Tuesday, April 16, 2019

Quy hoạch báo chí: quyền tự do ngôn luận không nằm ở số lượng

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, trước sự phát triển vũ bão của kỹ nghệ tin học, đảng CSVN đang cố gắng vô vọng kiểm soát thông tin và giới hạn quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của An Viên với tựa đề: “Quy hoạch báo chí: quyền tự do ngôn luận không nằm ở số lượng” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

An Viên
Tâm điểm tuần qua là câu chuyện quy hoạch báo chí, theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 362-QĐ/TTg phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Căn cứ trên Quyết định này, thì các cơ quan báo in được sắp xếp theo hướng số lượng giảm nhưng mỗi cơ quan có thể nhiều ấn phẩm (trong đó có một ấn phẩm chính và một số ấn phẩm khác). Nói cách khác, mỗi bộ, tỉnh, thành sẽ chỉ có một cơ quan báo in.

Nhà báo Tâm Chánh trong bài phỏng vấn trên BBC Vietnamese với hai đại ý rằng, một là Đảng nắm chặt mặt trận dư luận qua công cụ báo chí; thứ hai – có vẻ lần nắm chặt công cụ này khiến quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận không còn được bảo đảm.
Quan điểm này của nhà báo Tâm Chánh cũng là trùng với quan điểm không ít người, bởi nhiều người hình dung, việc đưa hệ thống cơ quan báo chí trở về thành cơ quan, cụm lại theo việc giảm số lượng là cách “nắm đầu” hiệu quả nhất đối với cánh báo chí. Và không ít người tin rằng, việc giảm số lượng báo chí là một hình thức giảm đi quyền tự do ngôn luận.
Thực chất, trong nền báo chí Việt Nam hiện nay, sự tồn tại của Ban Tuyên giáo T.Ư, và buộc trưởng – phó ban của một tòa soạn báo phải là đảng viên, thì số lượng báo chí muôn đời vẫn chỉ là công cụ.
Các báo cáo nhân quyền nước ngoài khi phản ánh về vấn đề Việt Nam cũng thường dẫn dắt bằng số lượng báo đài, cơ quan báo chí,… nhưng kết luận luôn là “không có tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do thông tin”, và nhiều năm qua, Việt Nam luôn xếp cuối bảng về tự do báo chí.
Chúng ta cần nhìn nhận một cách thẳng thắng, và rõ ràng rằng, tính công cụ hay giai cấp trong nền báo chí Việt Nam không cần thể hiện qua số lượng, mà thông qua khả năng tiếp cận vấn đề đến đâu (tiếp cận thông tin), khả năng phản ánh thông tin như thế nào (tự do thông tin), và hệ kiểm duyệt ra sao (quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận). Ngay cả việc, giảm hàng trăm ngàn báo chí xuống còn 1, thì mẫu số chung tự do báo chí của Việt Nam vẫn là… cuối bảng tự do.
Thứ hai, việc quy hoạch báo chí này tác động đến đội ngũ nhà báo, nhưng không đến mức đẩy hàng ngàn người ra đường, ít nhất là cánh nhà báo – phóng viên. Bởi thu hẹp mỗi tỉnh thành chỉ còn 1 cơ quan báo, nhưng trong đó lại có thể chứa nhiều ấn phẩm khác nhau. Thậm chí, ngay cả khi tác động đến đội ngũ làm báo ở 1 số lượng nào đó, thì tính tích cực là sự “thanh lọc” những nhà báo nghiệp vụ kém, đạo đức kém trong làng báo – vốn đang góp phần cải hóa, lưu manh hóa (sử dụng ngòi bút để PR chính sách, doanh nghiệp sai phạm, sử dụng thẻ phóng viên – nhà báo để tống tiền doanh nghiệp) nền báo chí Việt Nam.
Về phía tự do báo chí, nó vẫn phải phát huy, vấn đề là phát huy ở điểm nào?
Nhiều ấn phẩm khác nhau trong một cơ quan in, vẫn có thể làm nên tự do báo chí, nếu như cơ chế – chính sách của chính Ban tuyên giáo T.Ư ĐCSVN được cởi mở ra. Hoặc ít nhất là gỡ bỏ được vùng cấm trong báo chí, liên quan đến chống tham nhũng, minh bạch chính sách được bảo hộ. Còn không, thì như đề cập trên, dù 100 – 1000 tờ báo tồn tại, thì chính sách tự do vẫn không được gọi tên.
Tính tích cực có thể nhận thấy được qua Quyết định quy hoạch lần này có thể tác động đến khả năng làm tin báo trên mạng xã hội, cũng như các trang tin “lề trái”. Thực tế trong nhiều năm trở lại đây, hệ thống báo chí quốc doanh tiến hành hoạt động báo chí nhờ vào nguồn tin được phản ánh liên tục và nhanh chóng trên mạng xã hội (đặc biệt là Facebook). Nhưng mạng xã hội không chỉ cung cấp tin, mà dần hình thành một nơi bình luận và chia sẻ tin tức, một số khác chuyển biến trở thành hệ thống “đài” mang tính quy củ và chuyên nghiệp (trong đó có đài CHTV của ông Lê Văn Dũng (Lê Dũng Vova) chuyên về phản ảnh đơn thư – khiếu kiện của người dân). Quyết định của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ gián tiếp tạo động lực khiến Facebook trở thành một làng báo công dân, với hiệu ứng dư luận lớn hơn và đạt nhiều tin cậy hơn. Trong thực tế, nhiều nhà báo kỳ cựu hiện nay chọn chia sẻ bài vở, quan điểm trên trang Facebook cá nhân của mình, bởi tính tương tác với cộng đồng lớn và nhanh.
Thứ hai, Quyết định quy hoạch báo chí nêu trên cũng cho thấy bản thân nhà nước Việt Nam đang muốn ngăn chặn sự tư nhân hóa báo chí, mà trong đó các tờ báo đang đại diện cho một thể lực kinh tế – chính trị trong nước. Chặn tư nhân hóa theo hướng tiêu cực nêu trên dù vô tình hay hữu ý cũng làm nảy sinh xã hội hóa báo chí, như đã phản ảnh qua hiện tượng “làm báo” trên hệ thống mạng xã hội. Và điều này, có thể là một phát sinh không mong muốn từ chính quyền khi thông qua Quyết định.

No comments:

Post a Comment