Friday, January 25, 2019

Tin Tức: Thứ Sáu 25.01.2019

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Vân Khanh Bá Cơ trình bày sau đây.

                                                                               
MỸ ĐỀ NGHỊ VIỆT  NAM TRẢ TỰ DO CHO 4 TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM
Phát biểu trong phiên kiểm điểm Việt Nam về nhân quyền diễn ra tại Geneva, đại diện phía Hoa Kỳ, ông Jason Ross Mack, lên tiếng đề nghị nhà cầm quyền Hà Nội hãy trả tự do cho 4 tù nhân lương tâm được dư luận chú ý đặc biệt.

4 tù nhân gồm: ông Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Bắc Truyển và bà Trần Thị Nga. Ông Mack khẳng định rằng 4 người này đã bị nhà cầm quyền CS Việt Nam bắt bớ tùy tiện chỉ vì họ trình bày các ý kiến bất đồng với chế độ.
Ngoài 4 tù nhân lương tâm nổi tiếng nói trên, phía Hoa Kỳ cũng yêu cầu phóng thích các thành viên của hội Anh em Dân chủ, đồng thời yêu cầu loại bỏ các điều khoản số 8, số 18 và số 26 trong đạo luật an ninh mạng vì không phù hợp với các cam kết quốc tế và không phù hợp với hiến pháp Việt Nam năm 2013.

VIỆT NAM LẠI PHỦ NHẬN SỰ TỒN TẠI CỦA CÁC TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM VÀ CHÍNH TRỊ
Bất chấp các định nghĩa của thế giới, phái đoàn Việt Nam tại phiên kiểm điểm nhân quyền của LHQ vẫn khẳng định là Việt Nam không hề có tù nhân lương tâm hay chính trị, mà chỉ có những người vi phạm pháp luật nên bị bỏ tù.
Trả lời chất vấn của các nước, ông Nguyễn Thanh Sơn, đại diện bộ công an trong phái đoàn Việt Nam, liên tiếp khẳng định chính sách của Hà Nội là luôn tôn trọng quyền làm người, được ghi rõ trong hiến pháp, và tại Việt Nam không hề có việc bắt giam hay kết án tù những người bất đồng chính kiến. Tuy nhiên ông Sơn nói thêm là việc bày tỏ chính kiến phải tuân thủ luật pháp .
Để dẫn chứng cho lời ngụy biện của mình, ông Sơn cũng cho biết là tại Việt Nam đang có 3 triệu blogger sinh hoạt một cách bình thường, trong tổng dân số là 90 triệu người.

KHỐI ÂU CHÂU ĐÌNH HOÃN VIỆC THÔNG QUA HIỆP ƯỚC MẬU DỊCH VỚI VIỆT NAM
Nghị viện Liên hiệp Âu châu vào hôm qua loan báo việc đình hoãn phê chuẩn hiệp ước mậu dịch tự do với Việt Nam (gọi tắt là EVFTA), với lý do là “trở ngại kỹ thuật”.
Thông báo đình hoãn được đưa ra đúng vào thời điểm mà Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đang công du Âu châu để dự hội nghị Davos và vận động sự đầu tư từ các tập đoàn thế giới như Apple và Facebook.
Mặc dù lý do nêu ra là “lý do kỹ thuật”, nhưng theo tiết lộ của một số thành viên chính trong quốc hội Âu châu thì lý do là vì Hà Nội chưa nỗ lực cải thiện về nhân quyền. Một thành viên thuộc Ủy ban Thương mại của quốc hội Âu châu tuyên bố tuy khối này đánh giá cao mối quan hệ với Việt Nam, nhưng lãnh vực nhân quyền là một yếu tố quan trọng trong mối giao thương, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền.

MÃ LAI LẠI ĐÌNH HOÃN PHIÊN XỬ VỤ ÁM SÁT ÔNG KIM JONG-NAM
Tòa án Mã Lai lại quyết định đình hoãn việc xét xử hai phụ nữ trong vụ ám sát ông Kim Jong-nam, người anh em cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un.
Lý do đình hoãn là vì các luật sư biện hộ vẫn không chấp nhận lời khai của các nhân chứng trong vụ ám sát ông Jong-nam bằng thuốc độc tại phi trường Kuala Lumpur vào tháng 2 năm 2017. Vào tháng 8 năm ngoái, công tố viện Mã Lai đã thu thập đủ bằng chứng cho thấy cô Đoàn Thị Hương, một công dân Việt Nam, và cô Siti Aisyah đã được 4 mật vụ Bắc Hàn thuê mướn để thực hiện vụ ám sát nói trên.
Theo quyết định mới nhất, tòa thượng thẩm Mã Lai cho phép các luật sư biện hộ thu thập lời khai của 7 nhân chứng trong vòng hai tuần, trước khi tái xét xử vụ án này. Nếu không bác bỏ được cáo buộc của công tố viện, 2 phụ nữ nói trên có thể bị phán quyết tử hình về tội giết người theo luật pháp Mã Lai.

ẤN ĐỘ LẬP CĂN CỨ Ở EO BIỂN MALACCA ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI TRUNG CỘNG
Trước sự bành trướng của Trung Cộng ở vùng biển Ấn Độ Dương, quân đội Ấn Độ sẽ thiết lập một căn cứ không quân trên quần đảo Andaman và Nicobar, một vị trí chiến lược trên hải lộ băng qua eo biển Malacca để tiến vào Biển Đông.
Căn cứ mới của Ấn Độ sẽ được xây dựng trên một hòn đảo cách hải cảng Port Blair khoảng 300 cây số về hướng bắc. Căn cứ sẽ có một phi đạo dài khoảng 3 cây số, đủ để các loại máy bay hoạt động. Mục đích chính yếu của căn cứ này là nhằm giám sát mọi hoạt động của chiến hạm và tàu ngầm Trung Cộng qua lại eo biển Malacca, một hải lộ quan trọng của thế giới, hơn 70 ngàn tàu bè qua lại mỗi năm.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VENEZUELA TỰ PHONG LÀ TỔNG THỐNG
Cuộc khủng hoảng chính trị và bạo loạn ở Venezuela đang có chuyển biến mới khi ông Juan Guaido, thủ lảnh phe đối lập nắm đa số tại quốc hội, bất ngờ tuyên bố đảm nhiệm “quyền tổng thống” trước hàng chục ngàn người biểu tình ở thủ đô Caracas vào hôm thứ Tư 23/1.
Điều đáng chú ý là ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng ủng hộ ông Guaido trong chức vụ tổng thống Venezuela, một đất nước giàu có nhưng đang gặp khủng hoảng sau hai thập niên đeo đuổi chủ nghĩa xã hội, khiến cho hàng triệu người nghèo đói đã chạy trốn sang các nước láng giềng để kiếm ăn.
Cuộc biểu tình vào hôm thứ Tư 23/1 vừa qua diễn ra đúng 61 năm sau ngày lật đổ nhà độc tài Marcos Perez Jimenez. Nhiều cuộc xung đột đẫm máu trên toàn quốc giữa hai phe chống đối và ủng hộ chế độ Nicolas Maduro. Bộ trưởng quốc phòng Venezuela vào hôm qua lên tiếng đe dọa là sẽ bắt giam ông Guaido về tội tiếm quyền.

No comments:

Post a Comment