Wednesday, August 26, 2020

Tội ác cơ hàn!

Chuyện Nước Non Mình

Thưa quý thính giả, trong một xã hội mà luật pháp thiếu tôn nghiêm minh bạch, bị coi thường từ trên xuống dưới thì người dân nghèo đã phải bất chấp tất cả để làm những nghề nguy hiểm kể cả phạm pháp để mưu sinh.

Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Tội ác cơ hàn!” của Thanh Nhã sẽ được Lê Khanh     trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.

Một lão nhà giàu qua đò và bất cẩn bị rơi xuoống nước. Thaằng con trai luôn mồm ra giá cầu cứu: thưởng 10 quan, thưởng 7 quan, 3 quan… Cứ mỗi lần mức giá cứu mạng được đưa ra, lão nhà giàu ráng ngoi lên chê đắt. Cuối cùng, không chịu thỏa thuận 1 quan cho mạng sống của mình, lão nhà giàu thà chịu chết trong dòng nước dữ chứ không chi tiền!

Chúng ta cười vào thói keo bẩn với cả mạng sống của mình! Nhưng, có bao giờ chúng ta thử đặt ngược vấn đề: Tại sao cả chuyến đò ấy không ai mảy may có chút trắc ẩn với nỗi đau của đồng loại mà hi sinh cứu người?

Đặt được câu hỏi ấy, lão hà tiện kia trở nên đáng thương trong xã hội ghẻ lạnh và tàn ác khi mà đồng tiền xoáy mòn từng thớ tim… Còn đứa con ở lại sẽ được giáo dục gì với khối gia sản thừa kế từ cái chết của cha…Nhưng dẫu sao, chuyến đò nghèo không an toàn đó cũng là chuyện dân gian có thể không có thật. Giờ đến những việc thiệt như đếm trên đất nước mình, những tội phạm đến từ mưu sinh hèn nhục, bất chấp mạng người.

Ngày 24/9/2016, một người đàn ông khắc khổ điều khiển xe ba gác chở đầy tôn cũ đã tông vào một cháu bé 9 tuổi. Hậu quả của vụ tai nạn là những tấm tôn sắc lẹm đã cắt đứt cổ cháu bé làm chết ngay tại chỗ. Vụ việc xảy ra tại Hà Nội. Người điều khiển ba gác hơn 50 tuổi, chật vật mưu sinh, bị bắt tạm giam rồi truy tố, xét xử, người đàn ông này tự đẩy cuộc sống lay lắt của gia đình khốn cùng mà ông là trụ cột, nay càng cùng khốn.

Tại Đồng Nai, ngày 19/4/2019, một ba gác cũng chở đầy tôn lao vào đường ngược chiều gây tai nạn. Lần này, thảm họa cũ lại xảy ra: Tôn cắt cổ một người đàn ông khác chết tại hiện trường! Nạn nhân và kẻ gây tai nạn có cùng hoàn cảnh: Nghèo!

Mới đây, một chiếc ba gác khác chở đồ cồng kềnh chạy vào làn đường cho xe ô tô đã tông vào đuôi chiếc Posche siêu sang trên cầu Sài Gòn. Bác tài xe xịn là tài xế chạy mướn mếu máo nhìn xe chủ. Còn anh ba gác bưng mặt nghĩ đến cái nghèo một phút chạy ẩu mà có lẽ bán hết ruộng vườn ở quê chưa chắc đủ đền!

Thử rảo quanh các con đường ở bất cứ đô thị nào, dễ dàng nhận thấy người bán hàng rong, bán trái cây chiếm hết lòng đường để mua bán. Thậm chí, có người còn ra giữa đường bày mẹt rau củ, trái cây, bất chấp dòng xe qua lại tấp nập. Tai nạn xảy ra, chết người, hư hại tài sản, cái lý do mưu sinh lại được trưng dụng để biện hộ cho tội lỗi hồn nhiên…

Trở lại chuyện anh Tâm ở Tây Ninh bắt rắn hổ mang chúa bán để trang trải học phí cho con. Ở góc nhìn nào cũng dễ nhận thấy lòng thương cảm và sự vĩ đại âm thầm của đấng sinh thành!

Chấp nhận lo cho con, những gã thợ rừng ngày đêm tận diệt môi sinh, bắt thú quý hiếm và dĩ nhiên là phạm pháp! Rằng, nếu pháp luật công tâm, các người đó sẽ phải bị khởi tố. Biện hộ cho cái nghèo cũng chính là lý do san hô đỏ, rong biển, các loài cá và cả rạn san hô ngày đêm trân mình với xuyệt điện và thuốc nổ…

Nghèo không phải cái tội nhưng chắc chắn vì nghèo mà bất chấp an toàn của cộng đồng, văn minh chung thì đó là tội. Làm gì có lý do để bào chữa cho hành vi trộm cắp, giết người hay vì mua bán mà mở loa ô nhiễm tiếng ồn khắp hang cùng ngõ hẻm…

Một thực tế khác phũ phàng hơn, đó là chúng ta đang ở trong một xã hội lệch chuẩn. Gần như tất cả mọi thành viên trong xã hội ấy đều coi giá trị vật chất là thước đo. Vì vậy sự phân hóa giàu nghèo ngày càng đạt tới đỉnh cao và vực thẳm. Quan chức biến chất và doanh nghiệp thẳng tay cấu kết để trục lợi, tước đoạt đất đai của dân, thứ tư liệu sản xuất vô cùng quan trọng để đẩy một bộ phận dân chúng tha phương cầu thực. Rằng pháp luật chưa thực sự đem đến công bằng khi nhà hàng sang trọng, khách sạn có sao ngang nhiên cưỡng chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn ngày đêm tồn tại. Và cả những đại gia thích thú chi tiền tỷ với xác chết thú rừng ngâm rượu, trồng san hô đỏ trong hồ thủy sinh như một thứ giai cấp. Lẽ ra, với hành vi ngâm rượu động vật rừng các nhóm nguy cấp, đủ để cơ quan pháp luật xử phạt tội tàng trữ, sử dụng.

Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Đúng, nhưng chưa đủ, mà phải là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Bình đẳng đó là thực thi pháp luật minh bạch, công tâm ở mọi quan hệ xã hội từ giáo dục, giao thông, chính sách đất đai, bảo vệ môi trường…

Đừng ép mỗi người phải tự ý thức! Chẳng có ý thức nào lớn hơn lòng tham! Hãy ép một xã hội tuân thủ pháp luật từ nhà nước đến công dân. Luật pháp không nghiêm là con đường dẫn dân tộc đi chung chuyến đò mà không tiền bạc nào mua được nữa các giá trị đã mất đi!

Thanh Nhã

No comments:

Post a Comment