạm các công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị. Ông nhấn mạnh là điều này cho thấy “công lý đã chết ở VN” dưới chế độ độc đảng CSVN.

Vào đầu tháng trước, công an Long An đã gửi giấy triệu tập cho cả năm luật sư trong nhóm bào chữa cho vụ Tịnh thất Bồng lai. Tuy nhiên chỉ có hai Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc và Ngô Thị Hoàng Anh đến đồn công an làm việc. Đến thời điểm này, không bên nào tiết lội nội dung của buổi làm việc trên.

Năm luật sư Đặng Đình Mạnh, Đào Kim Lân, Nguyễn Văn Miếng, Trịnh Vĩnh Phúc và Ngô Thị Hoàng Anh tham gia bào chữa cho 6 thành viên của Tịnh thất Bồng lai khi họ bị cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Công an huyện Đức Hoà và Hoà thượng Thích Nhật Từ là bên nguyên đơn trong vụ án mà 6 thành viên nói trên bị kết tội tổng cộng 23 năm sáu tháng tù giam.

2/ KHU TRỤC HẠM MỸ TIẾN SÁT ĐẢO NHÂN TẠO TRUNG CỘNG Ở BIỂN ĐÔNG

Bạo quyền Trung Cộng vào hôm 10/4 đã giận dữ chỉ trích Hoa Kỳ đã để cho khu trục hạm Milius tiến sát Đá Vành Khăn thuộc Trường Sa trong chuyến hoạt động tự do hàng hải.

Thông báo của Hạm đội 7 nêu rõ khu trục hạm Milius tiến hành hoạt động bình thường trong vòng 12 hải lý của Đá Vành Khăn. Đây là một hòn đảo nửa chìm nửa nổi thuộc Trường Sa mà phía Trung Cộng cải tạo thành đảo nhân tạo, sau đó xây dựng một phi đạo và những cơ sở khác trên đó.

Hạm đội 7 của hải quân Hoa Kỳ nhắc lại là hòn đảo Đá Vành Khăn theo luật quốc tế không thể có vùng lãnh hải, hay hoạt động cải tạo, xây dựng những cấu trúc trên thực thể đó không làm thay đổi tính chất của vùng đá này.

Quân khu miền nam Trung Cộng lên tiếng đáp trả cho rằng Bắc Kinh có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo tại Biển Đông và những vùng nước quanh các đảo đó. Do đó việc chiến hạm Hoa Kỳ đi vào vùng nước 12 hải lý của Đá Vành Khăn là phi pháp nên lực lượng Trung Cộng đã giám sát và cảnh cáo phía Mỹ.

Cần biết là vào ngày 23/3 vừa qua, khu trục hạm Milius đi qua vùng biển Hoàng Sa. Trung Cộng cũng lên án vụ này và cho biết đã xua đuổi chiến hạm Mỹ, nhưng hải quân Hoa Kỳ phủ nhận cáo buộc này.

Biển Đông là một tuyến hàng hải được đánh giá có tính chiến lược trên thế giới, hằng năm lượng hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường này lên đến 5 ngàn tỷ USD. Ngoài ra đây là vùng biển dồi dào nguồn hải sản cũng như có tài nguyên dầu mỏ.

3/ NHẬT TĂNG CƯỜNG CẢNH GIÁC TÌNH HỈNH TẠI ĐÀI LOAN

Chính phủ Nhật vào hôm qua 10/4 xác nhận là trong nhiều ngày qua, chiến đấu cơ Nhật đã nhiều lần bay lên mỗi khi chiến đấu cơ Trung Cộng hạ cánh và cất cánh từ hàng không mẫu hạm Sơn Đông đang hiện diện ở ngoài khơi miền nam Đài Loan.

Trong một thông báo, bộ quốc phòng Nhật Bản cho biết họ đã giám sát hành tung của mẫu hạm Sơn Đông và các chiến hạm Trung Cộng đi tháp tùng ở khu vực phía nam đảo Miyako kể từ thứ Sáu 7/4. Thông báo nói rõ là tàu Trung Cộng được phát giác ở vùng biển cách đảo Miyako, ở cực nam Nhật Bản, từ 230 đến 430 cây số về phía nam.

Về các hoạt động của hải đội Trung Cộng, thông báo ghi nhận là có khoảng 120 lần hạ cánh và cất cánh trên mẫu hạm Sơn Đông, gồm có 80 lần chiến đấu cơ và 40 lần bằng trực thăng.

Để dự phòng bất trắc, quân đội Nhật đã huy động hai nhóm hộ tống để giám sát tàu Trung Cộng và chiến đấu cơ Nhật đã xuất kích để đáp trả các vụ cất cánh và hạ cánh nói trên. Đây là lần đầu tiên, bộ quốc phòng Nhật  xác nhận hoạt động của mẫu hạm Sơn Đông ở vùng Thái Bình Dương thông qua giám sát trực tiếp.

Vào hôm qua, giới chức cấp cao Nhật Bản và Trung Cộng đã gặp nhau tại thủ đô Tokyo để thảo luận về các mối quan ngại song phương liên quan đến vùng tranh chấp ở biển Hoa Đông.

Cuộc tiếp xúc nằm trong khuôn khổ các vòng đàm phán định kỳ bắt đầu vào năm 2012, lần này mở ra trong bối cảnh Trung Cộng tập trân thị uy quanh Đài Loan với các nội dung mô phỏng các cuộc tấn công đánh vào Đài Loan, sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ghé Hoa Kỳ và gặp chủ tịch hạ viện Mỹ Kevin McCarthy.

Về phía Tokyo, phát ngôn nhân chính phủ Nhật cho biết nước này rất quan tâm đến các cuộc tập trận của Trung  Cộng xung quanh Đài Loan.

No comments:

Post a Comment