Saturday, August 22, 2020

Tin Tức: Thứ Bảy 22.08.2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Hoàng Ân & Đồng Tâm trình bày sau đây.

HOA KỲ CHỐNG MƯU ĐỒ ÁP ĐẶT PHƯƠNG CHÂM “MẠNH ĐƯỢC YẾU THUA” Ở BIỂN ĐÔNG CỦA TRUNG CỘNG

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink mới đây phát biểu rằng Hoa Thịnh Đốn bác bỏ bất kỳ hành động nào nhằm áp đặt phương châm: “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông và lên án yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Cộng đối với Bãi Tư Chính.

Trong buổi thảo luận gần đây về chính sách mới về Biển Đông của Hoa Kỳ trên Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, ông Kritenbrink nói:

 “Chính sách này chứng tỏ thêm rằng Hoa Kỳ luôn sát cánh với các đồng minh cũng như các đối tác tại Đông Nam Á trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền và lợi ích của họ, phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Đồng thời, ông Kritenbrink cũng xác định chính sách an ninh khu vực của Hoa Kỳ ở Biển Đông qua tuyên bố rằng “Hoa Kỳ chống lại sự cưỡng ép, bắt nạt, các hành vi bất hợp pháp của Trung Cộng, Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách của Trung Cộng đối với vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý xung quanh bất kỳ cấu trúc nào tại quần đảo Trường Sa”. Sau đó, vị đại sứ Hoa Kỳ nói thêm rằng:

 “Trung Cộng cần chấm dứt chiến thuật bắt nạt và đe dọa ngày càng hung hăng nhằm ngăn cản Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á khi Việt Nam và các nước này khai thác nguồn tài nguyên một cách chính đáng.”

SAMSUNG BỊ PHẢN ĐỐI VỀ VIỆC THAM GIA XÂY DỰNG NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN THAN Ở VIỆT NAM

Nhiều nhà hoạt động môi trường đã tập trung phản đối bên ngoài cửa hàng của Công ty Samsung tại Vương quốc Anh, trên phố Oxford vào sáng 21/8, kêu gọi công ty ngưng kế hoạch giúp Việt Nam xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới ở Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.

Cuộc biểu tình đã thu hút người tham gia từ các nhóm hoạt động xã hội sau khi có tin Samsung C&T, một chi nhánh của Đại công ty Samsung, đang đàm phán với nhà cung cấp thiết bị Doosan Heavy Industries để giúp xây dựng nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 2 tại Việt Nam.

Dự án này đang trong quá trình xin cấp phép. Theo đó nhà máy này sẽ có gồm hai tuabin 600MW. Nếu được cấp phép, tuabin đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024 và tuabin thứ hai vào năm 2025. Nhà máy có thể hoạt động ít nhất trong 30 năm.

Các nhóm vì môi trường xanh, nhóm hoạt động cộng đồng và luật sư đã nhiều lần cảnh báo rằng việc xây dựng nhà máy đi ngược với Thỏa ước Paris mà Việt Nam đã ký kết. Ngoài ra, tro than từ nhà máy sẽ ảnh hưởng xấu đến đất canh tác của địa phương trên toàn tỉnh Hà Tĩnh.

VIỆT NAM ĐÃ BÁN HƠN 12.300 CĂN NHÀ CHO NGƯỜI NGOẠI QUỐC TRONG 5 NĂM

Các tổ chức và cá nhân người ngoại quốc ở Việt Nam đã mua hơn 12.300 căn nhà trong 5 năm qua, chủ yếu tập trung tại Sài Gòn.

Số liệu của Hiệp hội Bất động sản thành Hồ cho thấy cụ thể trong 5 năm vừa qua, 17 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn tại Việt Nam đã bán hơn 12.300 ngôi nhà cho khách hàng đến từ Hoa Lục, Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, và Singapore.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, người ngoại quốc mua nhà chiếm tỉ lệ 2% tổng số nhà ở trong 5 năm qua. Họ thường đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp ở vùng ngoại ô.

Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đã cảnh báo về tình trạng một số người nước ngoài nhờ doanh nghiệp hoặc cá nhân người Việt đứng tên mua nhà tại một số địa điểm “nhạy cảm,” có ảnh hưởng đến quốc phòng và an ninh quốc gia.

Hai tháng trước, Bộ Công an đã đưa ý kiến không phát triển thêm các dự án nhà và biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú, và không hợp thức hóa các loại kiến trúc này thành nhà ở.

HỘI NGHỊ HỢP TÁC NHIỀU QUỐC GIA VỀ SÔNG MEKONG-LAN THƯƠNG  

Hội nghị trực tuyến cấp cao Hợp tác sông Mekong-Lan Thương lần thứ 3, sẽ diễn ra vào ngày 24/08  nhằm đánh giá về kết quả hợp tác giữa Trung Cộng và 5 nước trong vùng có dòng sông Mekong chảy ngang qua.

Lào và Trung Cộng cùng chủ trì hội nghị, với sự tham gia của lãnh đạo 4 nước gồm Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Chương trình nghị sự được cho biết 6 nước sẽ cùng nhau thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế và phát triển bền vững, cũng như văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân. Đồng thời, hội nghị cũng thảo luận và thông qua một số văn kiện hợp tác mới . 

Trung Cộng và Lào bị cáo buộc gây hại cho các nước ở hạ nguồn sông Mekong khi xây dựng chuỗi đập thủy điện lớn trên dòng chính của sông. Giới chuyên gia môi trường cho rằng các đập này gây ảnh hưởng cho môi trường, giữ nước, chặn dòng phù sa, nguồn cá, và các quốc gia hạ nguồn đã và đang phải hứng chịu tai hại từ nhiều năm qua.

MANILA GỬI CÔNG HÀM PHẢN ĐỐI HÀNH XỬ CỦA BẮC KINH Ở BIỂN ĐÔNG

Vào thứ Năm ngày 20/8, Philippines đã gửi công hàm phản đối việc Trung Cộng tịch thu tài sản của ngư dân nước này tại Biển Đông.

Công hàm nói rõ, vào tháng Năm, Trung Cộng đã tịch nhiều thu thiết bị đánh cá của  ngư dân Philippines tại khu vực bãi cạn Scarborough, là nơi đang tranh chấp giữa hai quốc gia.

Ngoài ra, Manila cũng mạnh mẽ phản đối việc Bắc Kinh tiếp tục đưa ra các thách thức qua vô tuyến đối với phi cơ tuần tra của Philippines ở Biển Đông.

Trước đó, vào tháng Tư năm nay, Philippines cũng đã gửi hai công hàm phản đối Trung Cộng về việc tàu hải quân Trung Cộng chĩa súng đe dọa tàu hải quân Philippines.

No comments:

Post a Comment