Wednesday, January 16, 2019

Việt Nam hành động khó hiểu ở Biển Đông

Bình Luận

Để hiểu rõ tính hèn với giặc, ác với dân và âm mưu mãi quốc cầu vinh của TBT/CTN Nguyễn Phú Trọng, TT Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Tuyên Giáo Võ Văn Thưởng, chúng ta chỉ cần nhìn vào hiện tượng câm mồm khó hiểu của họ trong vấn đề Biển Đông.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Phạm Trần với tựa đề: “Việt Nam hành động khó hiểu ở Biển Đông” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Phạm Trần
Mỗi ngày đi qua… lại có thêm bằng chứng Lãnh đạo Việt Nam quên nhắc đến tên Biển Đông như điều kiện làm hài lòng Trung Cộng.

Bằng chứng đã thấy trong các bài diễn văn hay bài viết cuối năm kiểm điểm tình hình quốc nội và ngoại giao của hai ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Riêng ông Phúc đã không nói đến Biển Đông trong 2 bài phát biểu quan trọng trước kỳ họp 6 của Quốc hội hồi tháng 10 và 11/2018.
Bài thứ nhất là Báo cáo về “Tình hình Kinh tế-Xã hội năm 2018 và Kế hoạch phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2019”. Bài thứ hai ghi lại phát biểu của ông Phúc tại Phiên giải trình và trả lời chất vấn của Quốc hội.
Thậm chí báo đài chính thống của nhà nước Việt Nam còn không dám gọi đích danh quân Trung Cộng và tầu Trung Cộng mà chỉ nói bâng quơ “tầu lạ” hay “tầu nước ngoài”, mặc dù ngư phủ Việt nói thẳng đó là tầu và lính Trung Cộng.
Trung Cộng đã hoàn tất kế hoạch “Quân sự hóa” 7 bãi đá chiếm của Việt Nam ở Trường Sa từ năm 1988 gồm Vành Khăn, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên.
Sân bay, bến cảng, lực lượng phòng không, đài radar và lực lượng đồn trú đã sẵn sàng cho Trung Cộng sử dụng bất kỳ lúc nào.
Theo các nhà phân tích về nội tình Trung Cộng thì phe “diều hâu” trong Quân đội Trung Cộng đang gia tăng áp lực đòi công khai đương đầu với Hải quân Mỹ ở Biển Đông, sau vài vụ “quấy nhiễu nhẹ” giữa các tầu chiến 2 nước ở Biển Đông từ giữa năm 2018.
Một trong số tướng “diều hâu” của Trung Cộng tên La Viện đã đề nghị “Phải đánh chìm tàu sân bay Mỹ” ở Biển Đông.
La Viện nói: “Mỹ sợ nhất là chết người, chỉ cần đánh chìm 2 tàu sân bay, chết 10 ngàn người là Mỹ sợ ngay”.
Lâu nay, từ Tập Cận Bình trở xuống cho đến Thủ tướng Lý Khắc Cường và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đều nằng nặc hô hoán rằng tất cả các bãi, đảo và vùng nước chung quanh ở Biển Đông là của Trung Hoa từ thời cổ đại.
Trung Cộng cũng nói không nhượng bộ chủ quyền lãnh thổ, dù chỉ 1 ly. Ngược lại phía Việt Nam thì từ ông Trọng trở xuống đều ngậm môi không dám hé răng, động lưỡi.
Do đó, cả 2 ông Trọng và Phúc chỉ hứa suông: “Kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, nhưng tuyệt đối tránh nói đến Biển Đông, dường như sợ làm mất lòng Trung Cộng.
Riêng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong bài viết phổ biến cuối năm 2018, lại nói khơi khơi không bằng chứng rằng: “Trên Biển Đông, chúng ta tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Riêng phần ông Nguyễn Phú Trọng thì đã từ lâu, ít ra trong toàn năm 2018, danh từ Biển Đông và tình hình ở đó an nguy cho Việt Nam ra sao không thuộc danh mục ông muốn nói với dân trong các cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội hay tại các buổi làm việc với cán bộ, đảng viên.
Vì vậy, nếu có thắc mắc “phải chăng lãnh đạo Việt Nam đã bị dị ứng nên ngọng miệng với 2 chữ Biển Đông” không dám nói vì là vấn đế “nhậy cảm” với những người mà ông Trọng gọi là “vừa là đồng chí, vừa là anh em Trung Quốc.”
Bên cạnh những bất thường quanh 2 chữ Biển Đông, dư luận trong và ngoài nước cũng quan tâm không ít đến những phát biểu cuối năm của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng đối với tình trạng báo chí đã “xa rời tôn chỉ và mục đích”, hoặc có khi còn xoay chiều, làm ngược với chỉ thị của đảng.
Cũng như 2 ông Trọng và Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo, cơ quan nắm đầu báo chí và giữ vững tư tưởng đảng đã không nói, dù 1 chữ chỉ thị cho báo chí về tình hình Biển Đông.
Bởi vì, theo lời ông Thưởng, hiện nay báo chí đang phải đối mặt với tình trạng: “Xu hướng xã hội hóa thông tin, tìm kiếm thông tin ngày càng cá nhân hóa; hiểm họa tin giả; quảng cáo giảm sút; nguy cơ tụt hậu của báo chí nước ta trước sự phát triển rất nhanh của báo chí và truyền thông thế giới; biểu hiện mơ hồ về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một phận người làm báo…”
Ông ra lệnh: “Khắc phục tối đa bị kỷ luật ở cơ quan này chạy qua cơ quan khác, bị tước thẻ nhà báo thì vẫn mang bút danh khác… Tôi nhớ kỷ niệm năm trước, tôi đã nói báo chí phê phán người ta… nhưng tôi thấy rằng nhiều phóng viên viết bài trên báo mình rất hay nhưng rời khỏi toà soạn viết trên mạng xã hội là như con người đa nhân cách. Một mặt viết trên báo đào hoa phong nhã, tư cách sáng ngời, lên mặt phê bình người này, dạy dỗ người khác nhưng khi viết trên mạng cũng không thua kém người vô bổ vô thực, chửi tục nói phét”.
Rồi ông kêu gọi Hội Nhà báo: “Cần tăng cường nhiều hơn, có giải pháp tích cực hơn nữa nhằm phê bình những vi phạm đạo đức nghề nghiệp của hội viên, cơ quan báo chí với những quy định chặt chẽ, nghiêm khắc, đủ sức răn đe, tương xứng với những sai phạm. Đây cũng là một trong những giải pháp cần thiết nhằm góp phần phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tổ chức Hội, hội viên và người làm báo.”
Cuối cùng, ông Thưởng nhìn nhận Đảng đang phải đối phó với “thách thức từ mạng xã hội là rất lớn”.
Ông nói: “Thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của những người làm báo và hành động chưa kiên quyết, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp cũng như các cơ chế quản lý nhà nước về thông tin.”
Như vậy rõ ràng, tình trạng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” không chỉ xẩy ra trong cán bộ, đảng viên mà còn đầy rẫy trong làng báo, những người lèo lái dư luận theo lệnh đảng.
Hèn chi ông Thưởng đã khôn không yêu cầu báo chí giúp đảng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, vì khi 2 lãnh đạo đầu não Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc không màng thì ai thèm quan tâm?

No comments:

Post a Comment