Thursday, April 13, 2023

Tin Tức: Thứ Năm 12.04.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Miên Dương trình bày sau đây.

1/ GIA ĐÌNH CỰU TNLT PHẠM THANH NGHIÊN ĐANG TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN MỸ

Cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên cùng chồng là cựu TNLT Huỳnh Anh Tú và con gái khởi hành trên chuyến bay từ Sài Gòn vào 7:30 chiều ngày thứ Tư, 12/4/2023. Phóng viên đài DLSN liên lạc với bà Nghiên khi blogger này đang quá cảnh tại Doha, Qatar để chờ chuyến bay tiếp theo. Dự kiến, gia đình Phạm Thanh Nghiên-Huỳnh Anh Tú sẽ đến Mỹ vào chiều ngày 13/4 giờ địa phương, tức là khoảng rạng sáng ngày 14/4 giờ Việt Nam.

Nhân viên của Tổ chức IOM đón gia đình bà Nghiên tại phi trường Sài Gòn và giúp thực hiện các thủ tục cho chuyến đi. Hai viên chức  chính trị của Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ cũng tới phi trường Tân Sơn Nhất để tiễn đưa gia đình cựu TNLT này, đồng thời phòng hờ bất trắt xảy ra từ phía công an VN.

Bà Nghiên cho biết, gia đình bà đã phải đợi suốt hai tiếng mới được làm các thủ tục check-in vì gặp “một vài trục trặc” – theo như thông báo của nhân viên hàng không. Cuối cùng họ cũng được xuất cảnh và không gặp phải sự ngăn cản nào từ công an VN.

Phạm Thanh Nghiên là một trong những người bảo vệ nhân quyền kỳ cựu và bền bỉ được biết tới với nhiều hoạt động trong suốt hơn 10 năm trở lại đây. Năm 2008 bà từng bị bắt và bị kết án 4 năm tù giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN”. Chồng bà, ông Huỳnh Anh Tú cũng là một cựu tù nhân chính trị với mức án phải chịu lên đến 14 năm tù giam. Tháng 1/2019, căn nhà mới xây của họ cùng hơn 500 căn nhà khác tại vườn rau Lộc Hưng bị nhà cầm quyền san phẳng để cướp đất, nguyên cớ khiến gia đình bà phải tị nạn như hôm nay.

Nữ blogger này diễn tả việc mình từ một người đấu tranh cho dân chủ trước khi trở thành một dân oan là “một hành trình ngược”, khác với nhiều chiến sĩ dân chủ có xuất thân là những dân oan bị cướp đất. Sau khi căn nhà bị nhà cầm quyền đập tan, gia đình Phạm Thanh Nghiên đã nhiều lần phải thay đổi chỗ ở và từng bị một trong những chủ trọ hủy hợp đồng thuê nhà một cách bất thường.

Phạm Thanh Nghiên cũng là tác giả cuốn bút ký “Những mảnh đời sau song sắt”, xuất bản tại Mỹ vào cuối năm 2017. Bà trở thành cựu TNLT thứ hai, sau Hòa Thượng Thích Thiện Minh, viết và phát hành sách về chuyện tù đày khi còn ở trong nước, bất chấp nguy cơ bị bắt trở lại. Ít nhất 4 lần bà Nghiên bị triệu tập liên quan đến cuốn sách này.

2/ ÔNG NGUYỄN  LÂN THẮNG BỊ TUYÊN ÁN 6 NĂM TÙ

Bất chấp các vận động và chỉ trích của nhân quyền quốc tế, tòa án Hà Nội vào hôm qua đã kết án ông Nguyễn Lân Thắng 6 năm tù và 2 năm quản chế, theo tiết lộ của Luật sư Lê Đình Việt.

Ngay sau phiên tòa sơ thẩm của ông Thắng, ông Phil Robertson, phó giám đốc chi nhánh Á châu của Tổ chức Giám sát Nhân quyền, khẳng định là bản án dành cho ông Thắng là quá đáng và không chấp nhận được. Ông nói thêm là tình hình nhân quyền tại VN ngày nay hoàn toàn không được xem trọng.

Ông Nguyễn Lân Thắng bị công an thành phố Hà Nội bắt tạm giam hôm 5/7 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước CSVN”. Vào ngày 4/4 vừa qua, bà Lê Bích Vượng, vợ ông Thắng, nhận được giấy mời đến dự phiên xét xử và ngạc nhiên vì tòa quyết định xử kín vụ án này.

Bà Vượng nêu thắc mắc là những tài liệu được thu giữ tại nhà để quy tội cho chồng theo cáo buộc nói trên thì không có tài liệu nào là đóng dấu mật và cũng không nằm trong danh mục sách cấm. Do đó việc xử kín là điều không thể hiểu được, ngay cả ông Thắng cũng không đồng ý vì không có liên quan gì đến bí mật nhà nước.

Chỉ một ngày trước khi diễn ra phiên xét xử độc ác nói trên, 10 tổ chức nhân quyền quốc tế đã cùng nhau ra thông cáo chung, gửi đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, yêu cầu hủy bỏ cáo buộc đối với ông Nguyễn Lân Thắng và bảo đảm quyền được xét xử công minh, bằng cách cho phép báo chí và công chúng theo dõi phiên tòa.

Tuy nhiên phiên tòa xét xử vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch của bạo quyền VN và không ai được vào tham gia phiên tòa. Một số nhà đấu tranh cũng bị cô lập tại nhà và một số khác bị ngăn cản không cho tiến đến tòa án.

3/ LS ĐẶNG ĐÌNH MẠNH KHÔNG ĐẾN TRỤ SỞ CÔNG AN LONG AN

Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong 5 luật sư bào chữa cho các thành viên Tịnh thất Bồng lai, vào ngày hôm qua đã không đến đồn công an tỉnh Long An theo “lệnh mời”.

Theo công an tỉnh Long An, “lệnh mời” lần thứ hai đối với LS Mạnh là do có lời tố cáo từ cục an ninh mạng, nội dung cho biết đã phát giác LS Mạnh đã phát tán trên mạng các video và bài viết xâm phạm lợi ích nhà nước và quyền lợi hợp pháp của các tổ chức và cá nhân.

Trong năm luật sư tham gia bào chữa nói trên, còn có LS Đào Kim Lân cũng bị tố cáo như vừa nêu, nhưng không rõ là ông này có đến đồn công an theo “lệnh mời” hay không. Cần biết là vào đầu tháng Ba vừa qua, công an tỉnh Long An đã gửi giấy triệu tập lần thứ nhất cho cả năm luật sư trong nhóm. Tuy nhiên chỉ có hai Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc và Ngô Thị Hoàng Anh đến làm việc.

4/ ỦY BAN ÂU CHÂU GIÁM SÁT DƯ LƯỢNG THUỐC TRỪ SÂU TRONG BÚN VN

Bún, phở và bánh tráng được nhập cảng từ Việt Nam sẽ bị Ủy ban Âu châu (EC) giám sát dư lượng thuốc trừ sâu., theo thông báo của bộ công thương VN vào ngày 12/4 vừa qua.

Thông báo cho biết là tại Bỉ và Liên minh Âu châu đưa ra lời cảnh báo là nếu các công ty VN không quản trị tốt dư lượng thuốc trừ sâu trên các sản phẩm bún, phở và bánh tráng sản xuất từ gạo thì Âu châu sẽ đưa nhóm hàng này vào diện kiểm tra an toàn thực phẩm, tương tự như mì ăn liền.

Cũng theo Thương vụ VN tại Bỉ, trong năm 2023, khối Âu châu sẽ tập trung sửa đổi rất nhiều quy định mức dư lượng tối đa thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đối với các nhóm sản phẩm rau, củ, quả tươi và đông lạnh, cùng với nhóm các loại hạt, điều, cà phê, chè, nhóm sản phẩm gia vị, ngũ cốc, hạt có dầu và sản phẩm động vật trên cạn, thịt các loại, trứng sữa, mật ong…

Vào cuối tháng Giêng vừa qua, bộ công thương VN cho biết là khối Âu châu đã công bố danh sách kiểm soát an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, trái thanh long và mì tôm của Việt Nam khi xuất cảng vào thị trường Âu châu tiếp tục bị kiểm tra về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Sản phẩm mì tôm Việt Nam nhiều lần bị Âu châu và một số nước khác cảnh báo do chứa hóa chất bị cấm. Vào tháng 7 năm ngoái, giới chức trách Đài Loan cho biết đã tiêu hủy một số lô hàng mì ăn liền từ Việt Nam do dư lượng hóa chất bị cấm ở Đài Loan.

Cũng trong tháng 7 năm ngoái, Đức, Ba Lan và Malta đã thu hồi hoặc trả lại sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, vị cà ri, bánh phở nhập cảng từ Việt Nam do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của Âu châu.

5/  NAM HÀN THU HỒI SẢN PHẨM ỚT VIỆT VÌ DƯ LƯỢNG THUỐC TRỪ SÂU

Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Nam Hàn vừa ra thông báo thu hồi các sản phẩm ớt VN sau khi phát giác dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng tiêu chuẩn đến 10 lần.

Ngoài việc thu hồi, bộ này còn thông báo ngừng bán ớt Việt Nam, theo bản tin của giới báo chí Nam Hàn vào ngày 12/4. Sản phẩm bị thu hồi là ớt VN có năm sản xuất 2021 và 2022 được nhập cảng từ công ty JM Food và công ty thực phẩm Daelim Global. Sản phẩm được nhập cảng dưới dạng ớt đỏ đông lạnh, sấy khô và chia nhỏ để bán tại Nam Hàn.

Phía Nam Hàn cho biết trong các sản phẩm này có phát hiện chất tricyclazole, một loại thuốc trừ sâu được xử dụng chủ yếu trong canh tác, vượt tiêu chuẩn cho phép.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Gia vị Việt Nam, vào năm ngoái, Việt Nam xuất cảng được khoảng 5 ngàn tấn ớt, có trị giá 12 triệu Mỹ kim.  Nam Hàn là thị trường xuất cảng lớn thứ ba của Việt Nam. Trong hai tháng đầu năm 2023, tổng xuất cảng của Việt Nam sang Nam Hàn đạt 3.79 tỷ Mỹ kim. Nhóm hàng gia vị, trong đó có ớt Việt Nam, được thị trường này khá ưa chuộng.

No comments:

Post a Comment