Tuesday, April 18, 2023

Sôi sục quanh đảo Đài Loan

Bình Luận

Các nhà độc tài, nhất là Tập Cận Bình, luôn cảm thấy quyền lực bị đe dọa vì họ cai trị bằng gian dối và bạo lực. Gây hấn với Đài Loan bên ngoài chỉ là tìm cớ để thanh trừng các đối thủ bên trong. Sự thất bại của Putin tại Ukraine là bài học nhãn tiền và họ Tập sẽ không dám xử dụng vũ lực xâm chiến đảo quốc này.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Sôi sục quanh đảo Đài Loan” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Hiếu Chân 

Tình hình Đài Loan lúc nào cũng nóng nhưng đặc biệt sôi sục trong những ngày qua khi Trung Quốc tổ chức tập trận lớn nhằm trả đũa vụ Tổng Thống Thái Anh Văn sang Mỹ gặp Chủ Tịch Hạ Viện Kevin McCarthy và nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ. Một số nhà bình luận cho rằng, so với phản ứng dữ dội sau chuyến thăm Đài Bắc của cựu Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi hồi Tháng Tám năm ngoái, lần này Bắc Kinh có vẻ kiềm chế hơn, thể hiện tư cách “một cường quốc toàn cầu độ lượng và có trách nhiệm.” 

Có thật vậy không? 

Cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc kéo dài ba ngày, từ 8 đến 10 Tháng Tư, và do Chiến Khu Đông Bộ – một trong năm quân khu của Trung Quốc – thực hiện. Nếu như Tháng Tám năm ngoái, cuộc tập trận của Bắc Kinh chủ yếu phô diễn sức mạnh hỏa tiễn, trọng tâm là các hỏa tiễn đạn đạo (ballistic missile) tầm xa phóng đi từ các căn cứ sâu bên trong nội địa Trung Quốc bay ngang qua lãnh thổ Đài Loan để dằn mặt dân chúng đảo quốc thì lần này, trọng tâm là phô diễn sức mạnh tổng hợp cả hải quân và không quân, nhất là trình làng hàng không mẫu hạm (HKMH) thứ hai của nước này – tàu Sơn Đông – và phi đội chiến đấu cơ trên tàu.

Theo các chuyên gia quân sự, xét về mặt cường độ uy hiếp, đợt tập trận vừa qua của Trung Quốc không hề kém so với hồi Tháng Tám năm ngoái. Mục đích của đợt tập trận này cũng khác năm ngoái. Thay vì đe dọa tàn phá Đài Loan bằng các đợt phóng hỏa tiễn rầm rộ, lần này Trung Quốc chuyển sang biểu diễn chiến thuật bao vây, phong tỏa hòn đảo và ngăn chặn tiếp viện vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm. 

Như để đề phòng bất trắc khi cuộc tập trận của Trung Quốc có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát, người ta thấy nhóm tác chiến HKMH USS Nimitz của Hoa Kỳ lặng lẽ rời căn cứ Okinawa, Nhật, tiến xuống phía Tây Nam, không xa nơi HKMH Sơn Đông thả neo. 

Điểm đáng chú ý của đợt tập trận vừa qua là chiến hạm Trung Quốc xâm nhập rất sâu vào vùng biển Đài Loan, đối đầu với chiến hạm Đài Loan ở vùng tiếp giáp lãnh hải cách hòn đảo chỉ 24 hải lý cả bốn phía, thay vì chỉ lảng vảng ngoài xa như các đợt tập trận trước. Mục đích của Bắc Kinh không gì khác hơn là mô phỏng chiến dịch bao vây, phong tỏa hòn đảo, ngăn chặn việc tiếp tế tới các hải cảng của đảo quốc này. Nếu Trung Quốc triển khai số lượng lớn tàu chiến mặt nước và tàu ngầm vào cuộc bao vây, phong tỏa đường biển thì sẽ đặt ra một thách thức không nhỏ cho Đài Loan và đồng minh. 

Như vậy, sức ép quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan tự trị không suy giảm so với trước mà chỉ thay đổi theo ý đồ chiến lược của Bắc Kinh, nói cách khác là leo thang căng thẳng lên một nấc mới, nguy hiểm hơn. 

Cho đến nay, Hải Quân và Không Quân Đài Loan khá thành công trong quyết tâm ngăn chặn chiến hạm Trung Quốc xâm nhập lãnh hải 12 hải lý quanh hòn đảo. Tuy nhiên, với phương thức bình thường hóa hành vi gây hấn và kế sách tằm ăn dâu lấn dần từng bước, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ ngày càng xâm nhập sâu hơn trong các đợt tập trận quy mô kế tiếp, kết hợp uy hiếp và tàn phá bằng phi pháo từ trên không với phong tỏa đường biển bằng hải quân để buộc Đài Loan phải đầu hàng. Còn quá sớm để đánh giá Trung Quốc dịu giọng về Đài Loan hay thể hiện một chính sách “độ lượng và có trách nhiệm” với hòn đảo tự do này. 

Tổng Thống Thái Anh Văn cũng không đồng ý với cách đánh giá như vậy. Trên Facebook cá nhân, bà Thái viết, các chuyến công du nước ngoài của bà không phải là mới mẻ, “nhưng Trung Quốc lợi dụng điều đó để tổ chức tập trận, gây bất ổn ở Đài Loan và khu vực. Đây không phải là thái độ có trách nhiệm của một nước lớn trong khu vực.”

Chưa thấy Hoa Kỳ và đồng minh phản ứng như thế nào trước hành vi leo thang của Trung Quốc ở Đài Loan. Những ngày này ở Đông Á, quân đội Mỹ đang bận rộn với cuộc tập trận thường niên Balikatan với quân đội Philippines ở Biển Đông, thuộc phía Nam Đài Loan, kéo dài tới ngày 28 Tháng Tư. Tuy có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, huy động hơn 17,000 binh sĩ của hai nước, nhưng cuộc tập trận được lập kế hoạch từ lâu, thể hiện mối quan hệ quốc phòng Mỹ-Philippines được cải thiện chứ không phải là phản ứng với chiến dịch của Trung Quốc ở Đài Loan. 

Có điều, Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự đối với Đài Loan cho đến nay không làm cho Đài Bắc sợ hãi và Washington nao núng mà ngược lại, Bắc Kinh càng hung hăng thì Mỹ càng hỗ trợ nhiều hơn cho Đài Bắc và dư luận Đài Loan càng chống lại việc thống nhất với Trung Quốc. 

Vào Tháng Giêng năm tới, 26 triệu dân Đài Loan sẽ bầu tổng thống mới – một cuộc cạnh tranh chính trị quyết liệt giữa đảng Dân Chủ Tiến Bộ (Dân Tiến) chủ trương bảo vệ quyền tự trị của Đài Loan và Quốc Dân Đảng đối lập có chủ trương mở rộng quan hệ với Trung Quốc. Trong lúc bà Thái của đảng Dân Tiến ghé sang Mỹ thì cựu Tổng Thống Mã Anh Cửu thuộc Quốc Dân Đảng lại sang Trung Quốc viếng mộ nhà cách mạng Tôn Dật Tiên. Cả hai đều nhắm ảnh hưởng đến dư luận dân chúng trong cuộc bầu cử sau chín tháng nữa. Nhưng kinh nghiệm của các cuộc bầu cử trước cho thấy Bắc Kinh càng hung hăng thì đảng Dân Tiến càng có cơ may thắng cuộc.

Trước cuộc bầu cử năm 2000, Trung Quốc đã ồn ào thao diễn Hải Quân và Không Quân khiến Tổng Thống Bill Clinton phải đưa HKMH vào eo biển Đài Loan để trấn an dân chúng đảo quốc.

Kết quả là ông Trần Thủy Biển của đảng Dân Tiến thắng lớn. Trước cuộc bầu cử mới nhất năm 2020, Trung Quốc lại diễn vở kịch đe dọa nhưng kết quả bà Thái Anh Văn tái đắc cử nhiệm kỳ hai với 8.2 triệu phiếu, cao nhất trong lịch sử. Lần này, những cuộc tập trận rầm rộ của Trung Quốc biết đâu lại đem lại lợi thế cho đảng Dân Tiến và những người yêu tự do dân chủ của Đài Loan.

No comments:

Post a Comment