Saturday, April 22, 2023

Tin Tức, Thứ Bảy 22.04.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.

 1) GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN TIM HÀ NỘI BỊ TUYÊN ÁN 3 NĂM TÙ VÌ TỪNG ĐƯỢC TẶNG THƯỞNG NHIỀU HUÂN, HUY CHƯƠNG

Chiều 21/4, Hội đồng xét xử bắt đầu tuyên án đối với cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và 11 người khác trong vụ nâng giá vật tư y tế gây thiệt hại hơn 53 tỉ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Quang Tuấn, giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội, người được xác định có vai trò chính của vụ án, bị tuyên phạt 3 năm tù giam và không bị cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề sau khi chấp hành xong bản án.

Đây là mức án thấp hơn so với khung hình phạt ông Tuấn bị truy tố từ 10-20 năm tù. Trước đó, trong phần luận tội, đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án 4-5 năm tù với cựu giám đốc Bệnh viện Tim về tội vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Lý do ông Nguyễn Quang Tuấn hưởng mức án nhẹ được giải thích là vì sai phạm của ông “không liên quan đến chuyên môn”. Và vì “Quá trình công tác bác sĩ Tuấn được tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý, bản thân là giáo sư tiến sĩ đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ, có công cứu sống nhiều người trong cuộc đời y nghiệp và được nhân dân khen ngợi”.

Nhiều người cho rằng bản án trên quá nhẹ so với hậu quả mà ông Tuấn và đồng phạm gây ra cho người dân. 

2)  DỰ ÁN 88: VIỆT NAM VŨ KHÍ HÓA LUẬT ĐỂ BỎ TÙ CÁC NHÀ HOẠT ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Bản phúc trình dài 88 trang có tên “Weaponizing the law to prosecute the Vietnam Four” (tạm dịch “Vũ khí hóa luật để truy tố bốn người”) vừa được Dự Án 88 (Project 88) công bố hôm qua 21/4/2023, khẳng định nhà nước CSVN sử dụng luật để làm vũ khí kết án những nhà hoạt động môi trường. Bản Phúc trình bằng tiếng Anh, nhắc đến 4 nhà hoạt động môi trường nổi tiếng, đều đang ngồi tù là luật gia Đặng Đình Bách, nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh, nhà báo Mai Phan Lợi và ông Bạch Hùng Dương.

Cả 4 người đều bị bắt, bị kết án với tội danh ngụy tạo “trốn thuế” sau khi có nhiều hoạt động nhằm thúc giục Chính phủ Việt Nam thực thi cam kết đối với chính sách phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính xuống mức zero vào năm 2050. Đây là điều kiện tiên quyết cho thỏa thuận chuyển đổi năng lượng trị giá 15 tỷ đô la giữa nhóm các nước G7 với Việt Nam.

Ông Ben Swanton, một trong những người điều hành Dự án 88, nêu trong thông cáo rằng: “Thật là một sự sỉ nhục khi nhóm các nước G7 ký thỏa thuận 15 tỷ USD cho Việt Nam chuyển đổi năng lượng mà không có những yêu cầu về nhân quyền cụ thể.”

“Dự Án 88” là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm thúc đẩy quyền con người cho Việt Nam. Cuối bản Phúc trình, tổ chức này kêu gọi quốc tế quan tâm đến bốn TNLT này, đồng thời kêu gọi điều tra vai trò của Bộ trưởng công an Tô Lâm trong vụ bắt bớ trên. 

3) IFJ LÊN TIẾNG VỀ VỤ BẮT CÓC BLOGGER THÁI VĂN ĐƯỜNG

IFJ-Liên đoàn Quốc tế các Nhà báo hôm 20/4 đã lên tiếng quan ngại vụ blogger Đường Văn Thái bị mất tích tại Thái Lan với những nghi vấn bị mật vụ cộng sản bắt cóc.  

Cơ quan này lên án biện pháp bắt cóc và cho rằng ông Thái đang bị giam giữ tại Hà Tĩnh. IFJ đồng thời cũng kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay cho ông.

Thông cáo ngày 20/4 của IFJ nêu rõ “Biện pháp bắt cóc ông Đường Văn Thái cho thấy nguy cơ lớn lao mà các nhà báo Việt Nam phải đối mặt; cũng như tạo một tiền lệ tồi tệ về sự an nguy của những người làm công tác truyền thông ở nước ngoài. Những cách thức trừng phạt mang tính đàn áp và nặng nề tại Việt Nam đối với truyền thông độc lập, phê phán có nghĩa ông Thái chắc chắn phải đối mặt sự khủng bố do những việc đã làm.”

Liên đoàn Quốc tế các Nhà báo (IFJ) có trụ sở chính tại Brussels (Bỉ) là một tổ chức nghiệp đoàn quốc tế tập hợp các nhà báo và phấn đấu cho quyền và sự tự do báo chí.

IFJ thành lập năm 1926, là thành viên liên kết của UNESCO (associate status). IFJ hiện có khoảng 650.000 thành viên, từ 121 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

4) GIẪM ĐẠP Ở YEMEN: 86 NGƯỜI CHẾT, HÀNG TRĂM NGƯỜI BỊ THƯƠNG

Ít nhất 85 người thiệt mạng và 332 người bị thương trong một vụ giẫm đạp xảy ra ở thủ đô Sana'a của Yemen hôm 20/4 trong một buổi từ thiện. Trong số những người thiệt mạng có cả phụ nữ và trẻ em. 

Hoạt động từ thiện trên diễn ra ở khu vực Bab al-Yemen của Sana'a do Houthi kiểm soát vài ngày trước ngày lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo, đánh dấu sự kết thúc của tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Sự khiện thu hút hàng trăm người đổ đến nhận tiền quyên góp từ các thương nhân. Giới chức đổ lỗi cho quản lý yếu kém và cách thức phát tiền “ngẫu nhiên.” Các nhân chứng cho biết phiến quân Houthi, những người đang điều hành thành phố, đã bắn chỉ thiên, gây hoảng loạn. 

Xung đột của Yemen nổ ra vào năm 2014, khi lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn giành quyền kiểm soát Sana'a. Một năm sau đó, liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã phải can thiệp để hỗ trợ Chính phủ Yemen.

Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 21,7 triệu người, tức 2/3 dân số Yemen, cần hỗ trợ nhân đạo trong năm nay. Cũng theo tổ chức này, giao tranh ở Yemen là một trong những thảm kịch nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

No comments:

Post a Comment