Sunday, November 29, 2015

Trả Lời Thư Tín

Chủ Nhật 29.11.2015
Kính thưa quý vị thính giả của đài Đáp Lời Sông Núi, sau đây là tiết mục Trả Lời Thư Tín do Thùy Ngân thực hiện. Ông Tây Sơn, quản nhiệm đài Đáp Lời Sông Núi sẽ hầu chuyện với quý thính giả đã gửi thư hay gọi vào đài trong thời gian qua.
Ông Phan Mỹ, Sài Gòn: Thưa quý đài, mới đây, ông thứ trưởng ngoại giao Tàu tuyên bố tại Bắc Kinh, Tàu đã kiềm chế không thu hồi các đảo trên biển Đông. Điều này có gì mới không hay cũng chỉ là chuyện cũ ?
TS: Thưa ông Phan Mỹ, trước hết xin đọc lại nguyên văn phát biểu của thứ trưởng ngoại giao Tàu Lưu Chấn Dân trong buổi họp báo ngày 17 tháng 11 tại Bắc kinh như sau:
"Chính phủ Trung Quốc có quyền và có khả năng thu hồi hết các đảo và bãi đá ngầm ở Biển Đông bị các nước láng giềng chiếm đóng bất hợp pháp. Nhưng chúng tôi đã không làm điều này. Chúng tôi đã duy trì sự kiềm chế rất lớn để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông"
Thưa ông Phan Mỹ, mục tiêu thực dân của Tàu là chiếm trọn Biển Đông như bản đồ hình "lưỡi bò" họ đã công bố. Từ quan niện này, họ xem tất cả các vùng biển, các hải đảo nằm trong "lưỡi bò" là thuộc về Tàu. Vì thế khi họ tuyên bố là không thu hồi các hải đảo để giữ hòa bình thế giới. Đây là một lời tuyên bố không có gì mới về bản chất, nhưng mới về tiến trình chiếm biển đông và hải đảo nằm trong vùng "lưỡi bò". Mai kia, họ chiếm thêm các đảo khác, không phải xâm lăng mà là một tiến trình thu hồi các đảo đã bị các nước khác, trong đó có VN, đã chiếm đóng bất hợp pháp.
Có lẽ chúng ta có thể hiểu được lập trường hữu nghị của nhà cầm quyền Hà Nội. Trong các văn kiện và các cuộc gặp mặt bí mật, CSVN đã công nhận bản đồ "lưỡi bò" của Tàu cũng như hậu quả của nó, có nghĩa là Trường Sa và Hoàng Sa thuộc Tàu. Tàu rất kiềm chế và giữ tình hữu nghị nên vẫn để cho VN giữ một số đảo, khiến VN phải cám ơn tình hữu nghị Tàu Việt.
TN: Ông Nguyễn Đồng, Nha Trang: Thưa đài ĐLSN, ngày 17 tháng 11 vừa qua, trong dịp cùng tham dự hội nghị APEC tại Manila, Việt Nam và Phi Luật Tân đã ký kết hiệp ước nâng cấp liên hệ lên thành "Đối Tác Chiến Lược". Việc này có ý nghĩa gì? Phải chăng VN liên kết với Phi để đối phó với Tàu về tình trạng biển Đông?
TS: Thưa ông Nguyễn Đồng, rõ ràng quyết định "nâng cấp" này là một hình thức biểu tỏ sự phản đối của CSVN đối với Trung Cộng. Tuy nhiên lý do chính yếu dẫn tới quyết định này ý đồ của Đảng làm dịu sự tức giận của nhân dân Việt Nam trước tuyên bố của Tập Cận Bình tại Singapore rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Tàu, chỉ trong vòng 1 ngày sau khi Tập Cận Bình nói chuyện trước quốc hội Việt Nam; chứ không phải quyết tâm thật sự của Hà Nội để cùng Manila chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh tại biển Đông. Nói cách khác, chừng nào đảng CSVN còn dựa vào Trung Cộng để duy trì ngôi vị chủ nhân ông đất nước, thì chừng đó chúng ta tin rằng mọi hành động, mọi tuyên bố của Hà Nội chỉ là bề ngoài, còn bên trong vẫn là sự tuân phục, trung thành đối với Bắc triều.
TN: Bà Thu Hà, Mỹ Tho: Thưa quý đài, nhà nước CSVN đã ký kết tham gia vào hiệp ước Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương TTP nhưng lại bắt và đánh đập một số người hoạt động xây dựng nghiệp đoàn lao động như cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Như vậy chúng ta có thể hiểu như thế nào về cam kết của VN với quốc tế trong đó có điều khoản về tự do nghiệp đoàn?
TS: Thưa bà Thu Hà, như Bà đã biết, sáng Chủ Nhật 22/11/2015, cô Đỗ Thị Minh Hạnh bị công an bắt khi đang cùng một số công nhân gặp luật sư để kiện công ty Yupoong, Đồng Nai vô cớ đuổi gần 2 ngàn công nhân. Trên đường đến đồn công an và trong thời gian bị giam giữ, cô Minh Hạnh đã bị đánh đập và sau khi được thả đã phải vào nhà thương.
Chúng ta nên lưu ý và nhớ rằng CSVN cam kết, ký kết không biết bao nhiêu văn kiện quốc tế, nhưng trước khi ký kết họ đã toan tính gian lận. Sau khi ký kết tình trạng gian lận rõ ràng hơn. CSVN ký kết cũng như được chấp nhận gia nhập hiệp ước Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương TTP ngày 5 tháng 10, 2015 trong đó cam kết về ngiệp đoàn Lao động tự do.
Việc đánh đập Cô Minh Hạnh, một người hoạt động tích cực để xây dựng nghiệp đoàn Lao Động cần phải làm sáng tỏ. Một là, những cam kết của VN về Nghiệp Đoàn Lao Động tự do phải được hiểu như thế nào?. Hai là, những bằng chứng cô Minh Hạnh bị thương tích phải được điều tra và truy tố.
TN: Ông Đỗ Tài, Hoa Kỳ: Thưa quý đài, sau chuyển biến chính trị tại Miến Điện, liệu VN có những thay đổi gì không?
TS: Thưa ông Đỗ Tài, chuyển biến chính trị tại Miến Điện đã được thế giới ngưỡng mộ. Tại VN hiện chưa có những dấu hiệu tích cực nào, nhưng có dấu hiệu là VN không thể làm ngơ trước tác động trào lưu dân chủ của thế giới.
Ngày 9 tháng 11, 2015, đảng CSVN qua Mặt Trận Tổ Quốc và một số đoàn thể, cơ quan, tổ chức CS đã tổ chức một buổi hội thảo với tiêu đề như "khoa học-thực tiễn: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới đất nước....". Trong buổi hội thảo này có đề cập đến mở rộng chính trị một cách chung chung không có điều gì tích cực.
Chúng ta chỉ nói đến sự cởi mở chính trị khi nào CSVN hủy bỏ điều 4 Hiến pháp quy định độc quyền chính trị của đảng CSVN. Nếu không có điều kiện này, tất cả chỉ là dối trá.
Mục trả lời thư tín tuần này xin tạm ngưng nơi đây, Cám ơn quý thính giả đã gửi thư hay gọi vào đài trong thời gian qua. Thùy Ngân xin hẹn gặp lại quý thính giả của đài Đáp Lời Sông Núi vào kỳ tới. Xin kính chào tạm biệt.

No comments:

Post a Comment