Monday, April 24, 2023

Tin Tức: Thứ Hai 24.04.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, Minh Nguyệt & Nguyên Khải mời quý thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.

1/ PHỐ NÚI KON TUM NGẬP NHƯ SÔNG SAU TRẬN MƯA LỚN

Một trận mưa lớn khiến nhiều tuyến đường tại thành phố Kon Tum bị ngập hơn 1 thước nước, gây nguy hiểm cho xe cộ và làm xáo trộn đời sống của người dân vào hôm qua, Chủ nhật 23/4.

Từ 4 giờ chiều ngày Chủ nhật, các đợt mưa lớn kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ khiến nhiều tuyến đường như Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu và Lê Hồng Phong ngập sâu trong nước.

Xe cộ qua lại vô cùng khó khăn, thậm chí có xe chết máy ở ngay giữa đường khiến giao thông bị ứ động ở nhiều nơi. Đặc biệt trên đường Trần Hưng Đạo, ở đoạn giao với đường Phan Đình Phùng, từ nhiều năm qua thường xuyên xảy ra tình trạng ngập lụt, có đoạn kéo dài khoảng 200 thước.

Theo một người dân sống ở đường Trần Hưng Đạo, tình trạng ngập sâu trên tuyến đường này thường xuyên xảy ra. Sau mỗi cơn mưa lớn là tuyến đường lại ngập, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh và đời sống người dân.

Khu vực này có hàng trăm hàng quán buôn bán. Mỗi khi trời mưa, tuyến đường ngập khiến hàng quán đều phải đóng cửa. Không chỉ có như vậy, nước ngập vào nhà khiến nhiều đồ gia dụng bị hư hỏng hay chập cháy. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng các tuyến đường ngập sâu là do các cống nước hoạt động không hiệu quả.

Vào năm ngoái, trước những phản ánh của người dân, nhà cầm quyền tỉnh Kon Tum đã yêu cầu khẩn cấp triển khai các giải pháp trước mắt để giải quyết tình trạng ngập các tuyến đường. Tuy nhiên, tình trạng ngập lụt vẫn tiếp diễn tại thành phố trên cao nguyên này.

2) NHÀ VĂN ĐỐI KHÁNG DƯƠNG THU HƯƠNG ĐƯỢC TRAO GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC THẾ GIỚI CINO DEL DUCA.

Nhà văn đối kháng Dương Thu Hương, 76 tuổi vừa được Ban giám khảo Giải Cino Del Duca quyết định trao Giải thưởng Văn học Thế giới năm 2023. Giải thưởng trị giá € 200,000, nhằm vinh danh một “nhà văn lớn vì nhân cách và sự nghiệp xuất sắc, truyền đi thông điệp về chủ nghĩa nhân văn hiện đại”. Giải thưởng Cino-Del-Duca 2023 là một giải thưởng quan trọng, chỉ sau giải Nobel Văn học. 

Nhà văn Dương Thu Hương, tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết có giá trị như “Bên kia bờ ảo vọng”, “Những thiên đường mù”, “chốn vắng”…Các tác phẩm của nữ văn sĩ thể hiện sự phản kháng và lên án mạnh mẽ chế độ độc tài cộng sản Việt Nam. 

Nữ văn sĩ định cư tại Pháp từ năm 2006 đến nay. Trước năm 1975, Dương Thu Hương từng tình nguyện tham gia Thanh niên xung phong, phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, phục vụ trong một đoàn văn công trên chiến trường Bình Trị Thiên. Bà cũng nằm trong số những thanh niên miền Bắc tham gia cái gọi là “giải phóng miền Nam” để rồi sau ngày 30/4/1975, bà nhận thức được chủ nghĩa cộng sản là một sự lừa bịp.

Các tác phẩm văn chương của nhà văn Dương Thu Hương bị cấm tại Việt Nam vì lý do chính trị.

Lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Hội trường Mái Vòm của Institut de France, Viện Hàn lâm Pháp vào ngày 21/06 tới. 

3/ MỸ - PHÁP DI TẢN NHÂN VIÊN VÀ KIỀU DÂN RA KHỎI SUDAN

Cuộc nội chiến tại quốc gia Sudan ở Phi châu đã bước sang tuần lễ thứ nhì, với hơn 420 người chết và hàng ngàn người khác bị thương.

Vào hôm Chủ nhật 23/4, chính phủ Pháp thông báo chiến dịch di tản cấp tốc các công dân Pháp và nhân viên ngoại giao. Tòa đại sứ Mỹ tại thủ đô Khartoum cũng tạm ngưng hoạt động, với Tổng thống Joe Biden ra lệnh quân đội di tản nhân viên đến những nơi an toàn.

Bộ ngoại giao Pháp đã mở chiến dịch di tản các công dân và nhân viên ngoại giao của Pháp cũng như một số nước đồng minh. Nước Pháp được cả hai lực lượng bán quân sự và quân đội Sudan bảo đảm chiến dịch di tản khoảng 250 công dân Pháp ra khỏi Sudan.

Cần nhắc lại, từ ngày 15/4 vừa qua, Sudan đã lâm vào một cuộc nội chiến giữa một bên là quân đội do tướng Abdel Fattha Al Burhane chỉ huy và bên kia là lực lượng bán quân sự do tướng Mohammet Hamdan Daglo lãnh đạo, được gọi là Hemedti.

Ông Hemedti từng là nhân vật số hai của tướng Burhane trong cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Bechir năm 2019. Nhưng từ năm 2021, Burhane và Hemedti đã cùng tranh giành quyền lực.

Vào sáng Chủ nhật, ít nhất trong khoảng một giờ đồng hồ nhiều chuyến trực thăng của đặc nhiệm Hoa Kỳ đưa nhân viên tòa đại sứ Mỹ ra khỏi thủ đô Khartoum. Washington huy động 100 quân nhân và ba trực thăng loại MH-47 trong đợt di tản đến Ethiopia.  Ngoài ra, Anh, Ý, Đức, Saudi Arabia, Trung Cộng, Nam Hàn và Nhật Bản ... đã di tản các công dân ra khỏi Sudan. 

Xung đột vẫn diễn ra khốc liệt tại thủ đô Khartoum, với hơn 5 triệu dân ở thành phố bị mất điện nước từ nhiều ngày qua. Hệ thống điện thoại và internet thường xuyên bị đứt quãng. Dân chúng bắt đầu thiếu lương thực. Tổ chức Y sĩ Không biên giới báo động tình hình này là “một tai họa”.

4/ TRUNG CỘNG VÀ NAM HÀN KHẨU CHIẾN VÌ BÌNH LUẬN VỀ ĐÀI LOAN

Một ngày trước chuyến thăm Hoa Kỳ của tổng thống Nam Hàn, thứ trưởng ngoại giao Trung Cộng Tôn Vệ Đông vào ngày 23/4 đã gửi công hàm tới đại sứ Nam Hàn, phản đối những nhận xét “sai lệch” của ông Yoon Suk-yeol về Đài Loan. 

Cần biết là Tổng thống Nam Hàn đã tuyên bố hôm 19/4 là ông phản đối thay đổi nguyên trạng giữa Trung Cộng và Đài Loan.

Thứ trưởng Tôn Vệ Đông đã giận dữ triệu tập đại sứ Nam Hàn ở Bắc Kinh, đánh giá những nhận xét của Tổng thống Yoon Suk-yeol, là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Họ Tôn nhấn mạnh là nguyên thủ Nam Hàn không tôn trọng nguyên tắc một nước Trung Hoa mà lại đánh đồng vấn đề Đài Loan với tình hình ở bán đảo Triều Tiên.

Từ giữa tuần qua, hai nước Trung Cộng và Nam Hàn đã đối diện với nhau bằng những lời qua tiếng lại. Sau khi bày tỏ phản đối những đòi hỏi của Trung Cộng về  Đài Loan, tổng thống Nam Hàn đã so sánh trường hợp này với tình hình ở bán đảo Triều Tiên, nói rằng đó là vấn đề toàn cầu.

Bắc Kinh không hài lòng với nhận xét này và nhanh chóng nói rằng ông Yoon Suk-yeol phải cư xử cho đúng mực. Bộ ngoại giao Trung Cộng đã nhắc lại là “họ không cần ai chỉ bảo phải làm gì”. Về phần mình, Nam Hàn lấy làm tiếc về sự khiếm nhã của Bắc Kinh và triệu tập đại sứ Trung Cộng đến phản đối.

Vào hôm qua, Trung Cộng lại tiếp tục bày tỏ phản đối Nam Hàn, một hành động tượng trưng nhưng cho thấy mức độ căng thẳng giữa hai nước. Trước cuộc gặp gỡ với tổng thống Mỹ, tổng thống Hàn Quốc muốn tái khẳng định lập trường của mình.

Nhưng làm như vậy không phải là không có rủi ro, Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Seoul. Dù ông Yoon Suk-yeol không nhắc đến Hoa Kỳ, nhưng nhiều khả năng lãnh đạo hai nước sẽ đề cập đến chủ đề này trong các cuộc gặp từ ngày 24 đến 26 tháng Tư tới đây. 

No comments:

Post a Comment