Friday, April 28, 2023

Tin Tức: Thứ Sáu 28.04.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.

 1) RSF KÊU GỌI HÀ NỘI MINH BẠCH VỀ VỤ BẮT CÓC BLOGGER ĐƯỜNG VĂN THÁI

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) hôm 27/4 ra Thông cáo báo chí kêu gọi chính phủ CSVN phải minh bạch về vụ mất tích của blogger Đường Văn Thái ở Thái Lan. Tuy nhiên, tổ chức này cũng  khẳng định, công an VN không thể công khai tình trạng hiện thời của ông Thái.

Ông Daniel Bastard, Trưởng văn phòng Châu Á- Thái Bình Dương của RSF nói rằng đây là “một minh chứng đáng buồn về mức độ trầm trọng của VN khi khinh thường sự thượng tôn pháp luật và tự do báo chí”.

Blogger Thái Văn Đường, tên thật là Đường Văn Thái bị mất tích hôm 13/4 khi đang ở Thái Lan. Nhiều nghi vấn cho rằng ông Thái bị mật vụ CSVN sang tận Thái Lan bắt cóc và bí mật mang về nước. Ba ngày sau khi mất tích, báo chí lề đảng loan tin ông Thái “xâm nhập trái phép và Việt Nam” qua đường mòn, khu vực biên giới thuộc xã Kim Sơn- Hà Tĩnh.

Đường Văn Thái, tác giả của nhiều tin và bài viết được cho là nhạy cảm về giới quan chức,lãnh đạo cộng sản đăng tải trên Facebook, youtube cá nhân. Được biết, ông Thái đã có cuộc phỏng vấn định cư với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) qua video chỉ vài giờ trước khi bị mất tích. 

2) CHÍNH TRỊ SỰ HỨA PHI BỊ NGĂN CẢN CUỘC GẶP PHÁI ĐOÀN MỸ

Công an Lâm Đồng ngăn cản Chánh trị sự Hứa Phi gặp phái đoàn của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Cuộc tiếp xúc của Hội đồng Liên tôn Việt Nam với phái đoàn của Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ diễn ra hôm 24/4 tại chùa Giác Hoa- Sài Gòn trong bối cảnh ngoại trưởng Mỹ vừa kết thúc chuyến thăm Hà Nội hai tuần trước. Tuy nhiên, Chánh trị sự Hứa Phi cũng đã gửi cho phái đoàn Hoa Kỳ một bản tường trình về vi phạm tự do tôn giáo của cộng sản Việt Nam.

Tham dự cuộc gặp mặt có Hoà thượng Thích Không Tánh thuộc Tăng Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một số đại diện cho các nhóm Tôn giáo độc lập với các hệ phái do nhà nước quản lý.

Tại cuộc tiếp xúc, Hội đồng Liên tôn Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì những thành tích vì phạm tôn giáo một cách trầm trọng. Các vị chức sắc tôn giáo đồng thời kiến nghị Hoa Kỳ gây sức ép để nhà nước Việt Nam thả các tù nhân chính trị và chấm dứt việc đàn áp nhân quyền.

Việt Nam hiện đang nằm trong danh sách theo dõi đặc biệt vì có những vi phạm nghiêm trọng và quyền tự do tôn giáo.

3) MA TUÝ NGỤY TRANG THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ TRÀN LAN Ở VIET NAM

Một bản tin trên VNExpress ra ngày 27/4/23 cho biết tình trạng buôn bán chất kích thích, chất cấm, chất gây nghiện đang lan tràn ở VN. Những loại này có thể đã du nhập vào Việt Nam qua đường nhập lậu, xách tay, bán trên mạng xã hội và thu hút đông dảo giới trẻ. Thuốc lá điện tử chứa nhiều hương liệu, hóa chất, và pha trộn chất gây nghiện, làm tăng tỷ lệ nicotine lên cao hay thêm ma túy và các chất gây nghiện khác, nên khó bị phát hiện.

Đó là những chất ma túy mới ngụy trang dưới dạng thuốc lá điện tử, khiến người dùng có thể ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trường hợp đã được đưa vào Trung Tâm Chống Độc ở Bệnh viện Bạch Mai để  cấp cứu.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc trung tâm, từ đầu năm đến nay trong các mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân ngộ độc cung cấp, đã phát hiện 13 mẫu có thành phần ma túy, chất cần sa tổng hợp. Cũng theo bác sĩ Nguyên, hút thuốc lá điện tử có thể làm tăng nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không hút, tăng nguy cơ uống rượu, dùng sai thuốc chữa bệnh.

Theo thượng tá Nguyễn Minh Cương, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, cho biết năm 2022 phát hiện 51 vụ mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử. Trong đó, 32 vụ ma túy được tẩm ướp vào thảo mộc, 32 vụ thuốc lá điện tử. 

4) HƠN 90000 CÔNG NHÂN VIỆT NAM BỊ ẢNH HƯỞNG KHI HK ÁP ĐẶT LỆNH CẤM VẬN NHẬP KHẨU NHIÊN LIỆU TỪ TÂN CƯƠNG

Việt Nam là một trong các nước xuất khẩu hàng may mặc và giày dép sang HK, nhưng trong chính sách cấm vận của HK nhắm vào Trung Quốc, vì TQ đã và đang có chính sách diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, nên  HK sẽ không cho nhập cảng các sản phẩm có nguồn gốc từ Tân Cương.

Do Đạo luật bảo vệ lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) của Hoa Kỳ, có hiệu lực kể từ tháng 6 vừa qua, Đạo luật này yêu cầu các công ty phải chứng minh rằng họ không sử dụng nguyên liệu thô hoặc linh kiện được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ gây tổn hại hơn giữa lúc nhu cầu về quần áo ở các quốc gia giàu có giảm đi, dẫn đến việc giảm sản lượng công nghiệp và xuất khẩu ở các nước sản xuất ở Đông Nam Á, nơi cung cấp chính cho các thương hiệu lớn như Gap, Nike và Adidas.

Trong số các lô hàng may mặc và giày dép trị giá 15 triệu đô la bị giữ để kiểm tra theo đạo luật UFLPA, hơn 80% là từ Việt Nam và chỉ có 13% hàng hóa của Việt Nam được thông quan, dữ liệu do hải quan của Hoa Kỳ cung cấp ngày 3/4/2023.

Nguồn tin từ hải quan  HK cho biết, tổng cộng, Hoa Kỳ đã kiểm tra gần 3.600 lô hàng trị giá hơn 1 tỷ USD từ nhiều quốc gia để xác định rằng chúng không được làm từ nguyên liệu đầu vào từ lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Mặc dù các lô hàng bị tạm dừng chiếm một phần rất nhỏ trong tổng giá trị 27 tỷ đô la hàng may mặc và giày dép mà Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ vào năm ngoái, nhưng Việt Nam sẽ phải có những điều chỉnh là phải tuân thủ các luật lệ của Mỹ. Nếu không, ngành may mặc và giày da của VN sẽ rất khó khăn trong thời gian tới.

No comments:

Post a Comment