Saturday, August 3, 2024

Nhạc sĩ Thẩm Oánh

Danh Nhân Nước Việt

Thưa quý thính giả,

Một nhạc sĩ tài hoa đã đi tiên phong trong việc sáng tác nhạc và lời ca thuần túy Việt Nam. Ông đã đóng góp phong phú cho kho tàng nhạc Việt với cả ngàn nhạc phẩm, trong số đó có nhiều ca khúc đã đi vào lòng người từ thập niên 1930 đến thập niên 1990.

Trong tiết mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài Nhạc sĩ Thẩm Oánh của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Để nhạc “Nhà Việt Nam(youTube)

Nhà Việt Nam, Nam Bắc Trung sáng trưng Á Đông,
Bốn ngàn năm đó văn hóa xây đắp bao kỳ công
.
Người Việt Nam cân quắc bao anh hùng,
Từng phen nức danh dưới trời Á Đông
.

…………………………………………….

*****

Thân tàn, đất lạ chơi vơi,

Nhìn lên chỉ thấy bầu trời là quen.

Đó là hai câu thơ tâm sự cuối đời của nhạc sĩ Thẩm Oánh nơi “đất khách quê người”.

Nhạc sĩ Thẩm Oánh tên là Thẩm Ngọc Oánh sinh ngày 14/8/1916 tại Hà Nội. Xuất thân trong gia đình danh gia vọng tộc, thuở nhỏ học nhạc qua sách viết bằng tiếng Pháp.

-Năm 1934, ông dạy nhạc tại các trường Chu Văn An, Trưng Vương và Nguyễn Trãi.

-Năm 1945, ông thành lập và làm Giám đốc đài phát thanh Hà Nội.

-Năm 1954, di cư vào Nam.

-Năm 1955, giữ chức Giám đốc trường Ca-Vũ-Nhạc phổ thông Sài Gòn đến năm 1958. Trong thời gian này, ông dạy nhạc lý cùng với âm pháp cho trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn. Ông cũng là chủ bút Nguyệt san Việt Nhạc.

-Sau năm 1975, ở tuổi lục tuần, ông mưu sinh bằng cách dạy ngoại ngữ tại Sài Gòn.

-Năm 1991, ông cùng gia đình sang định cư tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ.

-Tháng 4 năm 1993, Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức một Đại Nhạc Hội với chủ đề “60 năm âm nhạc Thẩm Oánh”, đồng thời phát hành tuyển tập “Nhớ Nhung” để vinh danh ông, một nhạc sĩ suốt đời tận tụy đóng góp cho nền tân nhạc VN. Và cũng để tri ân một một người thầy đã giảng dạy nhiều năm tại trường Chu Văn An, Trưng Vương và Nguyễn Trãi.

-Ngày 2/1/1996, ông từ trần, hưởng thọ 80 tuổi.

*****

Cuộc đời của nhạc sĩ Thẩm Oánh được chính ông dự đoán khi viết ra nhạc phẩm Tôi Bán Đường Tơ: Tôi bán đường tơ - ca ca hát hát, điên điên rồ rồ - quên quên nhớ nhớ, mơ mơ hồ hồ - thương vay khóc mướn - khéo vui cợt đùa, khéo se tình hờ - rút tơ lòng ra, chiều nhân thế say ước mơ…

Nhạc sĩ Thẩm Oánh sáng tác nhạc khi mới vừa 21 tuổi. Ông có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ với hơn cả ngàn nhạc phẩm. Các bài Khúc Yêu Đương, Đôi Oanh Vàng, Xuân Về được ông viết năm 1937. Các bản Vương Tơ, Gió Hoan Ca… và đặc biệt là Vợ Chồng Ngâu, Thiếu Phụ Nam Xương đầy âm hưởng ca trù.

Ngay từ khi khai sinh tân nhạc mang dân tộc tính, ngày 13/9/1938, nhạc phẩm Khúc Yêu Dương của ông, đã được trình diễn cùng bài hát của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tại rạp Olympia trước buổi chiếu phim do Hội Ánh Sáng tổ chức. Bài hát này được nhạc sĩ Phạm Duy nhận định như sau: “Nhạc điệu của bài Khúc Yêu Dương phảng phất một nét nhạc ngũ cung mà tôi cho là gần gũi nhất, tự nhiên đối với lổ tai người Việt. Đó là ngũ cung Do Rê Fa Sol La”.

Một năm sau, ông sáng tác bài Nhà Việt Nam nổi tiếng, được giới mộ điệu khen ngợi và nhạc phẩm Nhà Việt Nam được nhiều người thuộc nằm lòng. Tiếp theo là bài Việt Nam Hùng Tiến đã từng được dùng làm nhạc hiệu cho đài Pháp - Á ở Hà Nội và Sài Gòn.

Đến các hành khúc như: Người Việt Nam Xin Đừng Quên, Chu Văn An Hành Khúc và các bài sử ca như: Hùng Vương, Trưng NVương Và nhất là bài Xuân V ông dùng ngũ cung rất đặc sắc.

Tuy dùng ký âm pháp Tây Phương, nhưng nhạc sĩ Thẩm Oánh đã cố thoát khỏi những âm hưởng nhạc Pháp để viết những ca khúc đầy ngũ cung như: Vương Tơ, Bến Cũ, Chiều Đông, điều này cho thấy ông đã thành công trong việc đưa thể ngâm của các giọng Nam, Trung, Bắc vào tân nhạc.

Nhạc sĩ Thẩm Oánh là người đi tiên phong cho hai thể loại nhạc kịch và ca khúc Phật Giáo như: 3 vở nhạc kịch Quán Giang H, Bá Nha - Tử Kỳ, Đoàn Kết là Sức Mạnh 8 bản nhạc Phật Giáo (khi chùa Quán Sứ trùng tu xong vào năm 1942) có tên là: Trầm Hoa Hương Ngát, Thập Phương Chúng Sinh, A Di Đà Phật .v.v. và ngoài ra, ông còn viết nhạc cho các em nhi đồng.

Cần nhắc lại, nữ diễn viên Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Thị Minh Phụng, vì kính trọng ông đã lấy họ Thẩm của ông để tạo thành nghệ danh Thẩm Thúy Hằng.

Riêng tuyển tập “Nhớ Nhung” do Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương vùng Hoa Thịnh Đốn phát hành để vinh danh nhạc sĩ Thẩm Oánh, tuy chỉ 30 ca khúc là số lượng nhỏ so với cả ngàn nhạc phẩm do ông sáng tác trong 60 năm, nhưng những ca khúc trong tuyển tập này được xem như tiêu biểu cho công trình, và nghệ thuật của một nhạc sĩ được người đời biết ơn vì đã mở đường cải cách, khai lối cho nền tân nhạc VN.

Với lòng tiếc thương, kính chào vĩnh biệt nhạc sĩ tài hoa mang tên Thẩm Oánh.

 

No comments:

Post a Comment