Wednesday, January 9, 2019

Một thái độ chống “luật An Ninh mạng”

Đất Nước Đứng Lên

Đảng csVN vừa tham quyền cố vị vừa đui mù trước bước đi bất khả vãn hồi của tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Luật An Ninh mạng chỉ là một cố gắng vô vọng của một tập đoàn tội ác đang đứng bên lề vực thẳm. Trong tiết mục ĐNĐL, Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe bài viết của Trần Trung Đạo với tựa đề: “Một thái độ chống “luật An Ninh mạng” sẽ được Khánh Ngọc trình bày để tiếp nối chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay
Trần Trung Đạo
Dưới chế độ CS, hai lý do chính làm cho con người luôn phải sống trong sợ hãi, một là do khủng bố CS và hai là do trình độ nhận thức của người dân chưa được nâng cao đủ để có thể vượt qua sự sợ hãi.

Một câu danh ngôn quen thuộc nhưng không đề tác giả: “Sự sợ hãi luôn gây ảnh hưởng vào dân chúng khi dân chúng thiếu học.” (Fear always works to influence the population, when the population is uneducated.)
Tiến sĩ Archie Brown, giáo sư chính trị học đại học Oxford, Anh quốc, trong tác phẩm Sự Vươn Lên Và Sụp Đổ Của Chủ Nghĩa Cộng Sản (The Rise And Fall Of Communism) nêu ra 8 lý do khiến chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, trong đó lý do hàng đầu không phải là kinh tế hay quân sự mà là sự thay đổi xã hội (social change). Sự chuyển hóa tri thức là một tiến trình không thể bị ngăn chận bởi bất cứ một cơ chế độc tài nào.
Tại Việt Nam, trong lúc những người muốn đem lại sự thay đổi cần thiết cho đất nước chưa đủ sức chống lại bộ máy khủng bố công an trị của CS, chắc chắn họ sẽ thắng trong mặt trận thứ hai: nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi con người trong xã hội và đất nước.
Những kẻ cai trị bằng nhà tù và tẩy não tại Việt Nam hiện nay dù đui mù câm điếc cũng biết “ngày tàn bạo chúa” sẽ diễn ra theo quy luật xã hội và hình phạt dành cho họ sẽ tương xứng với tội ác mà họ gây ra cho đất nước.
János Kádár, nguyên tổng bí thư đảng CS Hungary và là một kẻ phản quốc theo Liên Sô để tàn sát đồng bào mình sau Cách mạng Hungary 1956. Sau 1960, János Kádár thay đổi đường lối cai trị bằng các chính sách ôn hòa hơn nhưng tội ác do y gây ra không vì thế mà được quên đi. János Kádár chết ngày 6 tháng Bảy, 1989, ba tháng trước khi chế độ CS tại Hungary sụp đổ. Ngày 2 tháng Năm, 2007, mộ của János Kádár đã bị đào lên, nhiều xương cốt kể cả xương sọ của y bị lấy đi và một dòng chữ trích từ một bản nhạc Rock như một bản án được để lại bên cạnh mộ y: “Những kẻ sát nhân và phản bội không nên để nằm yên trong vùng đất thánh 1956-2006”.
Những kẻ sát nhân và phản bội tại Việt Nam nên học kỹ bài học János Kádár để qua đó đọc trước bản án mà dân tộc Việt sẽ dành cho họ.
Như Karl Marx có lần định nghĩa “tự do là thấy được tính tất yếu trong xã hội”, một trong những mục đích của bộ máy tuyên truyền CS là trồng cấy trong nhận thức con người niềm tin vào số phận.
Trong thời kỳ nô lệ tại Mỹ, không phải người nô lệ da đen nào cũng oán ghét, căm thù chủ nô da trắng. Không ít trong số họ chấp nhận cuộc đời nô lệ như một số phận an bày. Họ không mơ ước giàu sang phú quý, xe hơi nhà lầu, những thứ họ cho rằng đã nằm ngoài số phận mà chỉ mơ có chiếc giường cũ trong góc vườn để nằm xem trời sao như Clara Davis, một tác giả da đen, kể lại trong hồi ức của bà.
Không ít người Việt cũng thế. Họ chấp nhận cuộc đời như số phận an bày. Mơ ước và nỗ lực của đời họ chỉ để đủ ngày ba bữa cơm ăn, lo cho con học hành để mai mốt kiếm một công ăn việc làm ổn định còn chuyện xe hơi nhà lầu vượt qua số phận dành cho họ. Nhận thức đó cần phải thay đổi và sẽ được thay đổi.
Mục đích của đảng qua cái gọi là “Luật An Ninh Mạng” vừa rồi là để người dân tiếp tục chấp nhận số phận dành cho họ.
Nhưng thực tế sẽ không diễn ra như ý đảng muốn.
Để duy trì quyền cai trị, từ năm 1983, CSVN đã chọn con đường “tự diễn biến” qua các chương trình “đổi mới”. Ánh sáng tin học và luồng gió văn minh qua các kẽ hở “đổi mới” thổi vào Việt Nam. Ngày này đứng trước khả năng “tức nước vỡ bờ” đảng không dám và không thể đưa dân tộc trở lại thời kỳ trước năm 1983. Trình độ nhận thức của người dân Việt hôm nay có thể kém hơn so với người dân Nga hay người dân Tiệp năm 1990 nhưng không còn là người dân Việt của giai đoạn 1954.
Khi phê phán xã hội, một người thường có khuynh hướng nhìn vào các mặt tiêu cực. Nhưng đừng quên, cạnh những đám thanh niên nam nữ cởi truồng ngoài phố để mừng một trận đá banh cũng đang có hàng ngàn thanh niên khác đang âm thầm học hỏi và tham gia vào tiến trình cách mạng xã hội trong điều kiện và hoàn cảnh của mình. Một cô giáo dạy học sinh sống theo tinh thần chân thiện mỹ. Một anh đi xe thồ biết dừng lại để hô “đả đảo Trung Quốc xâm lược”…. Họ không để lại tên tuổi trên báo, trên đài nhưng chính là những người đang góp phần viết nên chương mới của lịch sử Việt Nam.
Trên con đường đầy gai góc, lấp một miệng hố rộng hay nhặt một cây đinh nhỏ cũng đóng góp vào cách mạng dân chủ. Thái độ chống “luật an ninh mạng” tích cực nhất, vì thế, là coi như nó không có và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nâng cao ý thức về quyền và trách nhiệm của người dân.
Người Việt dấn thân hiện diện trên khắp các nẻo đường đất nước. Họ không sợ và thậm chí không thèm để ý đến cái gọi là “luật an ninh mạng”. Họ vẫn nói, vẫn viết như đã nói và viết vào ngày 31 tháng 12 năm ngoái. Họ vẫn tiếp tục theo đuổi các dự án đã được phác họa trước ngày 31 tháng 12 năm ngoái.
Cái thúng “an ninh mạng” chẳng thể nào che được mặt trời sự thật sáng ngời trong đôi mắt họ, chẳng thể nào đậy kín được niềm tin vào tương lai rực rỡ trong tâm hồn họ và chẳng thể nào ngăn được bước đi của thời đại họ. Dòng chảy văn minh đang chảy về phía trước và ngày tự do cho quê hương sẽ đến không xa.

No comments:

Post a Comment