Sunday, December 25, 2016

Tin Tức Ngày Chủ Nhật, 25.12.2016

TinTức

Nhiều người bị truy tố trong vụ OceanBank
Ngày 23/12 Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố bị can Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) cùng 47 người khác. Cáo trạng nêu ra lý do: Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, các bị can gồm tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch và một số đối tượng có liên quan.
Trong quá trình hoạt động, OceanBank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho OceanBank và các cổ đông.
Cáo trạng xác định tính đến ngày 31-3-2014, nợ xấu của OceanBank đã hơn 14.000 tỉ đồng, không chỉ gây thiệt hại cho OceanBank, mà còn ảnh hưởng đến các chủ trương điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, đến chính sách tiền tệ của Chính phủ. Vụ OceanBank là một trong sáu “đại án” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý.

Thủ tướng CSVN đang cố gắng tìm cho được con “dê tế thần” để xử trong vụ Formosa
Formosa đã gây thảm họa lớn như vậy cho môi trường từ đầu tháng tư đến nay đã gần 8 tháng. Thế mà nhà cầm quyền CSVN vẫn chưa chỉ ra được đích danh ai là người chịu trách nhiệm. Đó là điều không thể chấp nhận được dưới mắt của thế giới và người dân Việt Nam. Chính vì thế, Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất sốt ruột về việc này. Tuy nhiên, người dân thì ai cũng biết rất chính xác ai là người chịu trách nhiệm trong vụ này. Trách nhiệm trực tiếp chính là ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng thời đó đã ký giấy phép cho Formosa; còn trách nhiệm gián tiếp là Bộ Chính trị đảng CSVN vì đã chủ trương cho phép Formosa vào Hà Tĩnh; kế tiếp là Bộ Tài nguyên Môi trường đã cho phép Formosa xả thải, hợp đồng không có điều khoản ràng buộc việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên tất cả những kẻ có tội này đều có quyền cao nhất nước, nên Nguyễn Xuân Phúc không dám kết tội ai cả. Do đó phải tìm cho ra con “dê tế thần” để xử tội. Nhưng việc tìm “dê tế thần” không dễ, vì bất cứ chứng cớ gì thì cũng liên quan đến những kẻ mà Nguyễn Xuân Phúc phải coi là “bất khả xâm phạm”.

Ít nhất đã có 463.256 nạn nhân của 815 dự án thuỷ điện
Vài chục năm qua, 815 đập thuỷ điện đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp điện tại Việt Nam. Nhưng cái giá phải trả cho những đập thủy điện này không hề nhỏ so với những thiệt hại lớn lao do chúng gây ra. Con số 235 người chết và mất tích cùng 1,7 tỉ đôla tài sản tiêu tan do mưa lũ những tháng qua, phần do thiên nhiên nhưng phần lớn do nhân sự xả lũ ở các đập thuỷ điện. Tuy nhiên, nếu tính từ khi các đập thủy điện bắt đầu xây dựng đến nay, theo số liệu thống kê có sẵn, số người dân bị bần cùng hoá nặng nề bởi các đập thuỷ điện đã lên tới 463.256, tức gần nửa triệu nạn nhân, trong đó 90% là dân tộc thiểu số. Họ bị buộc phải di dời khỏi bản làng vốn đã nghèo đói để đến vùng tái định cư thường phải nghèo đói hơn. Tất cả chỉ là để phục vụ cho 815 dự án thuỷ điện.

Thủy điện An Khê – Kanak xả lũ trước, thông báo sau, nhưng vẫn đúng quy trình
Vào tháng 5/2011, thủy điện An Khê-Kanak bất ngờ xả lũ, gây ngập phía hạ du, làm thiệt hại nhiều tỷ đồng cho người dân. Không chỉ một lần, ngày 1/12 vừa qua, vào 11giờ đêm, thủy điện này lại bất ngờ xả lũ, nhưng mãi đến 2giờ sáng hôm sau mới nhắn tin báo, gây nhiều thiệt hại về tài sản cho người dân. Ngày 7/12, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai, khi bị chất vấn, ông Võ Lũy, Giám đốc thủy điện An Khê-Kanak vẫn khẳng định việc xả lũ là đúng quy trình, và nếu việc xả lũ như vậy còn tái diễn thì ông chấp nhận chịu phạt chứ không chấp nhận từ chức.

Báo động tình trạng bị rắn độc cắn sau lũ lụt
Ngày 23/12, ông Hồ Việt Mỹ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, cho biết hiện tại, sau thời gian bị lũ lụt, số người bị rắn cắn phải nhập viện đang tăng lên một cách bất thường và đáng báo động. Từ đầu tháng 12 đến nay, đã có 22 người nhập viện vì rắn độc cắn, nhập viện trong tình trạng sưng, phồng rộp vết cắn, rối loạn đông máu, nhiều ca nặng có nguy cơ tử vong”.

Dịp tết Nguyên Đán, khó khăn khi đổi tiền lẻ: Ngân hàng thiếu, chợ đen “hét giá”
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán, người dân có nhu cầu đổi tiền lớn thành tiền lẻ . Các loại tiền lẻ 1.000, 2.000, 5.000, 10.000, 20.000 đồng là những loại tiền người dân cần vào dịp tết để “lì xì”. Một số ngân hàng như VietcomBank, Á Châu, v.v… đều từ chối đổi tiền lẻ với lý do: không có. Còn Ngân hàng Nhà nước chỉ đổi tiền lẻ cho các tổ chức tín dụng. Dẫu vậy, các điểm đổi tiền trên thị trường chợ đen vẫn có đầy đủ nguồn cung. Dịp cận Tết, khi đổi tiền lẻ, người đổi tiền có thể mất khoảng 25%, 30%, thậm chí là 50% tiền phí. Càng cận tết thì chi phí đổi tiền càng tăng cao. Dẫu vậy, khách đổi tiền vẫn luôn luôn đông.

No comments:

Post a Comment