Saturday, August 8, 2020

Triệu Việt Vương

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, “Nhất Dạ Trạch Truyện” được “Lĩnh Nam Chích Quái” chép lại, đượm nhiều huyền thoại, sự thật thì đầm Dạ Trạch là nơi in dấu những bước chân quả cảm của nghĩa quân và là vùng đất của những con người kiên cường bất khuất. Vùng đất “địa linh nhân kiệt” này sản sinh ra một vị tướng được được gọi là Dạ Trạch Vương và ông được xem là người đầu tiên trên thế giới xử dụng chiến tranh du kích.

Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Triệu Việt Vương  của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Việt Thái


Một cơn gió bẻ chồi khô,
Ải Lạng dứt dấu
, ngựa Hồ vào ra.
Bốn phương
, phẳng lặng can qua,
Theo nền nếp cũ, lại ra Long Thành
.

Đó là 4 câu thơ trong “Đại Nam Quốc Sử diễn ca nhằm tôn vinh Dạ trạch vương Triệu Quang Phục.

Triệu Quang Phục người huyện Chu Diên, cha là Triệu Túc, một thủ lãnh địa phương có lòng yêu nước không chịu khuất phục nhà Lương. Triệu Quang Phục nổi tiếng giỏi võ nghệ. Sử chép ông là người có “sức mạnh phi thường. Cha con ông là người đầu tiên đem quân tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế.

Triệu Quang Phục theo cha đánh giặc Lương, lập được công lớn, trở thành một tướng lãnh trẻ tuổi có tài thao lược nên được Lý Nam Đế tin dùng, phong làm Tả tướng quân.

Sau khi bại trận ở hồ Điển Triệt vào năm 546, Lý Nam Đế trao hết binh quyền cho Tả tướng Triệu Quang Phục, nhưng kể từ đó, quân đội của nước Vạn Xuân chia làm 2 lực lượng:

-Lực lượng thứ nhất do Lý Thiên Bảo (anh ruột của Lý Nam Đế) và Lý Phật Tử chỉ huy, rút vào Đức Châu để bảo toàn lực lượng.

-Lực lượng thứ hai do Triệu Quang Phục cầm đầu, tiếp tục bám trụ ở vùng Chu Diên, tận dụng địa hình hiểm trở để kháng chiến.

Theo Thư tịch cổ của Trung Hoa, Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử đã tập hợp được 2 vạn quân, đánh vào Đức Châu và giết được Thứ sử Đức Châu là Trần Văn Giới.

Sau trận chiến thắng này, Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử kéo quân ra vùng Ái Châu, nhưng bị Trần Bá Tiên đánh bại. Hai ông liền lui binh lên vùng thượng du Ái Châu (giáp biên giới Lào) và án binh ở động Dã Năng. Sau cuộc rút quân này, sự nghiệp đánh đuổi giặc phương Bắc của Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử kể như chấm dứt, cuộc kháng chiến chống ngoại xâm chỉ được duy trì bởi Triệu Quang Phục.

Nhận thấy không thể công khai nghinh chiến với kẻ thù như trước, và nhờ thông thuộc vùng sông nước Chu Diên, Triệu Quang Phục quyết định chuyển sang chiến thuật “Du kích chiến”. Ông di chuyển hơn 1 vạn quân từ miền núi về đồng bằng, lập căn cứ kháng chiến ở đầm Dạ Trạch (tức bãi Màn Trò, Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay). 

Vùng đồng bằng này tuy không có thế đất hiểm trở như miền đồi núi, nhưng có nhiều sông rạch và ao hồ chia cắt, gây bất lợi cho cuộc hành quân lớn, buộc quân Lương phải chia quân từng toán nhỏ để tấn công nên dễ bị nghĩa quân tiêu diệt. 

Dạ Trạch là một vùng đầm lầy ven sông Hồng, rộng mênh mông, lau sậy um tùm, ở giữa có một bãi phù sa rộng, có thể trồng trọt để sinh sống. Đường vào bãi rất kín đáo và chỉ có thể dùng thuyền độc mộc lướt nhẹ trong lau sậy rậm rạp. Triệu Quang Phục vừa tập trận, vừa trồng trọt để tự nuôi quân. Ban ngày tắt hết lửa khói, im hơi lặng tiếng, nhưng đêm đến dùng thuyền đánh úp các trại giặc, gây kinh hoàng cho quân Lương, nên dân chúng gọi ông là Dạ Trạch Vương.
Quân của ông giữ vững căn cứ Dạ Trạch, liên tục tập kích các doanh trại và ngăn chận các cuộc tấn công, nên Trần Bá Tiên đánh mãi không sao thắng được. Qua gần 4 năm (từ năm 547 đến năm 550), nghĩa quân lớn mạnh, quân Lương ngày càng suy yếu.
Năm 548, Lý Nam Đế lâm bệnh, qua đời tại động Khuất Lão. Trước vận mệnh đất nước bị đe dọa nghiêm trọng, với tinh thần quả cảm và ý thức trách nhiệm, Triệu Quang Phục lên ngôi, xưng là Triệu Việt Vương. Việc xưng Vương mà không xưng Đế của ông đã tạo thêm chính nghĩa trong công cuộc đánh đuổi quân Lương xâm lược.

Sau đó, Triệu Việt Vương bất ngờ dồn toàn lực đánh một trận quy mô khiến Dương Sàn tử thương, quân Lương tan vỡ, hốt hoảng tháo chạy về phương Bắc. Triệu Việt Vương tiến vào thành Long Biên.

Năm 571, Triệu Việt Vương băng hà. Hơn 700 năm sau, vua Trần Nhân Tông sắc phong làKhai cơ Minh đạo Hoàng Đế. Năm 1313, vua Trần Anh Tông ban thêm bốn chữ “Thánh liệt Thần vũ”.

Theo cuốn “Việt điện U linh, người dân thấy ông hiển linh nên lập đền thờ ở cửa biển Đại Nha. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình là nơi có nhiều đền thờ Triệu Việt Vương,

Cuộc kháng chiến của Triệu Việt Vương là một bằng chứng cho thấy từ 15 thế kỷ trước, tiền nhân đã biết xử dụng chiến tranh du kích, chứ không cần phải vay mượn hay được chỉ dẫn từ Mao Trạch Đông mà đảng cộng sản VN suốt nhiều năm qua vẫn ra rả tự hào mà không hề xấu hổ.

Lịch sử có thể bị sửa đổi, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Ngay chính sử Tàu cũng không thể phủ nhận Triệu Việt Vương chiến thắng quân Lương trong một cuộc chiến được xem là “châu chấu đá xe”. Triệu Việt Vương, người có công đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc mang lại nền tự chủ cho dân tộc, xứng đáng được hậu duệ vinh danh và tri ân.    

Điều đáng buồn cho dân tộc Việt là gần 1500 năm sau, mảnh giang sơn gấm vóc do Triệu Việt Vương dầy công gìn giữ đã bị tập đoàn lãnh đạo CSVN dâng hiến cho Tàu Cộng phương Bắc dưới chiêu bài “16 chữ vàng và 4 tốt”. Thế nhưng, khi người dân không chịu đựng nổi sự bạo tàn của chế độ cộng sản và khi truyền thống chống ngoại xâm vẫn còn luân lưu trong huyết quản của con dân nước Việt thì lịch sử sẽ sang trang và trang sử mới chắc chắn sẽ không còn tên đảng CSVN.

No comments:

Post a Comment