Saturday, November 21, 2015

Bầu cử ở Miến Điện, đánh thức khát vọng dân chủ ở Việt Nam

Thứ Sáu, 20.11.2015
Sau những cuộc tranh đấu rất cam go từ âm thầm thầm đến công khai, từ ôn hòa tới bạo động; hoa trái của cuộc đấu tranh cho dân chủ đã đơm hoa kết trái. Cuộc bầu cử tự do ở Miến Điện ngày 8 tháng 11 vừa qua đã đánh thức niềm khát vọng của Việt Nam. Kính mời quí thính giả đón nghe quan điểm của LLCQ về con đường dân chủ cho Việt Nam, qua lời trình bày của Hải Nguyên.
Thưa quí thính giả,
Trong cuộc vận động tranh cử TT Hoa Kỳ năm 2007, Thượng Nghị Sĩ Barack Obama đã đưa ra nhiều khẩu hiệu để thu hút sự chú ý của cử tri, trong ấy khẩu hiệu được dùng đến nhiều nhất là "Change – Thay đổi" và "Yes We Can – Chúng tôi có thể làm được".
Trong cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar (Miến Điện) vừa qua, trên khắp cả nước, người dân xứ này cũng thấy hình bà Aung San Suu Kyi với hàng chữ lớn "Time To Change – Đến lúc phải thay đổi". Vậy thay đổi cái gì, tại sao phải thay đổi, và làm gì để thay đổi, điều gì sẽ đến khi đã thay đổi? Đó là những câu hỏi mà người Miến Điện đặt ra, và đã tự trả lời rằng: Thay đổi thể chính trị từ độc tài sang dân chủ. Vì độc tài là nguyên nhân của tham nhũng, bất công, chậm tiến và lạc hậu. Muốn có thay đổi phải đấu tranh quyết liệt, chấp nhận hy sinh, kể cả mạng sống. Có dân chủ thì sẽ có sự góp sức, góp tài của nhiều khuynh hướng khác nhau, tạo ra sức mạnh tổng lực của cả nước, làm nên một xã hội công bằng và tiến bộ hơn.
Những mục tiêu trên đây đã và đang lần lượt diễn ra tại Myanmar. Không phải đến 2015 người dân xứ Miến mới thực hiện khát vọng dân chủ, mà trong 124 năm (1824-1948) là thuộc địa của Anh, các cuộc đấu tranh giành độc lập đã từng xẩy ra trong nhiều giai đoạn. Khi được trao trả độc lập, làn gió dân chủ thổi đến, nhưng chưa kịp bén rễ, thì những cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm xảy ra, đến năm 1962 quân đội đã đảo chánh và thiết lập chế độ quân phiệt, khiến cho một đất nước giàu tài nguyên, trù phú bậc nhất trong vùng trở nên nghèo đói, lạc hậu, bởi một chính quyền tham nhũng độc tài, bị thế giới cô lập, bị nước láng giềng Trung Cộng thao túng, nhưng người dân Miến quyết tâm tranh đấu chống lại những cuộc đàn áp đẫm máu. Hình ảnh hàng ngàn nhà sư xuống đường bị chính quyền hành hung thô bạo, những chiếc áo cà sa bị xé rách tả tơi, máu me bê bết lênh láng khắp phố phường, khiến cả thế giới quan tâm lên án.
Cuộc tranh đấu đòi dân chủ dưới sự lãnh đạo bền bỉ của bà Aung San Suu Kyi đã có kết quả nhãn tiền, năm 1990 Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ đã thắng áp đảo với 392 trong số 485 ghế quốc hội nước này, nhưng quân đội đã không thừa nhận kết quả cuộc bầu cử ấy, chẳng những thế, họ còn quản chế bà Suu Kyi, khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình 1991, mãi đến năm 2010, dưới áp lực của quốc tế, bà mới được trả tự do.
Từ năm 2011 dưới sự lãnh đạo của tổng thống Thein Sein, một cựu tướng lãnh đã có cái nhìn thức thời, đã nghĩ đến tương lai của đất nước và khát vọng của người dân, để rồi sau hơn 3 năm chuẩn bị, cuộc tổng tuyển cử đã diễn ra ngày 8 tháng 11 vừa qua, với hơn 90 đảng phái tham gia, với 82% trong số hơn 30 triệu cử tri đi bầu. Theo đánh giá của quốc tế, thì đây là một cuộc bầu cử dân chủ, công bằng, tuy vẫn còn có những trục trặc nhỏ ở một số nơi, nhưng điều đáng nói hơn cả lả đảng đương quyền đã chính thức nhìn nhận thất bại, và hứa sẽ chuyển giao quyền hành cho chính phủ mới trong êm thắm.
Đến đây thì Miến Điện đã lật sang một trang sử mới, người dân đã thở phào nhẹ nhõm nhìn con xe dân chủ vừa vượt qua một cửa ải đầy cam go thử thách. Tuy con đường trước mặt vẫn còn nhiều chông gai, gập ghềnh, nhưng đầu đã xuôi thì đuôi tất lọt. Người dân Miến đang hướng tới một tương lai sáng lạn hơn, khi đã nếm được vị ngọt của nền dân chủ, đất nước đã mở cửa ra với thế giới văn minh tiến bộ, thì các nguồn đầu tư sẽ đưa vào làm cho đời sống kinh tế được cải tiến, xã hội sẽ thay đổi, đất nước sẽ phát triển. Giấc mơ dân chủ nay đã trở thành hiện thực.
Việt Nam cũng ở trong Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, với dân số gần gấp đôi Miến Điện, nhưng diện tích chưa bằng nửa nước này, nhưng xét trên nhiều phương diện vào thời điểm 50 năm trước, thì Việt Nam, nhất là Miền Nam Việt Nam, đã bỏ quá xa Miến Điện, ngay cả thời gian cách nay 5 năm, không khí u ám vẫn còn bao trùm xứ sở này. Nhưng hôm nay qua cuộc bầu cử vừa rồi thì sao? Câu hỏi này chúng tôi đặt ra với bộ chính trị đảng CSVN, và đặc biệt với ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì trên đất nước Việt Nam hôm nay hoàn toàn không có dân chủ, các cuộc bầu cử ở Miền Bắc từ năm 1946, và trên toàn quốc trong 40 năm qua, đều do đảng sắp xếp và ép buộc, người dân không được tự do ứng cử và bầu cử, mà chính là "đảng cử, dân bầu". Quốc Hội được xem là cơ quan quyền lực tối cao, nhưng lại chịu sự chỉ đạo của bộ chính trị, vì hầu hết đại biểu là đảng viên, phài làm theo chỉ thị của đảng, nên đó chỉ là "quốc hội bù nhìn", làm cảnh trang trí cho chế độ mà thôi. Đó là nguyên nhân chính khiến đất nước hôm nay nghèo đói chậm tiến và tụt hậu. Chưa hết, mối nguy lớn nhất đang đè nặng lên nước ta, là đảng CSVN đã và đang đưa đất nước và dân tộc vào vòng nô lệ của Tàu Cộng. Điều này đã được chứng minh bằng những hành động cụ thể nối tiếp nhau từ 70 năm qua.
Khát vọng dân chủ là khát vọng chung của nhân loại, đặc biệt đối với Việt Nam hôm nay, vẫn là một nước độc tài do đảng CS dùng bạo lực để cai trị và đàn áp người dân. Lòng dân đã chán ghét, nên chế độ này không thể kéo dài mãi được, cần phải thay đổi để tồn tại và vươn lên. Hơn 90 triệu người Việt Nam phải tự quyết định lấy tương lai của chính mình, không thể để cho tập đoàn CS bán nước tiếp tục dẫn dắt dân tộc này lâu hơn nữa.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi quan điểm của chúng tôi.
LLCQ

No comments:

Post a Comment