Wednesday, April 26, 2023

Tin Tức: Thứ Tư 26.04.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.

1/ BỊ BẮT GIAM VÌ GIÚP NGƯỜI DÂN BẮC GIANG KHIẾU KIỆN

Ông Tạ Miên Linh 78 tuổi, một người dân ở thành phố Vũng Tàu, vào ngày 25/4 đã bị công an tỉnh Bắc Giang bắt giam và khởi tố với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống phá nhà nước”.

Sự thật về vụ nói trên là do ông Linh đã trợ giúp pháp lý để người dân mất đất ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, kiện cáo nhà cầm quyền địa phương vào tháng 3 năm 2022.

Ông Linh đã đến Bắc Giang từ tháng 4 đến tháng 8 năm ngoái để gặp những người có đơn thư khiếu kiện về đất đai bị cưỡng chiếm. Những lần gặp đó đều được quay phim và phát trực tiếp lên trang YouTube của ông Tạ Miên Linh.

Trong các video được đăng tải, ông Linh tố cáo quan chức địa phương ở tỉnh Bắc Giang đã cấu kết cùng với công ty tư nhân để chiếm đất của người dân, đền bù với giá rẻ mạt, sau đó phân lô bán nền với giá cao gấp nhiều lần.

Không còn lý do để trấn áp những người trợ giúp đồng bào dân oan, bạo quyền csvn đành phải cho là hoạt động của ông Tạ Miên Linh là phi pháp, với ông bị cáo buộc mạo danh “luật sư” để thực hiện việc tư vấn cho người dân khiếu kiện.

2/ VN MUỐN MUA MÁY BAY QUÂN SỰ VÀ RADAR CỦA TIỆP

Trong chuyến công du VN ba ngày của Thủ tướng Tiệp Petr Fiala, hai nước Việt – Tiệp đã đồng ý tăng cường hợp tác trong lãnh vực quốc phòng, với VN muốn gia tăng nhập cảng các vũ khí từ Tiệp để đa dạng hóa số vũ khí đến 80% là sản xuất từ Nga.

Vào hôm 24/4, Hà Nội đàm phán với Praha về việc cung cấp trang thiết bị quân sự, trong đó có máy bay, radar, nâng cấp xe thiết giáp và vũ khí. Vẫn theo nguồn tin này, Tiệp có thể hỗ trợ chuyển giao công nghệ vũ khí và sản xuất tại Việt Nam nếu các hợp đồng quan trọng được ký kết. Trong số 15 công ty tháp tùng thủ tướng Tiệp có 4 tập đoàn lớn về an ninh.

Giới chức Việt Nam vào tuần trước đã thảo luận với đại diện Omnipol, nhà sản xuất máy bay vận tải L410 NG của Tiệp, về việc mua loại máy bay vận tải này cũng như khả năng mua radar có thể lắp đặt ở các phi trường dân sự và quân sự.

Cần biết là vào năm 2021, VN đã đặt mua khoảng 12 chiến đấu cơ hạng nhẹ L-39NG của Aero Vodochody, theo dự trù sẽ được giao trong năm nay. Phía Việt Nam cũng đã thảo luận với Tiệp về nhiều hợp đồng liên quan đến việc hiện đại hóa xe tăng và xe thiết giáp do Liên Xô sản xuất.

Theo dữ liệu của viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế tại Stockholm, trong hai thập niên qua, nước Tiệp trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho khối Liên hiệp Âu châu. Lý do là các tập đoàn quốc phòng của Tiệp rất nổi tiếng trong việc hiện đại hóa thiết bị quân sự của Nga, trong khi khoảng 80% kho vũ khí của VN thường xử dụng kỹ thuật của Nga.

3/ KHỞI TỐ 55 BỊ CAN TRONG VỤ 4 TIẾP VIÊN MANG MA TÚY VỀ VN

Liên quan đến vụ 4 tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines mang ma túy từ Pháp về phi trường Tân Sơn Nhất, công an Sài Gòn đã khởi tố 55 người có hành vi mua bán ma túy.

Cần biết là vụ án ma túy nói trên đã gây ầm ĩ dư luận hơn một tháng qua. Vào khoảng 9 giờ ngày 16/3, chi cục hải quan Tân Sơn Nhất đã phát giác lô hàng hóa khoảng 60 ký, gồm 4 va li của các tiếp viên hàng không Trần Thị Thu Ngân, Võ Tú Quỳnh, Nguyễn Thanh Thủy và Đặng Phương Vân có chứa ma túy, với số lượng hơn 50 ký giấu trong 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng.

Căn cứ kết quả điều tra, vào ngày 21/3, lực lượng chức trách đã nhóm họp để đánh giá toàn diện tài liệu và chứng cứ thu thập được. Theo đó thì có một người Việt tại Pháp đã nhờ các tiếp viên nói trên vận chuyển lô quà này về VN. Tuy nhiên theo công an thì các nữ tiếp viên này không biết là bên trong các giấu ma túy nên đã phóng thích họ.

Nhưng đến hôm qua, thứ Ba 24/4, công an lại quyết định khởi tố đến 55 người liên quan đến vụ án này, nhưng không cho biết là có 4 nữ tiếp viên nói trên hay không.

4/ NGỪNG BẮN 72 GIỜ TẠI SUDAN

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ra thông cáo cho biết hai bên tham chiến tại Sudan đã chấp thuận một lệnh ngưng bắn trên toàn lãnh thổ trong vòng 72 giờ, có hiệu lực thi hành từ nửa đêm thứ Ba 25/4.

Đây là thành quả của ngoại giao Hoa Kỳ sau hai ngày đàm phán căng thẳng với tướng Abdel Fattah Al Burhan, tổng thống tạm quyền ở Sudan, và tướng Mohamed Hamdane Daglo, được gọi là "Hemedti", chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ Nhanh. Hai bên đã tiếp tục các cuộc giao tranh, không kích và xả súng không ngừng từ hôm 15/4 ở Sudan. 

Cuộc đàm phán căng thẳng đã kéo dài suốt hai ngày qua, theo tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ giải thích. Lệnh hưu chiến có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Sudan.  Đây không phải là lần đầu tiên một thỏa thuận được thông báo trong bối cảnh giao tranh diễn ra, những nỗ lực lần trước kết thúc bằng những thất bại, với nhiều người chết và bị thương. 

Lần này Hoa Kỳ hối thúc các bên tham chiến tôn trọng  ngay lập tức với đầy đủ hiệu lực. Ông Blinken còn thông báo là Hoa Kỳ sẽ tham khảo ý kiến của các nước trong khu vực và quốc tế để thành lập một ủy ban giám sát cuộc đàm phán nhằm duy trì tình trạng hưu chiến. 

Giống như các nước khác, Mỹ đã di tản nhân viên của tòa đại sứ và kêu gọi các kiều dân rời xa đất nước này. Hàng chục ngàn người dân Sudan cũng đã chạy sang các nước láng giềng để lánh nạn.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan giải thích rằng chiến hạm của Mỹ được bố trí ngoài khơi Port-Sudan để trợ giúp thêm công tác di tản. Ông nói rõ là Hoa Kỳ không dự tính can thiệp quân sự trực tiếp vào khu vực này.

No comments:

Post a Comment