Friday, August 14, 2020

Thủ Tướng Phúc Và Những Vấn Nạn Của Đất Nước

Quan Điểm

Vừa qua, một sự kiện liên quan đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho thấy những vấn nạn mà đất nước đang phải gánh chịu. Đó là vụ ông Phúc đọc một bài diễn văn do Ban Tuyên Giáo Trung Ương soạn thảo, trong đó có những sai lầm nghiêm trọng. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ về sự kiện này với tựa đề: Thủ Tướng Phúc Và Những Vấn Nạn Của Đất Nước sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

p style="text-align: justify;">

Thưa quý thính giả,

Ngày 2 tháng 8 vừa qua, toàn thể các tờ báo đảng, báo in cũng như báo điện-tử, đều đăng ở đầu trang nhất “Lời Xin Lỗi” nguyên văn như sau: “Tại Hội nghị “Gặp mặt trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ” nhân kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng vừa qua, Ban Tổ chức Hội nghị đã có sai sót trong việc chuẩn bị thông tin, tư liệu về nhân thân một số văn nghệ sĩ để xây dựng dự thảo Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc gặp của Thủ tướng với đại biểu dự Hội nghị ngày 30/7/2020. Ban Tổ chức Hội nghị chân thành nhận lỗi với Thủ tướng Chính phủ, với các văn nghệ sĩ và thân nhân, với bạn đọc về sai sót trên.

Đồng thời với việc đăng “Lời Xin Lỗi”, các báo điện tử đăng bài diễn văn của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc trong buổi lễ, hoặc đã rút bài, hoặc đục bỏ mất một đoạn.

Đoạn bị đục bỏ nguyên văn như sau “Nhiều nhà văn, trí thức trong kháng chiến chống Pháp đã lăn lộn ở nhiều chiến trường, tham gia các chiến dịch Thu Đông, Việt Bắc, Điện Biên Phủ… Nhiều người đã hy sinh anh dũng như nhà văn – chiến sĩ Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai NinhTrong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không ít văn nghệ sĩ ngã xuống chiến trường trong tư thế người chiến sĩ như nhà văn Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Trung Thành, Trần Hiếu Minh, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý… tạo nên ‘Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ’ “.

Trước đó một ngày, nhiều bài viết trên mạng xã hội cho biết trong số 8 văn nghệ sĩ mà ông Phúc cho rằng đã “ngã xuống chiến trường trong tư thế người chiến sĩ”, có đến 5 trường hợp sai sự thật! Bốn trong số 8 người đã chết nhiều năm sau năm 1975. Đó là nhà văn Anh Đức, bút danh của Bùi Đức Ái, và Nguyễn Sáng, bút danh của Nguyễn Quang Sáng cùng mất năm 2014. Còn Phan Tứ, bút danh của Lê Khâm mất năm 1995, Trần Hiếu Minh, bút danh của Nguyễn Văn Bổng mất năm 2001. Các năm này đều cách rất xa năm 1975, tức là năm cuộc chiến chấm dứt. Còn trường hợp thứ 5 là Nguyễn Trung Thành, bí danh của Nguyễn Văn Báu, bút danh Nguyên Ngọc, hiện đang sống sờ sờ ở Hội An!

Điều đáng nói là các nhà văn Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Văn Bổng, sau năm 1975 vẫn thường xuất hiện trong các hoạt động văn học nghệ thuật trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà bất cứ ai xem tivi, nghe đài, đọc báo đều biết.

Đáng nói hơn nữa là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sinh tại Quảng Nam, đã phục vụ trong bộ máy hành chánh Quảng Nam – Đà Nẵng hơn 25 năm, từ 1980 đến 2006, thế mà ông không nhận ra các ông Phan Tứ và Nguyễn Văn Bổng đều là người Quảng Nam rất nổi danh. Phan Tứ là cháu ngoại nhà ái quốc Phan Chu Trinh. Nguyễn Văn Bổng từng là Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam và Tổng biên tập báo Văn nghệ rất nổi tiếng sau 1975!

Đặc biệt là trường hợp nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả tác phẩm lừng danh “Đất nước đứng lên”. Ông cũng là dân xứ Quảng và thường xuyên tham dự các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở Quảng Nam. Không những thế, nhà văn Nguyên Ngọc còn được cả nước biết tên khi ông tuyên bố bỏ Đảng tháng 10 năm 2017 để phản đối việc Đảng CSVN kỷ luật Tiến sĩ Chu Hảo, một trí thức nổi tiếng.

“Lời Xin Lỗi” của Ban tổ chức buổi lễ 30 tháng 7 và các sự kiện liên quan đến bài diễn văn của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy bộ máy cầm quyền của đảng CSVN đang có những trục trặc nghiêm trọng.

Thứ nhất, vì một lý do nào đó, bài diễn văn dài 4100 chữ ông Phúc đọc đã do Ban Tuyên Giáo Trung ương soạn thảo, thay vì thông thường phải do nhân viên Văn phòng Thủ tướng phụ trách. Không những vậy, Ban Tuyên Giáo Trung ương của Võ Văn Thưởng đã chỉ trao bài này cho ông Phúc ngay trước khi ông đọc. Vì vậy sai sót nghiêm trọng nói trên đã không ai phát hiện kịp! Chỉ có thể giải thích đây là một âm mưu nhằm hạ uy tín của Thủ tướng Phúc trước thềm Đại Hội 13. Ai cũng biết ông Phúc là đại diện phe “nhà nước”, còn ông Thưởng luôn được xem là đại diện cho phe “đảng”.

Thứ hai, một sai lầm làm tổn hại nghiêm trọng uy tín của người cầm đầu chính phủ mà chỉ được sửa sai bằng một “lời xin lỗi” cho thấy sự tắc trách cũng như bao che, phe phái trong bộ máy cầm quyền!

Thứ ba, bản thân ông Nguyễn Xuân Phúc đang có vấn đề nghiêm trọng. Ngay cả trường hợp ông không được xem qua bài diễn văn trước buổi lễ, thì khi đọc tên 5 văn nghệ sĩ nói trên, trong đó có 3 người rất nổi tiếng cùng quê, ông phải nhận ra ngay sự nhầm lẫn để kịp thời sửa đổi. Không nhận ra, vẫn tiếp tục đọc như con vẹt cho thấy trí nhớ của Ông Phúc đã không còn hoạt động bình thường.

Hậu quả của các sự việc trên là những thiệt thòi mà người dân và đất nước Việt Nam phải gánh chịu. Thay vì thành phần lãnh đạo và điều hành đất nước phải do dân chúng bầu chọn qua lá phiếu tự do thì lại là kết quả của trò tranh dành quyền lực trong nội bộ một tập đoàn “hèn với giặc, ác với dân”. Và thay vì người cầm đầu chính phủ một quốc gia hơn 95 triệu dân phải vừa có tài, vừa có đày đủ sức khỏe, thì lại là một kẻ có kiến thức hẹn hẹp, trí nhớ kém cỏi!

Những vấn nạn mà đất nước Việt Nam phải đương đầu này chỉ có thể được giải quyết khi đảng CSVN không còn thống trị trên quê hương chúng ta./.

LLCQ

No comments:

Post a Comment