Wednesday, August 12, 2020

Tin Tức: Thứ Tư 12.08.2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân    Hướng Dương trình bày sau đây

1)  BẠO QUYỀN HUẾ SỬ DỤNG TAY SAI ĐI ĐÒI ĐẤT  ĐAN VIỆN THIÊN AN.

Suốt hai ngày 10 và 11/08, bạo quyền Huế đã điều động hàng chục người che mặt, tụ tập tại đồi Thánh giá, nằm trong khuôn viên Đan viện Thiên An ở xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, giăng cao biểu ngữ yêu cầu Đan viện Thiên An phải  “trả lại đất cho người dân”.

Tuy nhiên, một số tu sĩ của Đan viện Thiên An đã nhận diện được đám người che mặt là các an ninh và dân phòng của xã Thủy Bằng. Đám người này tụ tập để gây rối sau khi Đan viện dựng một phiến đá khắc ghi lịch sử cây Thánh giá mà nhà cầm quyền nhiều lần đưa người đến đập phá.

Đan viện Thiên An làm chủ khu đất rừng rộng hơn 100 mẫu từ 100 năm trước. Trước năm 1975, Đan viện từng chia đất cho người nghèo, và sau năm 1975, nhà cầm quyền cs VN đã cưỡng chiếm rất nhiều đất của Đan viện.

Vào năm 2016 , Đan viện dựng lên một cây thánh giá, gọi là thánh giá Khổ Nạn, nhưng bị nhà cầm quyền nhiều lần đưa người đến đập phá và giật sập.

Ngoài ra cánh rừng thông bao quanh Đan viện cũng nhiều lần bị bốc cháy mà không rõ lý do.

2)  TRUNG CỘNG BẮT GIỮ 11 NGƯ DÂN VIỆT Ở VỊNH BẮC BỘ.

Tin từ báo Thanh Niên đăng tải ngày 11/08, lực lượng hải cảnh Trung Cộng đã bắt giam 11 ngư dân Ninh Thuận khi chiếc tàu của họ đang đánh cá trong vịnh Bắc bộ của Việt Nam vào ngày 21/7 vừa qua.

Theo bản tin nói trên, vào ngày 23/7, nhà cầm quyền tỉnh Ninh Thuận nhận được  một công điện từ tòa đại sứ cs VN ở Bắc Kinh, nội dung cho biết Trung Cộng đã bắt giữ một tàu cá Việt Nam ở vịnh Bắc bộ, với cáo buộc “đánh cá trong vùng biển Trung Cộng”. Chiếc tàu cùng với 11 ngư dân bị Trung Cộng đưa về giam giữ tại thành phố Phong Thành, tỉnh Quảng Tây.

Tờ báo cho biết thêm về thuyền trưởng chiếc tàu Ninh Thuận là ông Nguyễn Hữu Mỹ, cư trú ở thành phố Phan Rang. Bà Trần Thị Kim Loan, vợ ông Mỹ, nói chồng bà thường xuyên đi đánh cá ở các vùng xa, mỗi chuyến kéo dài khoảng một tháng. Tuy nhiên, cứ vài ba ngày thì ông Mỹ gọi điện thoại cho gia đình nhưng hơn nửa tháng nay biệt vô âm tín. Cách đây 3 ngày, nhà cầm quyền Ninh Thuận mới thông báo cho gia đình về vụ tàu của ông Mỹ đã bị TC bắt giữ.

3)  VIỆT NAM GHI NHẬN CA TỬ VONG THỨ 16, ĐÀ NẴNG VẪN LÀ Ổ DỊCH LỚN.

Tính đến sáng hôm nay, thứ Tư 12/8, Việt Nam đã có 16 người chết vì dịch Vũ Hán, trong khi Đà Nẵng có thêm 10 người nhiễm mới vào hôm qua, nâng tổng số bệnh nhân tại Đà Nẵng lên 405 người, kể từ khi dịch bộc phát vào ngày 25/7.

Người chết mới nhất là một người đàn ông, 37 tuổi, ở tỉnh Quảng Trị, có tiếp xúc với những người bị nhiễm ở Đà Nẵng, được đưa đến bệnh viện Huế để chữa trị vào ngày 10/8. Ngoài 10 người nhiễm mới tại Đà Nẵng vào hôm qua, còn có 6 người ở các tỉnh thành khác, cộng với 3 công dân hồi hương từ hải ngoại, đã được xác nhận là nhiễm dịch tại khu biệt lập.

Theo công bố của bộ Y tế VN, Đà Nẵng là ổ dịch lớn và hiện có tổng cộng 866 người nhiễm, trong đó có 24 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

4)  CHỦ TỊCH HÀ NỘI BỊ NGƯNG CHỨC VÀ KỶ LUẬT ĐẢNG.

Vào hôm qua 11/08, Thủ tướng csVN Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định tạm ngưng chức đối với ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch thành phố Hà Nội, trong khi bộ chính trị CSVN cũng tước bỏ chức phó bí thư thành ủy của ông này.

Vài ngày trước đây, đã có tin đồn là ông Chung sẽ bị trừng phạt vì dính líu đến công ty viễn thông Nhật Cường. Vào tháng trước, ba đàn em thân tín của ông Chung cũng bị bắt giam với cáo buộc “tiết lộ bí mật quốc gia”.

Quyết định ngưng chức ông Chung ghi rõ là nhằm điều tra rõ ràng về các liên quan đến 3 vụ án quan trọng trong thời hạn 3 tháng .

Ông Nguyễn Đức Chung từng là thiếu tướng giám đốc Sở Công an Hà Nội trước khi lên chủ tịch và phó bí thư thành ủy Hà Nội vào năm 2015. Ông cũng là một ủy viên trung ương đảng cs VN.

5)  VIỆT NAM SẼ ĐÁNH THUẾ BÁN PHÁ GIÁ ĐỐI VỚI ĐƯỜNG THÁI LAN.

Bộ Công Thương sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với đường Thái Lan nhằm cứu vãn ngành đường mía của Việt Nam đang gặp khó khăn.

Theo báo cáo của bộ Công Thương, trong vòng 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập cảng gần 500 ngàn tấn đường từ Thái Lan, cao gấp 9 lần so với năm ngoái. Lượng đường nhập cảng từ Thái Lan đã tăng mạnh kể từ khi khối ASEAN dẹp bỏ một số mức thuế. Trong khi đó, sản lượng đường Việt Nam năm nay chỉ đạt khoảng 800 ngàn tấn, sụt giảm hơn 400 ngàn tấn so với năm trước.

Chính vì thế, theo đề nghị của Hiệp hội Mía Đường VN, bộ Công Thương sẽ mở cuộc điều tra về cáo buộc đường Thái Lan đã bán phá giá trên thị trường ASEAN vì được chính phủ Thái Lan trợ giúp phí tổn sản xuất.

6)  NHẬT BẢN CHO VIỆT NAM VAY TIỀN ĐỂ MUA THÊM 6 TÀU TUẦN DUYÊN.

Chính phủ Nhật vừa đồng ý cho Việt Nam vay 345 triệu Mỹ kim để mua 6 tàu tuần duyên, nhằm tăng cường khả năng bảo vệ lãnh hải.

Theo thỏa thuận nói trên, thời hạn vay là 40 năm và có thể gia hạn thêm 10 năm. Một công ty Nhật sẽ đóng 6 chiếc tàu tuần duyên, gọi tắt là ODV, thời hạn chót để chuyển giao cho Việt Nam là cuối năm 2025. Các tàu này có chiều dài 79 thước, vỏ bằng thép và hợp kim nhôm.

Việc ký kết vay tiền diễn ra trong lúc Trung Cộng ngày càng hung hăng ở Biển Đông và Hoa Kỳ đã bày tỏ lập trường ngày càng cứng rắn hơn, phản đối những yêu sách hàng hải “hoàn toàn trái pháp luật” cùng chiến lược “bắt nạt” Việt Nam và các quốc gia khác trên Biển Đông.

Theo thông cáo báo chí của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, gọi tắt là JICA (The Japan International Cooperation Agency) thì Nhật  đã ký thỏa thuận này với Chính phủ cs Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 28/7/2020.  Việc gọi thầu cũng như thực hiện đóng tàu sẽ bắt đầu từ năm 2021.

No comments:

Post a Comment