Saturday, August 24, 2024

Tin Tức: Thứ Bảy 24.08.204

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.

1.TUYÊN ÁN 254 BỊ CÁO TRONG ĐẠI ÁN ĐĂNG KIỂM, HAI CỰU CỤC TRƯỞNG LÃNH ÁN 19 ĐẾN 22 NĂM TÙ

Sau gần 1 tuần nghị án, hôm 23/8/2024, phiên tòa tại Sài Gòn đã tuyên án 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 Trung tâm Đăng kiểm trên địa bàn thành Hồ và 3 Trung tâm Đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Mức án cao nhất được tuyên cho hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam là các ông Trần Kỳ Hình (nhiệm kỳ từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2021) và ông Đặng Việt Hà, người kế nhiệm ông Hình. Cụ thể, ông Hình bị lãnh hai mức án gồm 19 năm tù về tội “nhận hối lộ” và 06 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”; tổng hình phạt mà ông Hình phải chịu là 25 năm tù giam. Ngoài số tiền 7,5 tỉ đồng nhận hối lộ để bỏ qua sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động trung tâm đăng kiểm, sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện, ông Hình còn được xác định đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác làm trái quy định, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Đặng Việt Hà lĩnh án 19 năm tù giam cho tội danh “nhận hối lộ”. Ông này được khẳng định đã nhận hối lộ hơn 40 tỷ đồng và hưởng lợi hơn tám tỷ đồng.

252 bị cáo còn lại bị nhận các mức án từ một năm tù treo đến 30 năm tù giam.

Đây là vụ án tham nhũng và nghiêm trọng nhất với phạm vi khắp cả nước trong ngành đăng kiểm được phát hiện.

2.CÁC CHUYÊN GIA LIÊN HIỆP QUỐC CHẤT VẤN VIỆT NAM VỀ PHIÊN TÒA XÉT XỬ VỤ TẤN CÔNG TRỤ SỞ ĐỊA PHƯƠNG Ở TỈNH ĐẮC LẮC

Hôm 14/6, các chuyên gia và báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc đã gửi thư đến Chính phủ Việt Nam yêu cầu trả lời các quan ngại về phiên tòa xét xử 100 người Thượng ở Đắk Lắk hồi đầu năm nay, liên quan đến vụ tấn công vào các trụ sở chính quyền địa phương ở tỉnh này hồi tháng 6 năm 2023. Liên Hiệp Quốc công bố văn thư trên cùng các thư trao đổi với Chính phủ Việt Nam liên quan đến công văn sau 60 ngày theo thông lệ.

Hai tháng sau khi nhận được thư, ngày 15/8, phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới đã gửi thư tới Liên Hiệp Quốc, đề nghị được gia hạn thêm hai tháng để trả lời các chất vấn trong thư của các chuyên gia LHQ.

Ngày 20/1/2024, Việt Nam mở phiên toà lưu động công khai xử 100 người Thượng ở Đắk Lắk. Phiên toà có sự tham dự của 94 bị cáo, 19 luật sư, sáu bị cáo khác bị xét xử vắng mặt. Các chuyên gia LHQ lưu ý là sáu người bị xét xử vắng mặt không có đại diện pháp lý tại toà.

Kết thúc phiên tòa, 10 người đã bị kết án chung thân với cáo buộc khủng bố chống chính quyền nhân dân.

43 người khác nhận các án tù từ sáu đến 20 năm với cáo buộc tội khủng bố; 45 người khác bao gồm sáu người vắng mặt nhận án tù từ 3,5 năm đến 11 năm với cáo buộc tội khủng bố, hai người khác bị kết án tù từ chín tháng đến hai năm với cáo buộc che giấu tội phạm và tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Các chuyên gia và báo cáo viên LHQ nghi ngờ về tính công bằng của phiên tòa và cho rằng nhiều vụ bắt bớ cũng như kết án đã không tuân thủ trình tự pháp luật cũng như những vi phạm về nhân quyền.

 

3.QUỐC HỘI CSVN HỌP BẤT THƯỜNG ĐỂ SẮP XẾP NHÂN SỰ

Dự kiến, Quốc hội CSVN sẽ tổ chức cuộc họp bất thường vào ngày 26/8 để “xem xét công tác nhân sự” và phê duyệt một số chức vụ trong chính phủ.

Theo thông lệ, Quốc hội sẽ họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.

Đây là kỳ họp bất thường lần thứ tám của Quốc hội khóa 15. Năm kỳ họp bất thường trước của Quốc hội khóa này được tổ chức liên quan đến việc phế truất hai Chủ tịch nước là Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng như bổ nhiệm nhân sự mới thuộc hàng “tứ trụ”.

Cuộc họp bất thường lần này liên quan đến việc bầu hoặc miễn nhiệm một chức danh Phó Thủ tướng, bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, bộ trưởng Tư pháp.

4.UKRAINE DÙNG BOM BAY CỦA MỸ TẤN CÔNG CĂN CỨ QUÂN SỰ NGA TẠI KURSH

Ukraine xác nhận, ngày 22/08/2023 không quân nước này đã tấn công một căn cứ quân sự Nga trong vùng Kursk bằng bom bay của Mỹ GBU-39. Tư lệnh không quân Ukraine Mykpla Olechtchouk cho biết, vụ tấn công đã nhắm trúng một sở chỉ huy drone và một đơn vị chiến tranh điện tử của Nga, phá hủy nhiều vũ khí khí tài và khoảng bốn chục quân Nga đã thương vong. Đây là lần đầu tiên Kiev thừa nhận công khai sử dụng vũ khí hạng nặng của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Trong khi đó, Moscow hôm 22/8 xác nhận đã chặn được nhiều đợt tấn công bằng drone và hỏa tiễn của Ukraine trong vùng phía tây, chủ yếu trong vùng Volgograd. Cùng ngày, một cuộc oanh kích của quân đội Ukraine đã đánh chiếm một xà lan chuyên chở nhiên liệu trong cảng Kavkaz của Nga, đối diện với bán đảo Crimea.  Đây là cảng nằm trong eo biển Kertch giữa phần lục địa của Nga và bán đảo Crimea của Ukraine đã bị Mạc Tư Khoa sáp nhập từ năm 2014.

Trong một cuộc họp chính phủ và lãnh đạo các vùng biên giới của nội các chính phủ Nga, Tổng thống Putin đã tố cáo Ukraine đang tìm cách tấn công và chiếm nhà máy điện hạt nhân trong vùng Kursk. Ông này cho biết thêm là đã thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.

 

No comments:

Post a Comment