Monday, August 17, 2020

Đất nước mình ngộ quá, phải không anh?

Chuyện Nước Non Mình

Thưa quý thính giả, oan ức, cướp bóc và xây tượng đài là những điều trái tai, gai mắt, đau lòng đã và đang xảy ra trên đất nước Việt Nam mỗi ngày. Qua chuyên mục Chuyện Nước Non Mình, mời quý thính giả theo dõi bài viết của Thảo Ngọc có tựa đề: “Đất nước mình ngộ quá, phải không anh?”_sẽ được Hoàng Ân trình bày để tiếp nối chương trình.

Việt Nam quả là đất nước có nhiều điều kỳ lạ.

Đúng như câu thơ của cô giáo Trần Thi Lam đã viết: “Đất nước mình ngộ quá phải không anh”?

Đầu tiên, đất nước này được gọi là cường quốc dân oan do bị cướp đất, khi họ đang an cư lạc nghiệp trên mảnh đất của mình thì bỗng dưng được bọn quan tham đến cướp đất. Họ được bồi thường với giá rẻ mạt, đẩy người dân phải đi nơi khác sinh sống với mọi thứ thiếu thốn trên đời.

Không chỉ là người dân oan mà còn có công an oan. Đó là các cán bộ Công an huyện Đông Anh (Hà Nội). Theo đó, từ năm 2002, Công an huyện Đông Anh được cấp 2 ha 2 đất làm nhà ở cho cán bộ chiến sĩ. Họ đã thành lập hội đồng phân phối và gần 200 người đủ tiêu chuẩn phân phối nhà đất. Họ đã ký hợp đồng với Công ty TNHH đầu tư và xây dựng An Thịnh xây dựng hạ tầng, mỗi cán bộ đã nộp 125 triệu đồng. Từ năm 2002-2006, họ đã nộp tổng cộng trên 20 tỉ đồng. Năm 2008, dự án khởi công, nhưng đến nay vẫn là bãi đất hoang. Bị ăn thịt lừa, họ giăng băng rôn biểu ngữ đòi nhà.

Rồi đến cô giáo oan. Đó là cô giáo Đặng Huỳnh Mai, cựu Thứ trưởng Bộ Giáo Dục. Cô này ra Hà Nội ngồi ghế Thứ trưởng, mấy chục năm ở nhà công vụ. Nay cô này về hưu thì Bộ Xây dựng đòi lại nhà. Mặc dù chồng cô này là cựu Bí thư Vĩnh Long, có nhà biệt thự to đẹp nhất Thành phố Vĩnh Long, nhưng tại Hà Nội thì nếu trả nhà thì cô phải ra đứng đường, thành cô giáo oan.

Thứ hai: Là đất nước của các loại tặc. Nào cát tặc, đinh tặc, lâm tặc, tin tặc v.v… Gần đây người ta lại phát hiện ra một loại tặc khác rất chi là ghê gớm. Nếu như các loại tặc kể trên chỉ hành động lẻn lút, mờ ám nhằm che đậy tung tích của mình, thì loại tặc này hoạt động công khai đàng hoàng. Loại tặc này được dân ta gọi là… Quan tặc. Nói cho vuông là Cướp. Nhà thơ Nguyễn Duy đã lột tả chân tướng bọn này rất chính xác như sau:

“Cướp xưa băng nhóm làng nhàng,

cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi,

có con dấu đóng đỏ tươi,

có còng, có súng, dùi cui, nhà tù.

cướp xưa lén lút tù mù,

cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa,

con trời bay lả bay la,

cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng”.

Thứ ba: Là đất nước của những tượng đài.

Ngày nay khắp chốn mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, người ta đang thi nhau xây dựng tượng đài. Xin liệt kê một số tiêu biểu sau đây.

Đầu tiên là tượng đài HCM tại Thành phố Vinh (Nghệ An), cao 18m, trong đó phần đế cao 6m, phần tượng cao 12m đặt tại Quảng trường Hồ Chí Minh rộng gần 12ha.

Tiếp theo là tượng đài HCM khánh thành năm 2012, bằng đồng nguyên chất tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku, Gia Lai), với chiều cao 10,8 m, trên bệ bê tông ốp đá xanh Thanh Hóa cao 4,5 m, đứng giữa khuôn viên rộng lớn của Quảng trường Đại Đoàn Kết rộng 12 ha.

Một tỉnh nghèo như Sơn La, hàng năm phải sống bằng nguồn trợ cấp của TƯ, mà đòi xây tượng đài 1.400 tỷ, đến nỗi GS Ngô Bảo Châu đã phải thốt lên: “Số tiền này đủ để xây toàn bộ trường, các ký túc xá cho Sơn La và các tỉnh miền núi. Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”.

Với tinh thần “Học tập và làm theo…”, tỉnh nghèo Đắk Nông đang xây tượng đài có tổng mức đầu tư hơn 167 tỷ đồng.

Tượng đài ở Đắk Nông được xây dựng từ cấp xã đến huyện và sắp có thêm tượng đài N’Trang Lơng, tại phường Nghĩa Đức, thành phố Gia Nghĩa, trên diện tích 5,9 hécta.

Đến công trình Di tích lịch sử Nam Nung (tại xã Nam Nung, huyện Krông Nô) được xây dựng gần 30 tỷ đồng, xây dựng xong thì bỏ hoang, không ai chăm sóc.

Và huyện Đắk Mil mới khánh thành tượng đài ở trung tâm thị trấn, chi phí xây dựng hơn 11 tỷ đồng

Được biết, Đắk Nông liên tục nhận gạo cứu đói từ Chính phủ, từ tháng 4/2020 đến nay tỉnh này nhận hơn 300 tấn gạo….

Tại Kiên Giang, Sân bay Phú Quốc cũ được chọn làm nơi xây dựng quảng trường hơn 8 ha với sức chứa 20.000 người, đặt tượng đài HCM, cao 18 m, với chi phí 353 tỷ đồng.

Vì sao họ lại thích xây tượng đài?

Nếu các công trình khác như đường sá, cầu cống hay nhà cửa mà rút ruột nhiều quá thì sau khi đưa vào sử dụng sẽ bị xuống cấp và lòi ra ngay. Như cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi 34,5 ngàn tỷ, vừa làm xong đã bị hỏng do… trời mưa. Đã có hàng chục em bị kỷ luật.

Còn tượng đài thì được, dù là ai thì cũng chỉ là hình nộm vô hồn, chỉ là cục bê tông không biết nói, vì vậy tha hồ rút ruột chia nhau. Công trình càng lớn thì các quan đớp càng nhiều. Qua việc người ta đua nhau xây tượng đài tối đa. Họ coi hình tượng HCM như miếng thịt lợn, đem “lật đi lật lại”, đem chiên để thi nhau chấm mút.

Nếu Tố Hữu còn sống, không biết sẽ nghĩ gì về thế hệ đàn em bây giờ đang ra sức làm cái điều mà trước đây ông mạt sát, mắng chửi và cho là nhảm nhí xằng bậy không nhỉ? Có điều Tố Hữu chửi Mao, cho xây “những tượng đồng phơi những lối mòn”. Còn bây giờ, tượng đài không “phơi” ở những lối mòn như bên Tàu, mà nằm chình ình trên những khu đất rộng hàng mấy chục héc-ta. Vì vậy dù dân Sơn La, Đắk Nông và những nơi khác dân không chết đói tức thì như thời Mao, mà có chết là chết từ từ. Nhưng trước khi nhắm mắt xuôi tay thì họ cũng đã được an ủi bằng cách đi ngắm tượng đài cho đỡ đói.

Cái tượng đài đẹp nhất, vĩnh cửu nhất không phải là những khối bê tông cao mấy chục mét trên diện tích mấy chục héc-ta. Mà là tượng đài ở trong lòng dân.

Vì:

“Thương dân dân lập bàn thờ,

Hại dân, dân đái sập mồ thối xương”.

Thảo Ngọc

No comments:

Post a Comment