Monday, August 26, 2024

Phao Cứu Sinh Made In China

Bình Luận

Kinh tế của csVN đã có những dấu hiệu không còn tương thích với các quy luật và các giá trị của phương Tây. Chính vì vậy mà phao cứu sinh dành cho cộng sản Hà Nội, chỉ có thể đến từ Bắc Kinh. Kính mời quý thính giả theo dõi bài binh luận của Kinh Kha với tựa đề “Phao Cứu Sinh Made In China”, sẽ do Miên Dương trình bày sau đây

Kinh Kha

Bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn u ám, khi mây đen thì phủ kín toàn cầu và mặt trời cũng tắt lịm trên bầu trời Việt Nam. Kết luận này được dẫn chứng bằng những số liệu kinh tế gần đây, cho thấy xuất hiện một làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam của một nhóm các nhà đầu tư lớn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư,  hậu quả của việc này còn gây tác hại khôn lường, là nó có thể kéo theo nhiều các công ty vệ tinh rũ áo ra đi.

Tổng cục Thống kê của csVN cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động sáu tháng đầu năm 2024 là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy trong lãnh vực kinh tế sự thận trọng luôn là ưu tiên hàng đầu, nhất là đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt là với những quốc gia vẫn còn giữ tư duy kinh tế theo kiểu “Kinh tế nhà nước nắm giữ vai trò chủ đạo” như tại Việt Nam hay Trung quốc, thì những số liệu báo cáo của cơ quan chính phủ, luôn được xếp vào diện hoài nghi số một của các tập đoàn đa quốc gia.

Bộ kế hoạch và đầu tư cho biết, năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 39,4 tỷ USD, tăng 34,5% so với năm 2022, đây là mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2018 – 2023. Nhưng bây giờ đột nhiên quan chức csVN lại báo động: 'Làn sóng' chuyển hướng đầu tư khỏi Việt Nam của những tập đoàn toàn cầu. Sự việc nghiêm trọng này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trích dẫn tổng kết như sau: Tập đoàn LG Chemical đề xuất dự án sản xuất pin, đề nghị Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí sản xuất bằng tiền mặt, nhưng sau đó đột ngột chuyển sang Indonesia, có lẽ tập đoàn này không đủ kiên nhẫn để chờ đợi các thủ tục hành chính của chính phủ Việt Nam; Intel đề xuất dự án sản xuất chip vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, đề xuất Việt Nam hỗ trợ 15% chi phí sản xuất cũng bằng tiền mặt, nhưng không được đáp ứng nên sau đó đã chuyển sang Ba Lan; Tập đoàn bán dẫn AT&S của nước Áo đã khảo sát, dự kiến đầu tư, nhưng Việt Nam không đáp ứng được về hỗ trợ theo chi phí và lao động công nghệ cao có sẵn, nên đã chuyển sang Malaysia.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết việc mở rộng đầu tư của một số dự án công nghệ cao có quy mô lớn, cũng có dấu hiệu chững lại để chờ phản ứng thay đổi luật lệ của Việt Nam. Thời gian qua, một số tập đoàn lớn đã có trao đổi chính thức với nhà nước csVN, về việc tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam nếu Chính phủ không có chính sách hỗ trợ đầu tư phù hợp khi áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu.

Vậy lý do thực sự mà các tập đoàn công nghệ cao toàn cầu rút khỏi Việt Nam là gì? Nhà cầm quyền csVN không muốn nhắc đến các nguyên nhân chủ yếu, mà các nhà đầu tư hủy bỏ kế hoạch ở Việt Nam. Đó chính là thể chế chính trị khác biệt quá lớn, nguồn nhân lực phẩm chất cao về công nghệ tiên tiến không có đủ, để đáp ứng cho dự án, và kế đến là nguồn năng lượng mà ở đây là điện không đủ để duy trì liên tục cho sản xuất sản phẩm có phẩm chất cao như: chất bán dẫn, hay pin..v.v… Đó là những lý do tại sao các tập đoàn như: LG Chemical, Intel, AT&S yêu cầu chính phủ Việt Nam phải hỗ trợ chi phí sản xuất trong đó bao gồm các khoản như: đào tạo lại nguồn nhân lực, các phương án dự phòng về năng lượng không bị gián đoạn, đơn giản thủ tục hành chính, thành lập công đoàn độc lập..v,v… nhưng csVN đã không thể đáp ứng kịp thời.

Trong chuyến thăm Trung cộng mới đây của ông Tô Lâm trong cương vị là người đứng đầu đảng, và nhà nước csVN, dù được Tàu cộng chào đón bằng những tràng đại bác, nhưng ông Tô Lâm vẫn không mang lại tiếng vang nào về kinh tế cho Việt Nam, ngoại trừ những dự án trong lĩnh vực giao thông đường sắt đang là thế mạnh của Trung quốc. Danh sách 14 văn kiện được ký kết sau cuộc hội đàm giữa ông Tô Lâm và ông Tập Cận Bình vào ngày 19/8, cho thấy đó là những lãnh vực hợp tác trước đây giữa hai bên giờ nó được lập lại. Có chăng là một nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi, và một nghị định khác về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Điều này cho thấy nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam vẫn tiếp tục là xuất khẩu thô. Còn công nghiệp chế biến nông sản thì gần bằng không.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD. Trung quốc xuất cảng hàng hóa sang Việt Nam đạt 110,6 tỷ USD. Việt Nam nhập siêu từ Trung quốc ở mức 49,4 tỷ USD. Trong 07 tháng năm 2024, hàng hóa của Việt Nam xuất sang  Trung Quốc đạt 32,6 tỷ USD. Ở chiều ngược lại Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 79,6 tỷ USD. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trị giá 47 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam thật sự đang là một công xưởng  gia công hàng hóa cho Tàu cộng, với nhãn mác Việt Nam, để xuất đi các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc châu và gián tiếp mang ngoại tệ về cho Trung cộng. Sự việc này cũng giống như câu chuyện về những con kiến tha những con rệp lên cây, để những con rệp này hút nhựa cây cho no, mập, rồi sau đó những con kiến sẽ tha những con rệp này về tổ kiến của chúng và ăn thịt.

Phao cứu sinh cho nền kinh tế và đặc biệt là thể chế chính trị của csVN, chỉ có thể đến từ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Tô Lâm đã khẳng định như thế!

Kinh Kha

 

No comments:

Post a Comment