Sunday, August 2, 2020

Ông Nguyễn Phú Trọng chống tham nhũng?

Nói Với Người Cộng Sản
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục “Nói với người cộng sản”. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. “Nói với người cộng sản” do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Tâm Anh
Tiến Văn

Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,

Theo thông tin chính thức của đảng Hồ-Tàu, đích thân Nguyễn Phú Trọng đã cho ý kiến chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm một số vụ  tham nhũng đang gây xôn xao dư luận như vụ Công Ti Nhật Cường tại Hà Nội hay Sabeco tại Sài Gòn. Cách đây không lâu, Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, cũng lên tiếng cho biết sẽ dùng mọi cách có thể để truy bắt Tổng giám đốc Bùi Quang Huy của Công Ti Nhật Cường đang bỏ trốn.

Những thông điệp bắn tin ra dư luận một cách cố ý như thế đã cho thấy Trọng và bộ sậu sẽ tiếp tục dùng “chống tham nhũng” để loại bỏ đối thủ trong cuộc đua quyền lực Kỳ 13 và đánh lạc hướng dư luận trong bối cảnh đất nước ngày càng lún sâu vào suy thoái xã hội, đạo đức, môi trường và sự xâm lấn, thôn tính của Trung Cộng.

Sau khi giành được quyền đứng đầu đảng Hồ-Tàu, Nguyễn Phú Trọng đã nhanh chóng cho thành lập cái gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống Tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị dựa theo quyết định số 162-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 01 tháng 02 năm 2013. Trước đó, Ban Phòng, Chống tham nhũng trực thuộc Chính phủ. Với động thái này, Trọng đã thâu tóm thêm quyền lực về cho bản thân giống quan thầy Tập Cận Bình bên Bắc Kinh. Trọng đã tự sắp xếp nhân sự cho Ban chỉ đạo này bằng cách cho bản thân giữ chức Trưởng ban và đưa các nhân vật tin cẩn vào các vị trí dưới quyền.

Nhìn vào danh sách nhân sự của Ban Chỉ đạo này chúng ta thấy có 17 thành viên, trong đó 06 Ủy viên Bộ chính trị, còn lại tất cả đều là Ủy viên Trung ương. Điều này cho thấy đây là một cơ quan gồm toàn các nhân vật chóp bu của đảng Hồ-Tàu.

Nhưng cơ quan này lại có nhiệm vụ được ghi rõ là: “Tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban bí thư xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp phòng, chống tham nhũng.

Quyết định của Bộ chính trị giao cho Ban chỉ đạo những quyền hạn rất lớn, trong đó có một quyền hạn rất mù mờ tạo điều kiện cho Ban chỉ đạo này có thể lũng đoạn, huy động mọi lực lượng, cá nhân của bộ máy chính trị, nhà nước, đó là quyền hạn thứ 06 ghi rằng:  Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống Tham nhũng được sử dụng bộ máy tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức có liên quan để phục vụ nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng khi cần thiết.

Ngoài ra, Quyết định nói trên của Bộ Chính trị còn giao cho Trưởng ban (tức Nguyễn Phú Trọng) được toàn quyền: chủ trì, định hướng thảo luận, kết luận các cuộc họp của Ban chỉ đạo; Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp không họp được Ban chỉ đạo, Trưởng ban trực tiếp quyết định và chỉ dạo thực hiện một số công việc cần thiết để đáp ứng yêu cầu công tác, chịu trách nhiệm về quyết định của mình và báo cáo Ban chỉ đạo tại phiên họp gần nhất.

Trong xã hội Việt Nam hiện nay, ai cũng biết, chỉ có những quan chức của đảng mới có thể tham nhũng và chức càng cao mức tham nhũng càng lớn. Thế mà Trọng và bộ sậu lại tự lập ra và cho mình cái nhiệm vụ phòng và chống tham nhũng. Đây chính là một nghịch lí, một sự lừa gạt trắng trợn dư luận.

Trong bối cảnh này, chúng ta chỉ cần đặt ra hai câu hỏi:

Một, Trọng chỉ là một con người, vì vậy Trọng cũng có những nhu cầu, ham muốn như mọi con người khác; ngoài ra Trọng còn có gia đình, vợ con, họ hàng, bạn hữu, do đó, Trọng cũng có những tình cảm, những ham muốn, quan tâm, giúp đỡ cho những người thân yêu, bạn hữu của Trọng, vậy ai dám đảm bảo rằng Trọng không tư lợi, không  nhũng lạm công quĩ, quyền lực cho bản thân, gia đình và người thân?

Hai, với Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng lại do Trọng đứng đầu và có toàn quyền quyết định, vậy ai hoặc cơ quan nào sẽ có thể điều tra các tố giác tham nhũng đối với chính Trọng?

Thưa anh chị em và quí vị, nếu chỉ xét trên phương diện hệ thống tổ chức pháp luật và nhà nước hiện nay chúng ta cũng có thể thấy ngay tính chất lừa đảo, phi pháp của cái gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống Tham nhũng.

Hiện nay chúng ta đã có một bộ luật hình sự để định danh và định tội cho các hành vi tham nhũng và hành vi đưa hối lộ. Theo Luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, chương 23 có hẳn một mục có tên Các Tội Tham Nhũng, trong đó có nêu chi tiết tới 07 tội danh, trong đó có 04 tội ghi rất rõ là: Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bên cạnh Luật Hình sự, chúng ta đã có một đội ngũ điều tra viên có mặt ở mọi cấp và một hệ thống tòa án từ trung ương tới địa phương; chưa kể một hệ thống khác để giám sát thực thi pháp luật là Viện Kiểm sát Nhân dân. Với một hệ thống tổ chức như thế, việc bày đặt thêm cái gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống Tham nhũng sẽ không có ích lợi gì ngoài việc tiêu thêm ngân sách-tiền thuế của nhân dân và làm khó khăn cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án trong việc thực thi luật hình sự về chống tham nhũng.

Như vậy, chúng ta đã thấy rõ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống Tham nhũng chỉ là một cơ chế để cho cá nhân Trọng và bộ sậu có khả năng toàn quyền và huy động mọi lực lượng trong việc che đậy các tội lỗi của bản thân, đồng thời thực thi dễ hơn các mưu tính loại bỏ, trừ diệt đối thủ trong những cuộc cạnh tranh, xung đột quyền lực, quyền lợi trong đảng Hồ-Tàu.

Tâm Anh và Tiến Văn thân chào tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị, quí anh chị em trong chương trình tuần tới.

02/08/2020

No comments:

Post a Comment