Tuesday, April 2, 2019

Trong bạo ngược, nhân ái và sự tử tế vẫn lấp lánh

Chuyện Nước Non Mình

Thưa quý thính giả, giữa một đời sống xã hội đầy sự hỗn loạn bạo ác dập lên đầu, dội vào mặt dân chúng vẫn xuất hiện những tấm gương can đảm đầy vị tha của những con người còn nguyên vẹn lòng nhân ái, bao dung rất đáng khen ngợi. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Trong bạo ngược, nhân ái và sự tử tế vẫn lấp lánh” của Trân Văn sẽ được Tâm Anh trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.

Trân Văn.
Câu chuyện Vi Quyết Chiến, 13 tuổi, ngụ tại xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, tự đạp xe, tìm đến Viện Nhi Trung ương (phường Láng Thượng, quận Ba Đình, Hà Nội), cách nơi cậu cư trú… 172 km, làm người ta ấm lòng.

Theo tờ Tuổi Trẻ, trưa 25 tháng 3, đi học về đến nhà, nghe ông nói, đứa em hai tháng tuổi mà cậu chưa gặp mặt vì sau khi ra đời vẫn nằm ở Viện Nhi Trung ương, đang nguy kịch, Chiến đã lấy chiếc xe đạp vẫn dùng hàng ngày để về Hà Nội thăm em.
Cậu bé 13 tuổi này không biết Hà Nội ở đâu nên vừa đi, vừa hỏi…
Tối 25 tháng 3, khi đi ngang huyện Vân Lạc, tỉnh Hòa Bình, tài xế một chiếc xe đò thấy một đứa trẻ đứng bên đường vẫy tay xin đi nhờ. Gặng hỏi, tài xế và hành khách mới biết ý định của Chiến và đưa cậu về Hà Nội rồi nhắn cha cậu ra Bến xe Mỹ Đình đón con.
Người ta ước tính, Chiến đã đạp xe khoảng 103 cây số cho đến khi được xe đò đón. Video clip do một hành khách trên chiếc xe đò vừa kể ghi lại lúc tài xế dừng xe đón Chiến giữa đường và khi cha của Chiến từ Viện Nhi Trung ương ra Bến xe Mỹ Đình đón con khiến người ta sửng sốt…
Những người rành rẽ hệ thống giao thông khu vực Tây Bắc đều lắc đầu khi biết tin một đứa trẻ 13 tuổi vượt quãng đường dài 103 cây số toàn đèo, dốc bằng một chiếc xe đạp chỉ lớn hơn đồ chơi trẻ con một chút và không có thắng. Chiến đã dùng dép
để thắng nên đôi dép của cậu bị biến dạng.
Tờ Tuổi Trẻ kể rằng, khi biết chuyện, bác sĩ điều trị cho em của Chiến đã mua cho cậu một đôi dép mới, tặng cha của Chiến một món tiền để anh đưa Chiến về nhà.
Khi câu chuyện được đưa lên báo, có thêm hàng chục người tìm vào bệnh viện, tìm đến nhà, giúp cha mẹ Chiến tiền chữa bệnh cho em của cậu (sinh non, viêm phổi, ứ mật)…
Cậu bé 13 tuổi được công chúng chú ý vì tình thương cậu dành cho đứa em bé bỏng, không may mắc nhiều bệnh đã khiến cậu làm được một chuyện hết sức hy hữu, mà có lẽ phần lớn người lớn sẽ lắc đầu vì cho rằng bất khả. Sự tử tế không ngừng ở Chiến, nó được mở rộng hơn khi bác sĩ và nhiều người lạ mặt xúm vào giúp gia đình Chiến.
Phóng viên của tờ Tuổi Trẻ đã tìm gặp người tài xế dừng lại cho Chiến quá giang. Ông ta từ chối cho biết họ tên vì “đó là điều bình thường, không đáng để kể”. Video clip do hành khách Lê Công Huy ghi lại lúc tài xế xe đò dừng xe, hỏi chuyện, rồi quyết định đón Chiến cho thấy, ông rõ ràng là một anh hùng!
***
Video clip mà hành khách Lê Công Huy cung cấp cho tờ Tuổi Trẻ dài 6 phút 57 giây. Từ giây 46 đến hết phút đầu tiên, khi Chiến xin đi nhờ, một số hành khách lưu ý đến khả năng tài xế xe đò có thể bị công an bắt, phạt tù như Nguyễn Ngọc Dũng. Tuy sự bạo ngược của hệ thống tư pháp còn “tươi”, vết hằn trong nhận thức công chúng còn đậm nhưng người tài xế chiếc xe đò không đủ nhẫn tâm bỏ lại một đứa trẻ phờ phạc, lẻ loi trên quốc lộ vắng ngắt giữa đêm.
Bạo ngược đã không đuổi được lòng nhân ái, sự tử tế ra khỏi con người. Nếu hệ thống tư pháp làm tròn vai trò “răn đe, giáo dục” thông qua các bản án như bản án dành cho tài xế Nguyễn Ngọc Dũng hồi cuối tháng trước khi bạo ngược chiến thắng thì đứa trẻ 13 tuổi vừa đói khát, vừa kiệt sức ấy sẽ phải tiếp tục đi tới. Ai dám khẳng định Vi Quyết Chiến sẽ an toàn cho đến khi gặp được cha mẹ và em ở Viện Nhi Trung ương mà không gặp bất kỳ rủi ro nào?
Trong bạo ngược, lòng nhân ái và sự tử tế vẫn lấp lánh!

No comments:

Post a Comment