Friday, December 16, 2016

“Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa”

QuanĐiểm

Ngày 9 tháng 12 vừa qua, Bộ chính trị Đảng CSVN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để gọi là phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Ngoài Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, hội nghị này qui tụ đày đủ các tay lãnh đạo chóp bu của Đảng, từ Trần Đại Quang, Chủ tịch nước, Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng. Chỉ vắng mặt Chủ tịch Quốc hộ Nguyễn thị Kim-Nhân vì đang viếng thăm Ấn Độ. Gọi là “trực tuyến” vì Hội nghị diễn ra tại Ba đình, Hà Nội, nhưng được chuyển thẳng đến 62 cơ sở đảng bộ của 62 tỉnh thị trên toàn quốc để các quan chức CS các địa phương trực tiếp theo dõi.
Khác với các tổng bí thư tiền nhiệm như Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, ông Trọng hầu như dành toàn bộ năng lực và thời giờ cho việc “chỉnh đốn, xây dựng” Đảng. Chỉ không đày 10 tháng sau ngày được bầu làm tổng bí thư trong Đại Hội 11 của Đảng CSVN vào tháng Giêng năm 2011, ông Trọng đã đưa ra kế hoạch “chỉnh đốn, xây dựng đảng” trong hội nghị Ban chấp hành Trung ương 4 khóa 11 đầu tháng 12 cùng năm. Từ đó cái gọi là “Nghị quyết Trung Ương 4” mang tên “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã thường xuyên được nhắc nhở trong các sinh hoạt, không những trong nội bộ đảng, mà trong cả xã hội VN.
Nếu so những điều Ông Trọng tuyên bố trong buổi học tập toàn đảng đầu tiên về nghị quyết này tổ chức vào ngày 27 tháng 2 năm 2011 tại Hà Nội, với nội dung ông vừa phát biểu trong hội nghị trực tuyến 9 tháng 12, thì hầu như không có gì khác biệt. Ông chỉ lập lại những câu chữ khuôn sáo, mang tính giáo điều xưa cũ. Nếu có khác chăng thì đó chính là mức độ tai hại gây ra cho Đảng CSVN mà ông Trọng gán cho là do tình trạng “biến chất, thoái hóa, tự diễn biến” của một số không nhỏ đảng viên. Năm 2011, theo ông Trọng thì “tệ nạn” này đã làm cho nhân dân “mất lòng tin” đối với Đảng. Nhưng trong HN Trực tuyến vừa qua, ông Trọng đánh giá “những biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong nội bộ là cuộc đấu tranh đầy cam go, nhưng không thể không làm vì nó liên quan đến vận mệnh và chế độ của Đảng ta.”
Với sự đánh giá này, phải thành thật khen ngợi Tổng bí thư Nguyền Phú Trọng là một trong số hiếm hoi các tay đầu lãnh của đảng CSVN giám nói, giám phanh phiu sự thật, nhất là sự thật về cái nguy cơ mà Đảng phải đối đầu. Thế nhưng ông Trọng chỉ nói đúng cái nguy cơ, mà lại nhận định hoàn toàn sai lầm về thành phần các đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, khi cho rằng đây là những người “mất đạo đức”, như ông đã từng phê phán trên truyền hình Vĩnh Phúc ngày 25 tháng 2 năm 2013. Lời phát biểu này đã bị nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên phê phán nặng nề ngay sau đó.
Và sai lầm thứ hai là ông Trọng đã không nhìn ra nguyên do đưa đến sự “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” này. Nó không phải là sự đánh mất lập trường như ông gán ghép, mà chính là sự phản tỉnh, nhìn ra sự thật của những cán bộ, đảng viên đã một thời hy sinh vì nghĩ rằng Đảng CSVN là cái gì cao đẹp, thế nhưng thực chất lại chỉ là một tập đoàn “bán dân, hại nước”!
Đây chính là hiện tượng “Bỏ Đảng” đã diễn ra âm thầm trước đây, nhưng ngày nay đã trở thành công khai, phổ quát. Cụ thể như bài viết “Người Cộng Sản Chống Cộng” của nhà thơ Bùi Minh Quốc phổ biến rộng rãi vào cuối tháng 10 vừa qua. Ông Quốc sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ và đã vì tin tưởng mãnh liệt vào Đảng CS, ông cũng như vợ ông, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, đã vào Nam chiến đấu. Để rồi khi ông nhìn rõ được bản chất của đảng thì hiền thê của ông đã hy sinh và chính ông bị đảng trù dập!
Và gần đây hơn là tác phẩm “Đến Già Mới Chợt Tỉnh – Từ theo cộng đến chống cộng” của nhà báo Tống Văn Công, vừa do nhà xuất bản Người Việt Books ấn hành 2 tuần trước tại Hoa Kỳ. Khác với Bùi Minh Quốc, Ông Công sinh ra tại miền Nam, nhưng đã tập kết ra Bắc và tận tụy phục vụ Đảng, tổng cộng đến hơn 56 năm, trước khi dứt khoát “chia tay” với đảng. Ông đã giải thích lý do sự “chia tay” này qua lời tâm sự: “Trải qua 56 năm hoạt động trong Đảng, nay nghiệm lại, thức tỉnh, ngấm được nỗi đau lầm lạc vào con đường lịch sử, buộc dân tộc vào tròng độc tài đảng trị, che dấu sau chiếc mặt nạ tự do, dân chủ”.
Với cái tuổi 72 và đã từng nắm nhiều chức vụ then chốt trong Đảng, ông Trọng hẳn nhiên là không thể không biết biết nguyên do dẫn đến sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một số không nhỏ các cán bộ, đảng viên. Thế nhưng ông Trọng vẫn chối bỏ sự thật bằng cách mạnh mẽ lên án thành phần này, và kêu gọi các đảng viên phải cương quyết bả vệ Đảng.
Điều này không có gì là lạ, bởi vì như ông Tống Văn Công đã nhận xét, qua câu kết luận chấm dứt tập hồi ký dày gần 600 trang của Ông, bằng câu nói của Boris Yelsin, một ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng Sản Nga nhưng đã thức tỉnh và góp phần chính yếu giựt sập chế độ Liên Sô năm 1991. Đó là “Cộng sản không thể sửa chữa mà chỉ có thể vứt bỏ”.
Công cuộc vứt bỏ chế độ CS tại Việt Nam không phải chỉ do những “người cộng sản chống cộng” như Bùi Minh Quốc, Tống Văn Công thực hiện, mà phải có sự tích cực tham gia của toàn thể dân Việt. Có vậy mới hy vọng mau chóng chuyển đổi vận mệnh đất nước, giảm thiểu những tổn hại do đảng CSVN gây ra cho quốc gia, dân tộc./.
LLCQ

No comments:

Post a Comment