Sunday, April 21, 2019

Việt Nam Tuần Qua

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quý thính giả, sau đây phóng viên Hoàng Ân và Trường An sẽ điểm lại những sự kiện nỗi bật tại Việt Nam trong tuần qua. Xin nhường lời cho chị Hoàng Ân . 

Hoàng Ân: Cám ơn chị Mỹ Linh
Trước hết HA xin kính chào quý thính giả của đài và xin chào anh TA.
Trường An: TA xin chào quý thính giả và chị HA
Hoàng Ân: Thưa anh TA, anh có ghi nhận như thế nào trước việc ông Nguyễn Phú Trọng bị tai biến mạch máu não và tê liệt nửa người?

Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Trong khi báo chí nhà nước vẫn giữ im lặng, nhiều nguồn tin nội bộ tiết lộ là TBT kiêm Chủ tịch nước CSVN, Nguyễn Phú Trọng, bị tai biến mạch máu não và tê liệt nửa người, đang được chữa trị tại bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn.
Các hình ảnh phổ biến trên mạng cho thấy an ninh được siết chặt chung quanh bệnh viện Chợ Rẫy, trong khi báo chí rầm rộ đăng tải hình ảnh ông Trọng đi thăm tỉnh Kiên Giang vào Chủ nhật 14/4.
Theo các nguồn tin cao cấp, ông Trọng bị đột quỵ khi chủ trì buổi hội nghị với giàn lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, sau đó được trực thăng gấp rút đưa đi bệnh viện Chợ Rẫy.
Điểm đáng chú ý là ông Nguyễn Thanh Nghị, bí thư tỉnh ủy Kiên Giang và là con trai cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cũng có mặt trên chiếc trực thăng chở ông Trọng đến Sài Gòn. Trong khi ông Dũng đã có mặt sẵn ở bệnh viện Chợ Rẫy khi nhận được tin báo. Một số quan chức cấp cao như ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành ủy thành Hồ, cũng có mặt.
Hoàng Ân: Theo tôi được biết việc ông Trọng đột ngột ngã bệnh tại Kiên Giang, nơi được coi là cái nôi của gia tộc Nguyễn Tấn Dũng, đã tạo nên những lời đồn đoán khác nhau trong dư luận. Anh có suy nghĩ gì về việc này?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, vụ việc xảy ra chỉ ngay sau vụ ông Phạm Nhật Vũ bị bắt giam. Ông Vũ là em trai tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng, liên quan đến thương vụ MobiFone mua AVG gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 7 ngàn tỷ đồng.
Được biết bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái ông Nguyễn Tấn Dũng, là người có vai trò “chủ mưu” trong thương vụ được coi là “đại án” này. Theo một số dự đoán, đích đến cuối cùng mà ông Trọng nhắm đến là phải khởi tố cho bằng được bà Nguyễn Thanh Phượng, triệt hạ hoàn toàn tiềm lực kinh tế của gia đình Nguyễn Tấn Dũng.
Việc ông Trọng đường đột đến Kiên Giang nằm trong kế hoạch đã định sẵn, tuy nhiên cú ngã bệnh của ông đã khiến mọi toan tính có nguy cơ đổ bể phút chót.
Hoàng Ân: Thưa anh TA, anh có vui lòng nhắc lại việc nhân dân ở xã Đồng Tâm tưởng niệm 2 năm ngày vùng lên giữ đất để quý thính giả đài hiểu hơn?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Hàng trăm công an Hà Nội đã kéo đến xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức – Hà Nội, để theo dõi buổi tưởng niệm biến cố vào 2 năm trước khi người dân Đồng Tâm vùng dậy giữ đất, bắt giam 38 quan chức và công an cơ động làm con tin.
Các hình ảnh phổ biến trên mạng cho thấy lực lượng công an được trang bị đầy đủ, xuất hiện dày đặc trên các nẻo đường dẫn đến nơi tổ chức buổi lễ. Thế nhưng buổi lễ vào chiều hôm qua, thứ Hai 15/4, vẫn diễn ra trong vòng ôn hòa.
Vào 2 năm trước, sau khi công an đánh đập và bắt đi 4 người xã Đồng Tâm, một cuộc phản kháng đã diễn ra mạnh mẽ. 38 quan chức và công an bị người dân bắt giam suốt một tuần lễ để yêu cầu trả tự do cho những người bị bắt và giải quyết vụ tranh chấp 59 mẫu đất bị giao cho bộ quốc phòng. Các con tin được phóng thích sau khi ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch thành phố Hà Nội, đích thân đến xã Đồng Tâm để hoà giải và viết giấy cam kết sẽ giải quyết vấn đề vào ngày 22/4/2017.
Hoàng Ân: Thế còn việc sau 10 năm người dân ròng rã khiếu kiện, vào hôm qua một phái đoàn thanh tra nhà nước Việt Nam đã mở cuộc đối thoại lần đầu tiên với dân oan xã Dương Nội, quận Hà Đông, về các vụ cưỡng chiếm đất đai của họ vào năm 2008 là sao?
Trường An: Được biết buổi đối thoại chỉ diễn ra trong vòng 45 phút, và hầu hết thời gian là chỉ ghi chép các ý kiến và yêu cầu của người dân. Sau đó các quan chức thanh tra cộng sản hẹn sẽ đệ đạt vụ việc lên ông Nguyễn Văn Thanh, phó tổng thanh tra nhà nước.
Vụ dân oan Dương Nội đã liên tục khiếu kiện về quyết định cưỡng chiếm đất đai của họ, bắt đầu từ năm 2008. Qua đến năm 2010, nhà cầm quyền Hà Nội quyết mạnh tay cưỡng chế để thu đất, dẫn đến cuộc đấu tranh kéo dài hơn10 năm, đã làm cho rất nhiều dân oan bị bắt bớ và bỏ tù về tội “gây rối trật tự công cộng” và “tuyên truyền chống phá chế độ”.
Hoàng Ân: Vâng, Hoàng Ân xin cám ơn anh Trường An và xin hẹn gặp lại vào tuần tới.

No comments:

Post a Comment