Monday, April 22, 2019

Vì sao Nguyễn Xuân Phúc phải đi Czech và Rumani?

Bình Luân

Kính thưa quý thính giả, trong lúc TBT kiêm CTN Nguyễn Phú Trọng “long thể bất an” thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lẫn CT Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tả xung hữu đột một cách vô vọng tại Âu Châu, hầu cứu vãn Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu – Việt Nam, trước những quan ngại của khối Liên Âu vì những vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam.  Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Thường Sơn với tựa đề: Vì sao Nguyễn Xuân Phúc phải đi Czech và Rumani? sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.

Thường Sơn
Cơ hội mỏng manh còn lại chỉ là sau khi nghị viện mới của châu Âu chính thức hoạt động từ tháng 5 năm 2019, liệu cơ quan này có ưu ái xem xét bỏ phiếu thuận cho EVFTA với Việt Nam.
Điều trớ trêu là chuyến đi châu Âu của thủ tướng Việt Nam – Nguyễn Xuân Phúc – để vận động cho EVFTA (Hiệp- định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam) lại xảy ra đồng thời với việc ‘ở nhà’, ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng bị một cơn bạo bệnh tại Kiên Giang – nơi được xem là ‘căn cứ địa cách mạng của gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’ – đến mức phải nhập viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn và sau đó phải điều trị tại Bệnh viện trung ương quân đội 108 ở Hà Nội.
Rumani tuy chỉ là một quốc gia nhỏ trong khối EU, nhưng lại đóng vai trò khá quan trọng vì Rumani hiện thời đang là chủ tịch luân phiên của EU. Dựa vào ‘mối quan hệ truyền thống các nước xã hội chủ nghĩa anh em’ trước đây, hẳn chính thể cộng sản ở Việt Nam đang hy vọng có thể thuyết phục được Rumani gật đầu cho EVFTA dễ dàng hơn là các nước Tây Âu đang căng thẳng với Việt Nam về vấn đề nhân quyền.
Ngay trước chuyến đi trên của Nguyễn Xuân Phúc là chuyến đi Pháp và Bỉ vào cuối tháng 3 năm 2019 để vận động cho EVFTA của Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội Việt Nam. Bà Ngân đã đến Bỉ, nơi đặt trụ sở của EU.
Hai chuyến đi liên tiếp trong một thời gian ngắn của hai nhân vật còn lại trong ‘tam trụ’ đã phản ánh nhu cầu ‘mót’ EVFTA của chế độ độc đảng đến mức nào.
Ý đồ ẩn giấu của chính thể Việt Nam đang dần lộ ra: Sau tháng 2 năm 2019 khi EVFTA bị Hội đồng châu Âu hoãn vô thời hạn cùng tương lai cực kỳ bế tắc, Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu Bộ Chính trị của ông ta đã phải tìm ra lối thoát. Một lần nữa, trong rất nhiều lần, Hà Nội lại hứa hẹn ‘sẽ cải thiện nhân quyền’, dù đã chẳng có bất kỳ lần nào trước đó lời cam kết này được biến thành hành động, thậm chí giới công an trị Việt Nam còn hành động ngược lại khi gia tăng bắt bớ giới bất đồng chính kiến trong giai đoạn gần nhất từ giữa năm 2016 đến nay. Ngay vào lúc này, không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một ‘cải thiện nhân quyền’ nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế.
Những chuyến đi châu Âu của Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Xuân Phúc chính là nhằm phát đi những cam kết mà rất có thể vẫn chỉ là lối hứa cuội về nhân quyền. Quan điểm ‘vào trước, bắt sau’ của Hà Nội là rất nhất quán kể từ thời WTO: Vào năm 2006, chính thể Việt Nam đã tạm ngưng bắt bớ giới hoạt động dân chủ nhân quyền để đổi lấy điều kiện được Mỹ chấp nhận cho tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới /WTO và còn được nhấc khỏi CPC (Danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo) của Mỹ. Nhưng khi đã ung dung trong WTO và hưởng lợi lớn từ nhiều ưu đãi của tổ chức này, Việt Nam lại bắt trở lại, và bắt ồ ạt, hung hãn và đầy sắc máu đối với nhiều người hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến.
Chính thói chủ quan, kênh kiệu rởm đời và không thay đổi não trạng đàn áp nhân quyền của giới chóp bu Việt Nam đã khiến hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam mất cơ hội được tham gia sớm vào thị trường EU trong trường hợp EVFTA được ký và phê chuẩn trước tháng 5 năm 2019, tức trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử nghị viện châu Âu mới.
Còn giờ đây, cơ hội đã lao qua mà không để lại một bóng dáng hy vọng nào. Cơ hội mỏng manh còn lại chỉ là sau khi nghị viện mới của châu Âu chính thức hoạt động từ tháng 5 năm 2019, liệu cơ quan này có ưu ái xem xét bỏ phiếu thuận cho EVFTA với Việt Nam.
Nhưng nếu Việt Nam vẫn không chịu cải thiện nhân quyền, ngay cả những gương mặt nghị sĩ mới của Nghị viện châu Âu cũng sẽ quá khó khăn khi cân nhắc EVFTA./.

No comments:

Post a Comment